Lâm Đồng: Nỗi oan mất đất của một gia đình nông dân

(PLO) - Bà Lê Thị Muôn (77 tuổi) và các con (ngụ tại 10B Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương để đòi lại đất canh tác.

Lâm Đồng: Nỗi oan mất đất của một gia đình nông dân
Đoạn trường mất đất
Nguồn gốc các thửa đất từ 91 đến 100, tờ bản đồ số C49I (45d) phường 7, TP.Đà Lạt là do gia đình bà Muôn canh tác từ trước năm 1975. Năm 1978 diện tích đất nói trên được đưa vào Tập đoàn sản xuất (TĐSX) số 3 Đa Thành. Hộ bà Muôn được TĐSX giao sản xuất trên diện tích đất này và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Năm 1990, TĐSX tan rã, hộ bà Muôn vẫn là người trực tiếp sản xuất cho đến nay.
Thế nhưng, năm 2013 Ban hộ tự chùa Viên Quang, Đà Lạt đã khởi kiện đòi gia đình bà Muôn trả lại diện tích đất này với lý do: ngày 20/4/1993 ông Trần Ưa (chồng bà Muôn - đã chết) ký vào bản hợp đồng viết tay thể hiện việc thuê các thửa đất nói trên của chùa. Trong khi đó, bà Muôn và các con không hề hay biết việc ông Ưa ký giấy này. Còn chùa Viên Quang cũng chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN).
Bản án sơ thẩm số 22 ngày 28/6/2013 của TAND TP.Đà Lạt và Bản án phúc thẩm số 97 ngày 16/9/2013 của TAND tỉnh Lâm Đồng “chấp nhận yêu cầu” của Ban hộ tự chùa Viên Quang, buộc gia đình bà Muôn phải trả lại diện tích đất từ thửa 91 đến thửa 99 cho chùa. Riêng thửa 100 thì Tòa không giải quyết vì cho rằng do ông Trần Ưa đã đăng ký quyền sử dụng đất và có tên trong sổ mục kê của phường 7.
Sau đó, gia đình bà Muôn đã có đơn khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm. Nhưng ngày 10/9/2014, Phó Chánh tòa dân sự TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh đã ký Văn bản số 614 cho rằng: “Không có căn cứ để kháng nghị”. Gia đình bà Muôn tiếp tục kêu cứu đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Riêng thửa đất số 100, cuối năm 2014 bà Muôn có đơn đề nghị chính quyền địa phương cấp GCN, vì gia đình bà trực tiếp sản xuất từ trước năm 1975 đến nay, có đăng ký sử dụng đất, có tên trong sổ mục kê của phường và bà con địa phương ai cũng biết. Nhưng ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 2871 “không chấp nhận”, vì cho rằng căn cứ vào họa đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất TP.Đà Lạt đo vẽ ngày 29/11/2007 ghi ký hiệu (Hg) là đất công sản bỏ hoang, không có ai sử dụng, nên giao TP.Đà Lạt thu hồi 294,9m2 đất nói trên để quản lý. Thế là gia đình bà Muôn trắng tay.
Cơ quan chức năng nghĩ gì?
Bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì công nhận đất của chùa Viên Quang nhưng trước đây, ngày 18/7/1995, tại Báo cáo kết quả phúc tra số 220 BC/XKT của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng lại kết luận: Không thể giải quyết trả lại đất này cho chùa Viên Quang được, vì kể từ năm 1978 đất này đã được giao cho TĐSX số 3 Đa Thành và TĐSX đã đăng ký sử dụng và được Nhà nước công nhận thể hiện trên bản đồ địa chính.
Với nội dung trên, nhiều luật gia, luật sư cho rằng: Diện tích đất tranh chấp đã đưa vào TĐSX, chùa Viên Quang không có GCN thì không thể ký hợp đồng cho ông Trần Ưa thuê. Nếu ký là trái quy định, vi phạm Điều 5 Luật Đất đai năm 1987 nên hợp đồng cho thuê đất nói trên là vô hiệu (do vi phạm điều cấm của luật).
Mặt khác, theo văn bản thuê đất đã ký giữa ông Trần Ưa với chùa Viên Quang, thời hạn thuê là 10 năm (kể từ ngày 20/4/1993 đến ngày 20/4/2003). Nếu cho rằng hộ bà Muôn không trả đất, vi phạm hợp đồng thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm bắt đầu từ ngày 21/4/2003 (quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự). Tuy nhiên, đến ngày 22/5/2007, chùa Viên Quang mới khởi kiện là hết thời hiệu khởi kiện (ngày 21/4/2005), nhưng Tòa án cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại thụ lý giải quyết là không đúng quy định. 
Đáng nói hơn, tại Bản án phúc thẩm số 97 ngày 16/9/2013 của TAND tỉnh Lâm Đồng công nhận các thửa đất từ 91 đến 99 của chùa Viên Quang theo đơn đăng ký quyền sử dụng đất được thể hiện trên bản đồ địa chính. 9 thửa nói trên có tổng diện tích là 3.166m2 nhưng bản án lại buộc hộ bà Muôn phải trả cho chùa Viên Quang 3.434,58m2 (trả thừa 266,58m2). Nội dung tuyên án này không đúng thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi bị đơn vì bà Muôn biết lấy đâu 266,58m2 đất mà trả!?
 Luật Đất đai các thời kỳ đều có quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Việc Tòa án 2 cấp ở Lâm Đồng chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của chùa Viên Quang mà đất này đã được Nhà nước giao cho hộ bà Muôn sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai là trái với các quy định trên.
Ngoài ra, việc UBND tỉnh Lâm Đồng “không chấp nhận” cấp GCN cho hộ bà Muôn (với lý do căn cứ vào họa đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất TP.Đà Lạt đo vẽ ngày 29/11/2007 ghi ký hiệu (Hg) là đất công sản bỏ hoang) trong khi hộ bà Muôn trực tiếp sản xuất, sử dụng ổn định, có tên trong sổ mục kê đăng ký quyền sử dụng đất và hiện không có tranh chấp… là không phù hợp với các quy định của pháp luật về Luật Đất đai.
Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng cần xem xét lại trường hợp nói trên.
Báo PLVN sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo.

Đọc thêm