Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi: Đóa hoa ngát hương giữa đời thường

(PLVN) - Mỗi khi người nghệ sĩ ấy cất tiếng hát trong trẻo, cao vút qua đài phát thanh hay giữa chiến trường bom đạn đều mang đến cảm xúc thật khó tả, gây ấn tượng đặc biệt với các chiến sĩ. Đến mức cứ gặp ở đâu là bộ đội đề nghị bà hát ở đó. Bà là Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi.


Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi: Đóa hoa ngát hương giữa đời thường

Tiếng hát xua tan nỗi đau

Tôi tìm đến tư gia của Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi trên đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội để lắng nghe người nghệ sĩ đích thực chia sẻ về một thời hoạt động nghệ thuật máu lửa, đầy sôi nổi. Dù đã bước sang tuổi 81 nhưng NSND Tường Vi vẫn rất minh mẫn, nước da hồng hào, đặc biệt, khi gợi nhớ về những năm tháng hát cùng bộ đội, người nghệ sĩ gạo cội ấy không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn xúc động.

Chia sẻ con đường đến với nghệ thuật, NSND Tường Vi cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại Tam Kỳ, Quảng Nam, gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng mẹ của bà thích làm thơ và hát rất hay. Ngày còn nhỏ, những năm 1950-1951, hầu như tối nào bộ đội cũng sinh hoạt văn nghệ tại sân nhà bà ngoại, hát những bài hát cách mạng, trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao…

Cứ thế, những bài hát cách mạng như: “Trường ca Sông Lô”, “Tiến Quân Ca”, “Ngày mùa”… thấm vào tâm hồn cô gái Tường Vi bé nhỏ lúc nào không hay. Chính những lời ca mượt mà đó đã đánh thức, khơi nguồn cho niềm đam mê ca hát tiềm tàng bên trong người nghệ sĩ vốn đã thừa hưởng chất giọng tuyệt vời từ người mẹ.

NSND Tường Vi kể lại: “Hồi đó, Pháp dội bom, bà ngoại trúng đạn và chết do không có ai băng bó được nên mất nhiều máu.. Nỗi đau mất mát chính là lý do tôi xung phong lên đường nhập ngũ năm 16 tuổi. Ngày ấy, tôi gầy và nhỏ, khi nhìn thấy tôi, đồng chí bộ đội tuyển quân hỏi: “Em nhỏ thế này mà đi bộ đội à?, gầy yếu thế này làm được gì?”. Lúc đó, tôi trả lời tức thì: “Em hát được, đi bộ đội em hát cho bộ đội nghe”.

Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi
Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi 

Nghe tôi nói vậy, đồng chí yêu cầu tôi hát một bài. Nghe xong, đồng chí tuyển quân gật đầu và nói: “Em đi bộ đội được”. Được chọn nhập ngũ, ban đầu tôi học làm y tá 6 tháng. Đến cuối năm 1954 tập kết ra Bắc rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108”.

Thế nhưng, là y tá mà lại được trời phú cho chất giọng tốt, nên trong những lần điều trị cho thương binh, thấy thương binh đau đớn, cô y tá Tường Vi thường cầm ghita hát cho thương binh nghe, giúp họ quên đi nỗi đau và yên tâm dưỡng thương. Sau này, tiếng hát của Tường Vi được nhiều người biết đến, vô tình giọng ca ấy lọt vào “mắt xanh” của Đại tá Võ Hồng Cương, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, bà được chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, được đào tạo về âm nhạc và tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội ở các chiến trường.

Chính vì thế, bà được coi là một trong những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát cho bệnh binh nghe tại Viện Quân y 108. Tiếng hát của bà được ví “át tiếng bom”, góp phần giúp các chiến sĩ quên đi đớn đau và yên tâm chữa bệnh.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NSND Tường Vi là ca sĩ của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, bà vinh dự có nhiều dịp được gặp và biểu diễn cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như những thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Với chất giọng đặc biệt, lại thường hát đơn ca nên NSND Tường Vi được Đại tướng và Bác Hồ nhớ tên và quý mến. 

Đọng lại trong tâm trí của NSND Tường Vi kỷ niệm lần đầu tiên vinh dự được gặp Bác Hồ, một ngày  tháng 8/1955, bà được chọn vào đội ngũ duyệt binh chuẩn bị cho ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Khối quân y đi duyệt binh hàng thứ tư, xe Bác bỗng dừng lại ngay trước mặt. Bác khen: “Các cháu đi đều, đẹp lắm. Các cháu có khỏe không?”. Thế là tất cả đồng thanh đáp lại: “Kính chúc Bác Hồ mạnh khỏe”.

