Múa máy hóa rồng hóa phượng
Nghĩa trang nhân dân TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) buổi sáng lạnh lẽo, heo hút. Ẩn sau lớp sương giăng mờ ảo là những ngôi mộ chập chùng trải dài trên các triền núi. 9h sáng, nắng mới hé, cái lạnh của núi rừng vẫn se se. Khuất sau con dốc lầy lội, một nhóm thợ hồ đang hì hục xúc đất, đẩy cát, trộn bê tông, lao xao trò chuyện. Mới nghe hỏi về nghề thợ kép, một người nhanh nhảu chỉ sang người đàn ông đang lui cui trộn xi măng cho biết: “Nhóm tụi tui, chỉ có ông Chung ni làm được “kép” thôi”.
Người đàn ông dáng rắn rỏi, nước da sạm đen, nở nụ cười hiền. Anh cởi mở chia sẻ về nghề mình đã theo hơn 20 năm nay. Anh tên Võ Văn Chung, ngụ phường An Tây. Anh bảo, ngày trước để học được nghề thợ kép rất khó, vì chẳng ai chịu truyền nghề. “Nghề ni ngày xưa họ chỉ truyền cho con cháu trong nhà chứ mô truyền ra người ngoài. Vài chục năm gần đây, nghề mới được phổ biến rộng rãi, tui nhờ vậy mà kiếm được cái nghề “lận lưng””, anh tâm sự.
Để có được cái nghề “lận lưng” như anh nói, nhọc nhằn không tả hết. Năm 20 tuổi, anh gia nhập nhóm thợ hồ trong làng, rồi lang bạt khắp nơi làm thợ xây. Thấy người ta làm “kép”, anh thích quá nên để tâm, lân la học lỏm. “Nhìn họ làm thế nào thì mình bắt chước thế ấy, chứ có ai vẽ vời chi mô. Lúc đầu làm những cái đơn giản, dần dà quen việc, tay nghề lên, mình làm những cái khó hơn”, anh Chung chia sẻ.
Cũng như anh Chung, anh Hoàng Phương (ngụ TP Huế) xuất thân cũng là thợ hồ. Vì đam mê, nên anh Phương tự mày mò, tìm tòi nghiên cứu, tự học “kép”. “Tui học nghề một phần vì thích. Cứ nhìn mấy ông thợ múa máy cái bay mà hóa rồng hóa phượng, tui mê quá. Hơn nữa, so với làm thợ hồ, thì làm thợ kép thu nhập cao gấp 2 - 3lần, cuộc sống cũng dễ thở hơn”, anh Phương bày tỏ.
Ngày trước, nghề thợ kép khá độc lập với nghề thợ hồ. Thường thì sau khi hoàn thành một phần công trình, đến phần “kép”, họ sẽ mời thợ này đến làm. Bây giờ công việc ngày một khan hiếm, nên thợ kép cũng làm hồ, lúc nào đến công đoạn “kép” thì họ mới “xổ nghề”. Theo chân các công trình xây dựng, anh Phương đi khắp nơi, gần thì về Nong, Truồi, lên Bình Điền, Hương Thọ… xa thì có Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng.
|
Tạo hình trên bia mộ |
Vẽ trên hồ ướt
Để làm được thợ kép, theo anh Chung phải có năng khiếu bẩm sinh, hoa tay, và đặc biệt là lòng kiên trì, sự tự tin vào bản thân. “Cái nghề vẽ rồng vẽ rắn ni “khó ăn” lắm. Người làm nghề phải có mắt thẩm mỹ tốt, thì khi vẽ lên, các con vật, hay cây cối mới sinh động được. Người tay nghề giỏi, vẽ con rồng con phượng vừa mềm mại uyển chuyển nhưng lại mạnh mẽ, đầy dũng khí, người khác nhìn vào chỉ sợ nó bay mất; vẽ cây vẽ hoa gì cũng như có hồn”, anh Chung nói.
Cũng vì đòi hỏi năng khiếu, nên 100 thợ hồ, thì chỉ một người mới học được nghề “kép”. So với họa sĩ, công việc của người thợ kép cũng chẳng khác nhau là mấy. Thay vì cọ, giấy, mực màu, vật dụng để sáng tạo; với thợ kép là chiếc bay và xi măng, thỉnh thoảng là màu nước.
Để khắc họa những hình ảnh long, lân, quy, phụng, mai, lan, cúc, trúc, hay các ông thần tài ở đền đài, lăng tẩm, đầu tiên người thợ phải trộn xi măng với nước thành một dạng hồ, trát lên nơi cần “kép”. Tiếp đến, họ vẽ lên những hình ảnh mình sẽ thực hiện, đợi xi măng khô một chút, dùng bay thực hiện công đoạn khắc hình, đắp xi măng. Cứ thế, một tay cầm miếng gỗ đựng hồ, một tay cầm chiếc bay nhỏ, người thợ kép phiêu diêu thả hồn mình vào việc tạo hình, tạo dáng.
