'Nghệ nhân đường phố' tạo nên sức hút cho Lễ hội Trung thu Thành Tuyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đêm hội Trung thu ở Tuyên Quang bây giờ đã trở thành điểm nhấn của miền Đông Bắc. Có được sự rực rỡ hôm nay có phần lớn của những nghệ nhân âm thầm sáng tạo, trong đó có ông Phạm Ngọc Toán.
Nghệ nhân Phạm Ngọc Toán và các tác phẩm của mình. (Ảnh: Tâm Anh)
Nghệ nhân Phạm Ngọc Toán và các tác phẩm của mình. (Ảnh: Tâm Anh)

Từ câu chuyện gia đình cho đến lễ hội đường phố

Nghệ nhân Phạm Ngọc Toán vẫn thường được người dân và trẻ em Tuyên Quang gọi với cái tên thân thương - “nghệ nhân đường phố”. Bằng sự am hiểu vốn văn hoá dân gian cùng đôi bàn tay khéo léo, ông là một trong những người tiên phong và gắn bó bền bỉ với công việc sáng tạo những mô hình đèn Trung thu “khổng lồ”.

Cái duyên với nghề làm mô hình Trung thu của nghệ nhân khá tình cờ. Năm 1998, khi con trai cả của ông lười ăn nên mỗi bữa ăn của con trai là “cuộc chiến của cả gia đình”. Người bế con, người bê bát, người khua chiêng gõ trống… Ông Toán thương con đến xót ruột liền rủ mấy nhà có con nhỏ quanh đấy tạo ra một chiếc xe mô hình mô phỏng lại hình ảnh “Đám cưới chuột”, mục đích chỉ để “dụ” cậu con trai ăn cho đỡ vất vả. Những ngày sau đó, trẻ con hàng xóm túm tụm lại để chơi đùa bên mô hình “Đám cưới chuột”, từ lúc đấy, trong lòng nghệ nhân đã nung nấu ý tưởng về một lễ hội Trung thu độc đáo.

Ông Toán chia sẻ: “Muốn có được niềm vui của con trẻ, mình phải nhìn bằng ánh mắt của chúng. Nếu chỉ dùng ý chí chủ quan của mình thì sản phẩm làm ra sẽ không có hồn đâu. Phải sống bằng tâm hồn thơ trẻ. Tôi vui khi thấy lũ trẻ mỗi lần chạy qua xưởng đều reo vang: A Tôm và Jerry này! A, đi tìm Nê - mô!... Nhiều phụ huynh trước bữa cơm đều nhắc con, ăn nhanh mẹ cho sang nhà bác Toán xem đèn!”.

Nghệ nhân Toán cho biết, trước mỗi mùa Trung thu, mình đều dành thời gian tìm kiếm và xem lại những bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, đọc lại những câu chuyện cổ tích hay nhất của Việt Nam để lấy cảm hứng sáng tạo. Cứ thế, mỗi ngày, những lời động viên vô giá này trở thành món quà, động lực để nghệ nhân sáng tạo.

Những bức tranh dân gian, những câu chuyện cổ tích đã được ông “thổi hồn” vào các mô hình trong suốt 20 năm qua đã khiến tuổi thơ của thiếu nhi Tuyên Quang trở nên sống động hơn bao giờ hết. Sự bền bỉ và tâm huyết ấy đều xuất phát từ mong muốn đem đến cho các bạn nhỏ cái Tết Trung thu vui vẻ và ý nghĩa. Niềm vui, sự thích thú của lũ trẻ trước những linh vật rước đèn cũng là động lực để nghệ nhân Toán tiếp tục công việc sáng tạo của mình.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Nhìn thoáng qua, ấn tượng nổi bật về các mô hình ở Lễ hội thành Tuyên thường nằm ở kích cỡ “vượt trội”. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy chiếc đèn được gọt đẽo, nắn vuốt tỉ mỉ, tinh tế đến từng chi tiết.

Theo chia sẻ từ nghệ nhân Phạm Ngọc Toán, để làm các mô hình, người thợ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn chủ đề. Linh vật được tạo dựng phải vừa mang yếu tố truyền thống, vừa giàu tính thẩm mỹ và có khả năng giáo dục. Và những câu chuyện được gửi gắm trong kho tàng truyện, tranh dân gian chính là nguồn chất liệu phong phú, bảo đảm được những yêu cầu khắt khe mà nghệ nhân tự đặt ra. Đó là lý do tại sao các linh vật rất gần gũi, quen thuộc với người dân, đặc biệt là trẻ em. Những tích truyện cổ, tranh dân gian như Tấm Cám, Đám cưới chuột, Trí khôn của ta đây, chú Cuội cung trăng... hiện lên đầy sống động.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Toán cũng xây dựng nhiều mô hình lấy cảm hứng từ các anh hùng hào kiệt trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Hình tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận hay Hưng Đạo vương - Trần Quốc Tuấn... khiến đêm rước đèn không chỉ lung linh mà còn thiêng liêng đến vô cùng. Gần đây, hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ an ninh, biên cương Tổ quốc cũng được mô phỏng như một hành động tri ân đến lực lượng này.

