Việc đánh vào lòng địch của “chiến lược gia” Nguyễn Trãi tập trung chủ yếu vào hai khía cạnh: dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch, ngụy ở các thành và đấu tranh hòa đàm với bọn chủ tướng địch, buộc chúng phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.
Tác giả Nguyễn Lương Bích nhận xét: “Trong suốt quá trình đánh địch sau này cho tới khi toàn thắng, Nguyễn Trãi đã đảm nhiệm gần như toàn bộ công tác “đánh mạnh vào lòng địch”. Ông viết gửi cho địch, ngụy hàng trăm bức thư để dụ hàng, để hòa đàm. Ông trực tiếp tới một số thành để khuyên địch ra hàng. Ông năm lần thân vào thành Đông Quan đàm phán với chủ tướng địch. Ông đã làm công việc đánh vào lòng địch thật kiên trì, thật dũng cảm, thật tài giỏi và ông đã thành công rực rỡ”.
Những lời lẽ thấu suốt tâm can
Theo Nguyễn Lương Bích, công tác dụ hàng của Nguyễn Trãi nhằm hai mục đích: Làm binh vận, dụ địch, ngụy bỏ hàng ngũ, bỏ thành ra hàng và vận động địch, ngụy phản chiến nộp thành, đem vũ khí ra hàng.
Để khiến địch tâm phục, khẩu phục, Nguyễn Trãi đã đề cao tính chính nghĩa của ta, “cáo trạng” những tội ác của giặc. Trong thư trả lời tướng Minh giữ chức Đô đốc đóng ở Thanh Hóa là Phương Chính, ông viết: “Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm vốn. Nay bọn bay chỉ chuộng lừa dối, bắt giết kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương là cớ làm sao?
Làm thế thì trời đất không dung, thần người đều giận. Cho nên mới liền năm chinh phạt, nối tiếp bị thua. Thế mà không biết hướng thiện sửa lỗi…”. Trong một lá thư dụ các thành Thanh Hóa khác cũng nói rõ: “Nay giặc Minh ngông cuồng vô đạo, trái với lòng trời, độc vũ cùng binh, mưu mở rộng đất, dày xéo dân lành hơn hai mươi năm”.
Trích một số câu trong thiên cổ hùng văn "Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi. |
Song song với đó là đề cao sức mạnh, tiềm lực của quân ta. Trong thư dụ thành Bắc Giang, ông viết: “Ta nghe nói: Người còn có kẻ Bắc người Nam, nhưng đạo thì chẳng thế này thế khác. Nhân nhân quân tử, đâu mà không có. Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Lĩnh mà danh tiếng là nước thi thư.
Những bực trí mưu tài thức chẳng đời nào thiếu vắng (Bình Ngô Đại Cáo sau này cũng viết: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có – NV). Vì thế phàm những việc ta làm không bao giờ không theo lễ nghĩa, hợp với ý trời, thuận theo lòng người”.
Không chỉ vậy, ông còn phân tích, làm tiêu tan nhuệ khí chiến đấu của giặc: “…Vả lại ta xem ở nước các ngươi, hiện nay bên trong lo mối họa cung đình, bên ngoài có giặc biên giới phía Bắc, đại thần lấn ngôi, kẻ dưới chuyên quyền, hạn hán sâu trùng luôn năm tai họa, bốn phương giặc dã nổi dậy như ong. Cái cơ suy sụp há không biết trước rồi sao?
Người có trí nhận ra sự việc từ lúc còn chưa phát, sao các ngươi lại chậm thấy cơ sự mà muốn tự khổ như thế? Nếu các ngươi biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình, thì ta coi các người nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ để bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu? Nếu không thế, tùy ý các ngươi. Trong khoảng sớm tối, sẽ khắc thấy ngay. Đến lúc bấy giờ, hối cũng không kịp. Các ngươi hãy nên nghĩ đi” (Thư dụ thành Bắc Giang).
Trong thư dụ thành Tam Giang viết: “Cái điều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông biến, lượng sức xử mình. Bây giờ giá có người đem quả trứng chim chống đỡ núi Thái, lấy càng bọ ngựa ngăn cản bánh xe, mà lại tự cho mình sức có thừa, thì thật là ngu quá vậy. (…)
Các ông mà tỉnh ngộ, bỏ khí giới mở cửa thành ra cùng hội kiến với ta, thì không chỉ bảo toàn được tính mệnh vợ con các ông mà còn được ta nghĩ đến ân nghĩa cha mẹ cốt nhục, há chẳng tốt đẹp lắm sao? Còn nếu không như thế, một mai tro bay trúc chẻ, đến khi ấy các ông dẫu có hối cũng chẳng còn biết ra thế nào nữa đâu”.
