Nghề xuất phát từ tín ngưỡng
Lái Thiêu là một phường thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nơi đây từng nổi tiếng khắp Nam Bộ với nghề vẽ tranh kiếng. Nghề làm tranh kiếng Lái Thiêu khởi phát nhanh chóng, lại được bổ sung bằng đội ngũ họa sĩ được đào tạo từ Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một nên càng ngày càng có chất lượng hơn, chiếm được thị phần quan trọng khắp Nam Kỳ. Bấy giờ, ghe buôn tấp nập đậu chờ dưới bến lấy hàng ngày đêm.
Theo những người lớn tuổi ở Bình Dương, tranh kiếng du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 19. Người sáng lập ra nghề vẽ tranh kiếng là ông Trương Tường, một người Hoa. Vào cuối thế kỷ XIX, ông Tường cùng gia đình rời quê hương Trung Quốc di cư sang Việt Nam lập nghiệp. Để kiếm kế sinh nhai, ông Tường đã phải suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng ông tìm ra cho mình một con đường chân chính và đầy sáng tạo, đó là nghề vẽ tranh trên kiếng.
Ý tưởng về nghề này bắt nguồn từ truyền thống coi trọng thờ cúng ông bà, tổ tiên. Theo quan niệm người phương Đông việc thờ cúng ông bà, tổ tiên luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy trong ngôi nhà của mỗi gia đình, bao giờ cũng phải có một bàn thờ chính để thờ những người quá cố.
Việc trang trí trên bàn thờ cũng được mọi người đặc biệt quan tâm nên trên bàn thờ người ta thường treo các tranh thờ, bài vị để thêm phần trang trọng. Lúc bấy giờ tranh thờ chủ yếu được làm bằng giấy, qua một thời gian các nét vẽ của tranh bị mờ và giấy bị rách nên không sử dụng lâu được, phải thay đổi thường xuyên. Vì vậy, ông Trương Tường nghĩ ra phương pháp dùng kiếng để vẽ tranh, nhưng với hình thức vẽ ngược, như thế có thể dùng được lâu dài, lại có tính thẩm mỹ cao.
Khác với tranh vẽ thông thường, người thợ vẽ tranh kiếng phải vẽ từ phía sau mặt kiếng và khi lật lại thì đó là bề mặt của tranh. Với nguyên tắc vẽ ngược như thế, đòi hỏi kỹ thuật của người thợ vẽ rất cao, không chỉ vẽ đẹp mà còn có óc tưởng tượng phong phú vì chi tiết nào đáng lẽ phải vẽ sau cùng như tranh thông thường thì đối với tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Từ đó, nghề vẽ tranh kiếng ra đời.
|
Để tranh kiếng đa dạng hơn và có thể được dùng làm quà dịp Tết, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những bức tranh kiếng với nhiều câu chúc Tết ý nghĩa, may mắn. (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Thời gian đầu chỉ một mình ông vẽ, sau đó thấy tranh kiếng được nhiều người dân ưa chuộng, sản phẩm bán ra ngày một tăng nên ông bắt đầu dạy nghề cho các thành viên trong gia đình. Dần dần công việc làm ăn phát triển, ông mở rộng quy mô sản xuất và mướn thêm nhân công làm để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sau một thời gian học nghề, một số nhân công lành nghề đã tự mở các cơ sở riêng cho mình để phát triển kinh tế. Dần dần, số lượng cơ sở vẽ tranh kiếng tại Lái Thiêu tăng lên, hầu hết các cơ sở này đều làm ăn khấm khá, sản phẩm bán ra thị trường ổn định và phát triển.
Theo lịch sử thì tranh kiếng đã có mặt ở cung đình Huế từ thời Minh Mạng – Thiệu Trị nhưng phải qua quá trình nhập khẩu khá rắc rối. Nghệ thuật vẽ tranh kiếng chỉ thực sự bắt đầu khi các di dân Quảng Đông đến lập nghiệp ở Chợ Lớn mở các tiệm kiếng, buôn bán các loại kiếng tráng thủy để soi mặt, lộng khuôn hình, tủ, khung cửa.
Đến những năm 1920, nghề làm tranh kiếng chuyển địa bàn về vùng Lái Thiêu (Bình Dương) rồi phát triển thành một nghề thủ công lan tỏa khắp lục tỉnh, tạo thành ba làng nghề sản xuất tranh kiếng nổi tiếng nhất Nam kỳ là: Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Cần nói thêm là Nam Bộ hồi đầu thế kỷ 20, tranh thờ chủ yếu là chạm gỗ, phù điêu sơn son thiếp vàng; các bài vị khắc chữ Hán; sản phẩm cẩn xà cừ, viết vẽ trên giấy hồng… Sự xuất hiện của tranh kiếng nhanh chóng được đón nhận nhờ giá rẻ, màu sắc tươi vui, phong cách vẽ mới lạ.