Một kỉ niệm không bao giờ quên trong trái tim NSND Tường Vi, hồi đang học tại trường âm nhạc quốc gia Việt Nam, Tường Vy sinh con đầu lòng. Do buồn chuyện gia đình và đi hát quá nhiều nên sau khi vượt cạn, đứa con đã mất do bị sinh non. Qua lời đồng chí Vũ Kỳ, biết chuyện, Bác gọi Tường Vi đến, ôm vào lòng, nhẹ nhàng động viên, rồi Bác soi mi mắt của Tường Vy, nói tiếp: “Còn thiếu máu nhiều lắm, đừng hát vội nhé, đến khi khỏe rồi hãy hát”. Nghe đến đây, nước mắt Tường Vi trào ra.

Còn khi nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NSND Tường Vi tâm sự, bà luôn cảm thấy mình thật là may mắn bởi tình cảm Đại tướng dành cho bà mà suốt cả cuộc đời bà không bao giờ quên được. Ngoài những buổi gặp mặt chung, nghệ sỹ Tường Vi còn có cơ hội được tiếp xúc và gặp Đại tướng tại nhà riêng. Dần dần mối quan hệ ấy trở nên thân thiết như người trong nhà.

NSND Tường Vi và các cháu ở Trung tâm nghệ thuật tình thương đến thăm Đại tướng tại nhà riêng
NSND Tường Vi và các cháu ở Trung tâm nghệ thuật tình thương đến thăm Đại tướng tại nhà riêng 

Cũng theo NSND Tường Vi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng yêu nghệ thuật, Đại tướng rất thích chơi đàn piano, lúc còn khỏe, ông đã từng mời giáo viên đến nhà dạy đàn mặc dù khi ấy Đại tướng đã ngoài 70 tuổi. Và mỗi khi NSND Tường Vi đến nhà thăm, Đại tướng đều nói: “Tường Vi hát, anh đệm đàn nhé, hát bài dân ca đi”.

"Những lúc như thế, trong tôi lại trào dâng niềm xúc động vô bờ bến, cảm giác Đại tướng như một người thân trong gia đình mình, chứ không hề có cảm giác sợ khi đứng trước một vị Tướng quân uy nghiêm và lỗi lạc”, NSND Tường Vi rưng rưng nước mắt.

Hoa nở giữa đời

Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật trong Quân đội, lúc về hưu, NSND Tường Vy lại đắm mình trong lời ca tiếng hát, truyền cảm hứng, tài năng và dành tình yêu thương cho các lớp thế hệ trẻ. Ngôi nhà trong ngõ nhỏ của bà ở số nhà 24, B3 phố Mai Dịch, Hà Nội trở thành tổ ấm của biết bao lớp học sinh sau này đã trở thành những nghệ sĩ, ca sĩ thành danh như: Thanh Lam, Khánh Thi, Giáng Son, Thái Thùy Linh… đều đã được ươm mầm và trưởng thành từ đó.

Những khắc khoải trong tim người nghệ sĩ gạo cội ấy là nỗi đau đáu về những mảnh đời thiếu may mắn sinh ra bị di chứng sau hậu quả của chiến tranh, những đứa trẻ tật nguyền, mồ côi… Sau nhiều đêm trăn trở, Tường Vi đã quyết định thành lập “Trung tâm nghệ thuật tình thương” trực thuộc T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam tại Hà Nội, hiện nay đã phát triển cả ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

“Tường Vi là một nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam xuất bản năm 1996. Giờ đây, bằng tất cả lòng  nhân hậu và trí tuệ của mình. Tường Vi đã sáng lập 3 Trung tâm Nghệ thuật Tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam để cùng với các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giáo viên tâm huyết, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đón nhận những số phận bất hạnh, nghèo khó nhưng có năng khiếu âm nhạc… Cho các em những sắc mầu đẹp đẽ chung quanh mình để vươn lên sống vui với niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn”, theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Chia tay NSND Tường Vi, tôi ngắm nhìn nữ nghệ sĩ tài hoa ngày ngày vẫn đang lặng thầm đóng góp, chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn trong cuộc sống. Tường Vi xứng đáng là một bông hoa ngát hương trong làng nghệ thuật, một huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam, đồng thời cũng là nữ chiến sĩ, nghệ sĩ hết lòng vì bộ đội và nhân dân.

 

Đọc thêm