Thư dụ hàng thành Bình Than: “Nay các ông với không đầy một ngàn quân cố giữ lấy một thành trơ trọi, ròng rã tháng năm chẳng thông tin tức. Ngày thành mất chẳng sớm thì chiều. Sở dĩ ta còn trì hoãn chưa vội đánh ngay là có ý muốn để bọn các ông nhận rõ sự thế, xét lẽ thịnh suy, hoặc may trời nhủ bảo trong lòng, chuyển họa thành phúc để bảo toàn được tính mệnh của cả một thành (…)
Ta sở dĩ cứ tha thiết đem việc ấy khuyên dụ các ông chẳng qua là muốn thể theo đức hiếu sinh của Tạo hóa mà giữ toàn vẹn sự sống còn của nhân dân trong thành các ông mà thôi. Bọn các ông hãy nghĩ cho kĩ, chớ để hối về sau”.
Hàng vạn tướng sĩ ra hàng
Không chỉ dụ hàng tướng địch, Nguyễn Trãi còn tích cực kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền - những người lầm đường lạc lối quay về với chính nghĩa. Đây là “mũi tiến công” quan trọng, góp phần làm suy yếu nhanh chóng chế độ đô hộ của nhà Minh. Bởi lẽ, trong 10 năm đô hộ nước ta, nhà Minh đã xây dựng được một hệ thống ngụy quân, ngụy quyền - một lực lượng đáng kể tiếp tay cho giặc đàn áp, bóc lột nhân dân ta.
Để công tác này được hiệu quả, tư tưởng chủ đạo của ông là bằng mọi cách phân hóa, thức tỉnh, thuyết phục họ trở về với chính nghĩa dân tộc, quay giáo đánh vào quân giặc.
Trong một bức thư gửi cho ngụy quân, ngụy quyền ở thành Điêu Diêu - thành tiền tiêu trong hệ thống thành trì, đồn bốt bảo vệ thành Đông Quan, Nguyễn Trãi viết: “Người xưa có nói: “Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi”. Cầm thú còn thế, huống nữa là người? Các ngươi vốn đều là người dân Nam Việt, dòng dõi áo mũ nhà quan. Vừa qua vì họ Hồ thất đức, giặc Ngô bạo tàn, khiến có người thân bị hãm trong vùng giặc, có kẻ danh bị buộc vào chức ngụy, đó là thế không thể dừng được, nào phải do ở bản tâm đâu”.
“…Bọn các ngươi nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở trong làm nội ứng, hoặc bỏ ra để đầu hàng, thì không những tẩy rửa được mối hổ nhục ngày trước, mà cũng được hưởng phúc lộc ân sủng về sau. Có trời cao chứng giám, ta đâu có nuốt lời. Nếu các ngươi lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự vương sư, thì khi hãm thành, tội các ngươi tất còn nặng hơn cả giặc Ngô đấy”.
Ngay tại Đông Quan, đại bản danh của địch, Nguyễn Trãi cũng vận động quân địch trong đó phản chiến, chống lệnh hành quân, hoặc đòi chấm dứt chiến tranh. Ông đã nói thẳng điều đó với bọn chủ tướng địch: “Người Nam trong thành nhớ mến chủ cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham, thì những người chống các ông sẽ kế nhau ra hàng, như Trương Phi Lã Bố, các ông lại bị chính thủ hạ làm hại, đó là lẽ tất nhiên.
Nay ở các thành, từ Đô ty trở xuống đều căm giận bọn các ông lừa dối, khuyên ta làm cỏ cả thành. Hoặc có kẻ trèo lũy trốn ra, cáo tố cả việc sắp đặt chiến cụ, sửa đóng xe thang. Những người bị khốn khổ sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải quân sĩ của ta nữa”.
Như vậy, với thái độ, chính sách và sự tích cực làm công tác binh vận, trong 5 năm chiến đấu sau này, trên các chiến trường đã có hàng vạn tướng sĩ binh lính địch lũ lượt ra hàng, hàng vạn tướng sĩ ngụy trở về với dân tộc.