Thương hiệu tranh kiếng Chợ Mới
Dù bắt đầu sau Lái Thiêu nhưng tranh kiếng huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) lại được nhiều người biết đến. Theo các nghệ nhân ở đây, nghề làm tranh kiếng bắt đầu xuất hiện ở Chợ Mới từ những năm 1950. Bấy giờ tranh kiếng Chợ Mới chiếm từ 90 - 95% thị phần ở các tỉnh ĐBSCL. Nhưng từ năm 2000 trở về sau, do nhiều nguyên nhân, khách hàng giảm sút, nhiều người phải bỏ nghề.
Hiện ở địa bàn Chợ Mới tại các xã Long Điền B, Long Giang, Long Kiến có khoảng 30 hộ theo đuổi với nghề vẽ tranh trên kiếng. Vì số lượng người làm nghề giảm đi một cách đáng kể nên các người thợ ở đây hàng ngày phải tất bật với nhiều công đoạn: tháo kiếng, kéo lụa, đóng khung những bức tranh kiếng nhiều màu sắc, kịp giao hàng cho khách ở các tỉnh: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng… vào những ngày cận Tết.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng ở ấp Long Tân, xã Long Điền B, cho biết khoảng từ năm 1995 - 1999, hai bên đường vào xóm ông, người ta phơi đầy những bức tranh kiếng vừa mới hoàn thành. Đây là giai đoạn nghề làm tranh kiếng phát triển nhất, với khoảng hơn 1.000 hộ. Do nhiều nguyên nhân, khách hàng giảm sút, nhiều người phải bỏ nghề. Đến nay, xã Long Điền B chỉ còn ba cơ sở sản xuất và vài hộ gia đình làm thủ công.
Nhà ông Hòa đã qua hai đời gắn bó với nghề tranh kiếng. “Khoảng năm 1950, có một số người học nghề vẽ tranh kiếng ở vùng Lái Thiêu, Cần Thơ rồi về chỉ dạy cho người trong xóm. Xã này hồi đó ông Hai Luông là người làm tranh kiếng đầu tiên. Còn cha tôi thì chỉ làm nghề mua bán tranh. Bấy giờ ai có ghe, có vốn thì mua kiếng, mua vật liệu về thuê thợ làm rồi chở đi bán. Cha tôi sắm chiếc ghe chở tranh đi bán dạo, bán xong về đặt hàng tiếp. Ngoài ra còn có những “lái tranh” chuyên nghiệp mua số lượng lớn rồi vận chuyển đến giao cho các vựa tranh ở các tỉnh để bán lẻ”, ông Hòa chia sẻ.
|
Những bức tranh kiếng được vẽ rất công phu, tỉ mỉ thể hiện sự tài hoa và tâm huyết của nghệ nhân. |
Còn tại ấp Long Thạnh 2, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, cơ sở làm tranh tại gia của ông Huỳnh Minh Quang (76 tuổi), người có hơn 30 năm làm nghề tranh kiếng đã nổi tiếng khắp vùng. Ông Quang bồi hồi nhớ lại thời kỳ hoàng kim của nghề và cái duyên của ông với vẽ tranh kiếng. Những năm 1956 -1957, khi còn là cậu bé cắp sách đến trường, ông Quang đã thấy trên những ghe hàng chuyên chở đồ gốm từ Lái Thiêu có bán những tấm kiếng nhỏ có hình vẽ.
Ông Quang may mắn hơn nhiều người khác khi được học hành đàng hoàng và rồi gắn bó hơn 20 năm với nghề “gõ đầu trẻ”. Ông về dạy ở xứ Giá Rai (Bạc Liêu) rồi về lại trường cấp II Long Giang, huyện Chợ Mới. Ông kể lại, cuộc sống thời ấy còn vất vả, khó khăn, thầy cô ngoài giờ dạy cũng phải “tăng gia sản xuất” mới mong bám nổi nghề. Ông đã rủ rê và tập hợp các thầy cô nơi mình công tác, giảng dạy thành nhóm để thêm nghề tay trái. Hòa vào không khí sôi nổi thời ấy của bao hộ dân làm nghề truyền thống địa phương, ông bén duyên với nghề vẽ tranh kiếng.
Ông cho biết, tranh kiếng Chợ Mới hầu hết có nội dung hơi hướng điển tích lịch sử như: Phật Thích Ca đi tu, Phật Bà Quan Âm,… hay các câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ,… Loại tranh treo ở bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, thường thể hiện các đề tài như: Bức tranh hoành phi, liễn đối, chung quanh trang trí viền bằng cây trúc, cây tùng minh họa, tranh viết chữ “Phước - Lộc - Thọ” trên nền đỏ, xung quanh vẽ khung hình dây lá hoặc hồi văn đôi khi có thêm con bướm hay con dơi ngậm trụ chỉ.