Trung bình mỗi năm, ông Toán và đội ngũ cộng sự sản xuất ra khoảng trên 50 - 60 mô hình nhưng không có mô hình nào trùng lặp về kích thước, mẫu mã, thần thái. Ông Toán bộc bạch: “Mô hình đẹp thì phải toát ra được thần thái và hiện tượng lịch sử phải được miêu tả lại trong mô hình để các bạn nhỏ hiểu được. Ví như mô hình cá chép hóa rồng là một mô hình đẹp, thể hiện sự vươn lên của con người trong cuộc sống, luôn luôn tìm tòi và phát huy. Tôi làm mô hình này trong đêm rước đèn Trung thu để các cháu cảm nhận”.

Theo ông Toán, linh vật có thần thái, cốt cách hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó công đoạn phác thảo, chia tỷ lệ rất quan trọng. Đó là bước đệm đầu tiên để tạo nên cái hồn của đối tượng: Cái uy nghi của con rồng, dũng mãnh của con hổ, cái hiền lành, chăm chỉ của con trâu... Công đoạn trang trí đòi hỏi cao về độ tinh tế, nhạy bén: Kết hợp hài hòa giữa hình khối, màu sắc, ánh sáng tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Thay vì dùng giấy bóng kính hay đề can, ông Toán dùng toàn bộ mê ca để trang trí phía ngoài mô hình. Đây là chất liệu cực bền, bắt sáng tốt và tạo tính thẩm mỹ cao cho sản phẩm. Ông bảo, như 6 mô hình trong bộ 12 con giáp do ông thực hiện, gồm: rồng, hổ, ngựa, lợn, chó, dê tại khu vực hồ Công viên Tân Quang đến thời điểm này vẫn lung linh và thu hút người xem.

Mỗi năm, mô hình đèn Trung thu của nghệ nhân Phạm Ngọc Toán lại được nâng cấp lên một trình độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn: từ tạo hình 3D, mới đến dựng khung, chia tỷ lệ cho cân đối, đẹp… Những năm đầu tiên chỉ là mô hình có lắp đèn, sáng lung linh, thì những năm sau là mô hình chuyển động. Từ chuyển động một phần như chân, đầu, giờ các mô hình của ông làm có thể chuyển động cả cơ thể. Ông Toán tự hào khoe, như mô hình cánh bướm khổng lồ đặt tại Khu vườn Nhật tại Quảng Ninh là do bản thân thiết kế, cánh bướm chuyển động hoàn toàn dựa vào sức gió chứ không phải dùng bất cứ nguồn điện nào.

Theo lời ông Toán, điều ít ai biết đến, là việc dựng khung hình, bọc giấy thường được người thợ như ông làm ban ngày, nhưng khi đi vào những tiểu tiết lại phải chờ khi tối trời. Bởi dưới ánh sáng của đèn, người thợ sẽ dễ dàng nhận biết để trang trí chuẩn nhất. Mỗi năm, ông Toán được nhiều tổ dân phố, đơn vị tổ chức thuê làm khoảng 10 mô hình. Không chỉ trong các dịp Trung thu mà vào ngày thường, nhiều đơn vị ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đặt làm mô hình trưng bày tại các điểm du lịch, khu vui chơi cho trẻ em nên anh em công nhân ở đây không bao giờ hết việc.

“Mình làm ở đây đương nhiên bây giờ thì cũng thành nguồn thu nhập, nhưng trước kia thì chẳng có đâu, thôi thì được cái quý trẻ con. Nhiều lúc đang làm mà thấy mấy đứa trẻ con chạy ra hỏi han rồi ngắm nhìn quay ra cười với nhau là tự nhiên bản thân mình vui vẻ hơn nhiều. Thực ra thì tôi cũng sáu chục rồi chứ, sức khỏe xương khớp hay đến mắt thôi là cũng yếu hơn rồi. Mà mình nghĩ là cứ còn sức khỏe bao nhiêu, làm bấy nhiêu, thế là tuyệt vời rồi” - nghệ nhân Toán bồi hồi nhớ về hành trình của mình.

Ít ai biết rằng, Lễ hội Trung thu cấp tỉnh này ban đầu chỉ là hoạt động tự phát của người dân địa phương cho trẻ em chơi. Vào những năm 2000, ông Toán cùng một số người dân khác trong tổ dân phố của mình đã đứng lên xây dựng mô hình đèn Đám cưới chuột, một trong những mô hình to điển hình ở Tuyên Quang lúc bấy giờ. Dần dần, hoạt động sáng tạo những linh vật Trung thu với kích cỡ đồ sộ lan rộng khắp xứ Tuyên, tạo nên thương hiệu cho vùng đất này.

Lễ hội được tổ chức lần đầu vào năm 2004. Năm 2014, lần đầu tiên, Lễ hội thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội đã được kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”... Thương hiệu Lễ hội thành Tuyên cũng là đặc trưng riêng - nơi văn hóa, nghệ thuật truyền thống hội tụ, lan tỏa, tạo sức hút riêng biệt, độc đáo với du khách thập phương. Giai đoạn 2023 - 2025, Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu phát triển Đêm hội thành Tuyên thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.