Ở cuối con dốc, gần nghĩa trang, một thợ kép đang ngồi tỉ mẩn “họa” những hình ảnh long phụng trên tấm bia mộ. Đôi tay ông gân guốc, thô ráp cầm chiếc bay nhỏ. Cứ mỗi lần chiếc bay uốn lượn nhịp nhàng, những nét khắc vẽ trên mảng xi măng láng bóng cũng dần hiện ra. “Muốn vẽ, trước tiên phải đắp hồ lên, đợi hồ khô một phần thì mới tạo hình được. Thường thì sau hai tiếng, hồ sẽ khô hoàn toàn, không thể “đụng” chi được. Nên người làm nhanh, sẽ tô nhiều hồ, người làm chậm thì tô ít, làm đến đâu tô đến đó. Có người ham, tô nhiều làm không kịp, coi như bỏ, phải trát hồ làm lại”, ông giải thích.
|
Để tạo hình được những “tác phẩm” như thế này trên hồ, người thợ phải học nhiều năm |
Ông cho biết đã có mấy chục năm theo nghề thợ kép. Ngoài đi làm ở các công trình, thi thoảng ông còn đúc bia mộ theo đơn đặt hàng. “Cứ nhìn vào hình họ chạm khắc, là phân biệt được tay nghề cao thấp. Dù là chạm khắc trên xi măng, nhưng hình ảnh vẫn luôn có cái hồn của nó. Người tay nghề thấp sẽ không thể hiện được cái thần của con rồng, con phụng, bức tranh cũng vì rứa mà thô ráp hẳn”, ông lý giải. Hồi mới vào nghề, mỗi ngày ông chỉ khắc vẽ được một tấm bia, giờ một ngày có thể làm 3 – 4 tấm. “Làm nghề ni trời nắng khỏe lắm. Chứ trời mưa, có khi ngồi uống hai ba bình trà, nước đã cạn mà hồ vẫn chưa khô để mình khắc vẽ. Cho nên nhiều bận, tụi tui phải cắm quạt máy cho gió thổi, để hồ khô mà làm”.
“Nhất thợ rèn, nhì thợ kép”
Từ chỉ dẫn của một người thợ: “Ở vùng An Bằng (huyện Phú Lộc) nghề ni thịnh lắm. Dưới đó lăng mộ nguy nga đồ sộ, nên thợ hồ, thợ kép hội tụ ở đó cũng nhiều”, chúng tôi tiếp tục tìm về làng An Bằng giữa trưa nắng.
Men theo con đường nhỏ quanh co giữa làng là đến “thành phố của người chết”. Những ngôi mộ nguy nga, đồ sộ cũng dần dần hiện ra. Giữa trưa, nhưng nhóm thợ xây vẫn đang tất bật làm việc. Có người ngồi cưa gạch, có người pha màu, vài người đang ngồi vắt vẻo trên dàn giáo cao ngất, tô tô trát trát. Một người cho biết, thợ hồ hay thợ kép đang làm việc ở đây, đều là dân vùng khác đến. “Dân ở đây ai cũng giàu, toàn có ngoại tệ gửi về, nên ai làm cái nghề cực khổ ni. Nhìn lăng mộ ở đây là biết”, ông giải thích.
Ông Trần Hoài (ngụ thị xã Hương Trà) chia sẻ, ngày trước, thợ kép chỉ dùng xi măng để tạo hình, hiếm lắm mới có người yêu cầu dùng màu sắc. Vì theo thời gian, xi măng có nổi rêu mốc, hay bụi bám vẫn dễ nhìn hơn. Nhưng nay đã khác. “Chừ người ta thích “sơn son, thếp vàng” cho sang, nên dùng màu sơn lên, sang hơn thì khảm sành sứ”, ông cho biết.
Ông Hoài là một trong nhiều thợ kép “ăn dầm ở dề” lâu nhất ở đây. Hồi nhỏ đi học, ông có hoa tay nên vẽ rất đẹp. Bạn bè cùng lớp ai cũng bảo thế nào ông cũng thành họa sĩ. Nhà nghèo, không có tiền ăn học đến nơi đến chốn, nên giữa chừng ông bỏ ngang, rồi chiến tranh loạn lạc, ông làm đủ nghề, dấn thân theo kiếp thợ hồ. Sẵn có hoa tay, thích vẽ vời, lại có khiếu thẩm mỹ, nên những ngày rong ruổi theo các công trình, ông lọt vào mắt một thợ kép giỏi và được người này truyền nghề.
|
Một khu lăng mộ ở nghĩa địa An Bằng |
“Cũng là kiếp thợ hồ như nhau, nhưng ngày trước mấy ông làm “kép” lúc nào áo quần cũng tươm tất, ra chỗ làm thì vừa nhâm nhi trà, vừa hút thuốc, đợi thợ hồ tô trát xong thì xắn tay áo trổ tài nghệ, nhìn cũng oách lắm. Bởi vậy người xưa mới có câu “nhất thợ rèn, nhì thợ kép”. Nghề ni xưa lắm rồi, từ hồi có đình chùa miếu mạo”, ông Hoài nói bằng giọng tự hào. Tuổi cao, nhưng ông Hoài nói vẫn còn đủ sức, vẫn thừa đam mê để rong ruổi khắp các công trình. Ông bảo, “vẫn còn cầm được bay, vẫn còn đắp được hồ, bỏ nghề uổng lắm”.