Tất cả các chữ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán. Ngoài ra loại tranh này còn vẽ một bụi mai già bên cạnh có cây trúc, bụi lan, cúc… tượng trưng cho vẻ đẹp cao khiết, thanh tao. Để phù hợp với xu thế thời đại, thỏa mắt thẩm mỹ của người tiêu dùng nên thời gian qua đã xuất hiện các bức tranh kiếng vẽ phong cảnh quê hương đất nước hoặc những câu đối ý nghĩa báo hiếu, nói về tình bạn, mã đáo thành công hoặc di tích lịch sử, du lịch: Núi Cấm, Đồi Tức Dụp, Chùa Bà Núi Sam…
Quy trình chế tác một bức tranh đòi hỏi người thợ phải tỉ mẫn qua nhiều công đoạn: Cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng.
Điểm đặc biệt của tranh kiếng là người thợ phải vẽ từ phía sau mặt kiếng. Khi vẽ xong tấm kiếng được lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Vì thế các chi tiết đáng lẽ vẽ sau cùng, thì ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Chính điểm này mà nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi ở người thợ vẽ không chỉ có niềm đam mê hội họa, óc sáng tạo mà còn cần tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và khéo léo. Giá bán hiện nay tùy theo kích thước, cách phối màu, kiểu dáng, độ dầy của kiếng, mà từng bức tranh dao động từ 500.000 đồng đến nhiều triệu đồng.
Chú Huỳnh Minh Quang, cho biết: “Quyết định nhất là người vẽ mẫu, ăn khách hay không là do người vẽ mẫu, quyết định màu sắc bức tranh, từ đó thợ cứ vậy mà làm. Chỗ nào màu xanh, màu đỏ, màu vàng, người thợ đã tính hết. Chẳng hạn vẽ lá cây thì xanh lá, vẽ mây, nước thì màu xanh lam chẳng hạn đã tính, buổi chiều, buổi sáng điểm thêm màu hồng, màu vàng”.
Chú Quang nhớ rằng, ở ấp từ một vài hộ làm tranh bán tại chỗ, đến khi sức mua nhiều các hộ mới dạy nghề cho người dân trong vùng để làm ra nhiều sản phẩm hơn chở đi bán ở các vùng lân cận, rồi lan ra các vùng xa hơn ngoài tỉnh". Từ đó hình thành làng nghề.
Những lúc tranh kiếng thịnh hành, cơ sở của ông Quang có trên 20 nhân công lành nghề, phần lớn là do ông đào tạo dù ông chưa qua một lớp đào tạo nào mà từ kinh nghiệm của mình. Ông xem người thợ như người thân, con cháu trong gia đình nên khi chỉ dạy, ông và người được dạy rất chú tâm trong từng sản phẩm, trách nhiệm trong từng công đoạn. Nhờ vậy dù thị trường có đôi lúc ế ẩm, thị phần bị thu hẹp nhưng người thợ cũng không bỏ nghề và ông cũng không muốn người thợ mất việc nên hàng tồn kho là chuyện bình thường, rồi từ từ giải quyết sau chứ nhất định không bỏ nghề.
Những bộ tranh kiếng ra đời phục vụ bà con từ hàng chục năm nay ở cơ sở của ông Quang là từ đôi tay tài hoa của những nghệ nhân chưa từng học qua bất kỳ một lớp mỹ thuật hay hội họa nào. Tất cả đều là kinh nghiệm cha truyền con nối từ bao đời, thông qua cần cù trong lao động, kết hợp nhuần nhuyễn với sự khéo léo, óc thẩm mỹ và sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ nghệ nhân.
Trăn trở tìm hướng đi mới
Trước đây người thợ phải mất thời gian ba ngày để dùng cọ vẽ từng đường nét, điểm phá từng chi tiết của bức tranh, chọn màu phù hợp, chủ yếu là những màu tươi, sáng để bắt mắt, hợp tình và hợp ý người mê tranh kiếng, sau đến những công đoạn trang trí bên ngoài.
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tranh kiếng đa phần được sử dụng công nghệ để phun, kéo lụa. Việc áp dụng kỹ thuật giúp màu sắc tranh sinh động, giá thành chỉ bằng 1/3 tranh kiếng truyền thống nên nghệ nhân vẽ tranh dần mai một. Bên cạnh đó, việc sản xuất tranh phụ thuộc nhiều vào thời tiết như nắng nhiều để phơi tranh, giá thành một bức tranh không đủ để nuôi một người thợ nên hầu như người dân không còn mặn mà với nghề.
Thông thường, bà con hay có thói quen thay những tranh cũ bằng tranh mới trên bàn thờ mỗi dịp tết đến, xuân về với mong muốn cầu bình an, mạnh khỏe cho gia đình. Như mọi năm, ngày trước Tết, bà Tám và những người thợ luôn bận bịu với các tác phẩm tranh kiếng. Vẫn còn người say mê thưởng thức tranh thì bà vẫn miệt mài sáng tạo. Tuy nhiên, bà thừa nhận, hiện nay nghề làm tranh kiếng Bà Vệ đang dần bị mai một, người theo nghề không còn nhiều.
Với bà Tám, tranh kiếng không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống gia đình, là di sản cần được bảo tồn. Bà quyết tâm bám nghề và không ngừng sáng tạo để duy trì loại hình nghệ thuật dân gian này. Bà bùi ngùi: “Tôi đến với nghệ thuật vẽ tranh kiếng lúc mới 10 tuổi. Những năm 1980, xưởng tranh này chật ních người đến mua. Vào ngày Tết, người dân miền Tây nhất định phải sắm một bức tranh kiếng để trang hoàng nhà cửa, hoặc không thì biếu bạn bè, người thân.
Mặc cho các thể loại tranh khác lên ngôi, tranh kiếng vẫn được coi là trào lưu trong hàng chục năm. Chúng tôi là những người làm nghề lâu năm, cố gắng duy trì, gìn giữ, nhưng không phủ nhận được nguy cơ thất truyền”.
Tại cơ sở tranh kiếng của ông Hòa, để có thể giữ nghề ông đã cho sản xuất hàng trăm mẫu với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài tranh thờ Cửu huyền thất tổ, tranh Phật, tranh thần độ mạng, còn có các loại tranh trang trí vẽ theo phong cách mới, đề tài rất phong phú, như tấn tài tấn lộc, ơn nghĩa sinh thành, mã đáo thành công, tứ linh và các tranh phong cảnh bình dân…. Nhưng bán chạy nhất là dòng tranh tấm mới, hai bên vẽ rồng, phụng nhũ kim tuyến, phù hợp với nhà kiểu mới, hiện đại hơn. Còn nhà kiểu xưa thì có mẫu tranh thờ Phước Lộc Thọ.
Đối với dòng tranh trang trí, ông Hòa mạnh dạn dùng chữ quốc ngữ theo mẫu thư pháp. Nhưng đối với tranh thờ ông vẫn sử dụng chữ Nho có chú thích chữ quốc ngữ. Theo ông Hòa thì tranh cửa buồng vẽ theo đề tài xưa hiện vẫn còn được ưa chuộng. “Những năm từ 1990 - 1995, các loại đề tài như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Nàng Út ống tre... còn nhiều khách hàng đặt làm.
Theo ông Hòa, hiện nay đa số được thiết kế trên máy vi tính với kỹ thuật tách màu in lụa, mỗi ngày có thể cho ra hàng chục bức tranh theo mẫu, nhưng độ tinh xảo cũng không kém, giá thành lại rẻ nên đáp ứng được thị trường. Còn kỹ thuật vẽ thủ công hiện thời chỉ để phục chế tranh cũ theo mẫu xưa, loại tranh không phổ biến về nội dung cũng như kích cỡ như kiểu tranh in đại trà hiện tại. Dạng khách hàng này không đông nhưng nhờ đó tính chất truyền thống thủ công của nghề làm tranh kiếng không bị mai một.
“Nghề vẽ tranh kiếng từng có thời gian bị chùng xuống, tưởng như mất hẳn. Nhưng gần đây người thưởng thức tranh có sự hoài cổ. Đặc biệt mới đây, loại tranh đề tài tích truyện dân gian khách hàng đặt làm không kịp. Số lượng sản xuất gấp 5 - 6 lần năm ngoái, với hàng ngàn tấm. Điều đáng mừng là có nhiều thanh niên từ Thốt Nốt, Cần Thơ… tới đây tham quan và đặt hàng mua các loại tranh xưa này”, ông Hòa cho biết.
Về hình thức, loại tranh vẽ theo đề tài xưa hiện cơ sở của ông Hòa cách tân đôi chút, sinh động hơn về màu sắc, tinh tế hơn về đường nét, nhưng nội dung vẫn giữ. Khuôn khổ cũng phong phú hơn. Người mua có thể dùng để treo tường, trang trí phòng khách hay bất cứ nơi nào trong nhà, không nhất thiết phải làm theo kích cỡ của tranh treo cửa buồng như xưa.
Bên cạnh cải tiến kỹ thuật sản xuất tranh, nguyên liệu tranh kiếng cũng được lựa chọn để tăng giá trị cho sản phẩm: kính mỏng hơn, trong hơn cho màu vẽ sắc nét; ngoài khung gỗ còn có khung nhôm giá thành rẻ, bền và chắc chắn, khắc chữ trên khung theo yêu cầu. Tranh kiếng được nâng lên về chất lượng, thời gian sử dụng kéo dài đến vài chục năm.