Quên “nợ nhà”, đặt dân tộc trên hết
Đến nay, sau hơn 700 năm đại thắng Nguyên - Mông, các nhà nghiên cứu quân sự, sử gia, chính trị gia, các danh tướng mọi thời đại trong và ngoài nước vẫn không ngừng tìm hiểu và tôn vinh thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn. Cách dùng binh độc đáo, nghệ thuật quân sự kỳ tài, tấm gương đạo đức của ông mãi mãi là tài sản vô giá không riêng của dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nhắc đến một khía cạnh – một điểm đặc biệt, có thể coi là đỉnh cao trong nhân cách Trần Quốc Tuấn. Ít người chú ý rằng, ông đã từng được đào tạo, rèn giũa như “một hoàng tử” với giấc mộng “tranh quyền đoạt vị”, có trách nhiệm thực hiện di huấn giành quyền binh của người cha.
Thế nhưng, con người ấy đã “quên” tất cả, chỉ đặt lợi ích của quốc gia – xã tắc lên trên hết. Đại Việt Sử ký của Ngô Sĩ Liên chép: “Quốc Tuấn là con của Vương An Sinh. (…) Vương An Sinh lúc đầu có mối hiềm khích với đức Chiêu Lăng (Vua Thái Tôn) nên tìm nhiều kẻ sĩ tài giỏi để dạy Quốc Tuấn”. Vương An Sinh là ai? Đó chính là Khâm Minh đại vương Trần Liễu.
Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh (quận 1) hướng mặt về phía sông Sài Gòn. |
Ông vốn là con đích trưởng của Trần Thái Tổ, anh ruột của Trần Thái Tông. Thêm nữa, năm 1237, gia đình ông xảy ra biến động. Do chú ông là Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền phụ chính còn nhẫn tâm ép Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) cho Trần Thái Tông dù bà đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng, đồng thời giáng Lý hoàng hậu xuống làm công chúa.
Phẫn uất, Trần Liễu họp quân chống lại nhưng thế cô không làm gì được, phải xin đầu hàng. Vì Thái Tông cũng thương anh nên xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính đều bị giết. Lúc sắp mất, Trần Liễu còn cầm tay Trần Quốc Tuấn trăng trối: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.
Hình ảnh Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được tái hiện qua truyện tranh 3D. |
Sử chép “Trần Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải” – chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này để thấy rõ khí khái và con người của Đức Thánh Trần. Luật lệ phong kiến vốn dĩ phải truyền ngôi cho con trưởng nhưng An Sinh Vương Trần Liễu lại không được kế thừa ngôi vị - đã là một mối thù.
Vì Thái Tông không có con phải “hiến vợ” đang “bụng mang dạ chửa” lại càng làm thù hằn thêm sâu nặng. Động binh đao không thành, có thể nói, An Sinh Vương đã gửi gắm tâm nguyện của cả đời mình vào Trần Quốc Tuấn.
Ông muốn cho Hưng Đạo có một học thức đầy đủ để tranh ngôi, ông muốn Quốc Tuấn sẽ khôi phục quyền bính cho dòng đích, trở thành “thiên tử”. Lời trăng trối của cha trước lúc lâm chung, chắc hẳn Trần Quốc Tuấn phải “ghi lòng tạc dạ”.
Thế nhưng ông lại “không cho là phải”, “là đúng”. Phải chăng ông đã “quên” chữ Hiếu? Không phải, ông hiểu rằng, chữ Hiếu ấy, trước hết phải là Hiếu với quốc gia, dân tộc, với sự trường tồn của non sông gấm vóc, sau là Hiếu với vua để trọn đạo quân thần. Đó phải chăng cũng là giúp người cha làm vẹn tròn chữ Hiếu.
Xóa bỏ hận thù, củng cố gia tộc
Trong lần quân Nguyên sang xâm lược lần thứ ha, thấy rõ ngành trưởng, ngành thứ xung khắc, giữa ông và Trần Quang Khải không chung sức chung lòng thì kẻ thù có lợi chỉ có thể là quân giặc. Bởi vậy, Quốc Tuấn đã chủ động giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải, tạo nên sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hùng mạnh.
Chuyện kể rằng, một lần ở biển Đông, Quốc Tuấn mời Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải, vĩnh viễn xóa nỗi hiềm khích giữa hai người, đầu mối của hai chi họ Trần (Quốc Tuấn là con Trần Liễu, Quang Khải là con Trần Cảnh). Lần khác, Quốc Tuấn đem việc xích mích dò ý các con, Trần Quốc Tảng có ý kích ông nên cướp ngôi chi thứ.
Ông nổi giận rút gươm toan chém chết Quốc Tảng. May nhờ các con và những người tâm phúc van xin, ông bớt giận dừng gươm nhưng bảo rằng: “Từ nay cho tới khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử, phản thần này nữa.” Trong kháng chiến, ông luôn hộ giá bên vua, tay chống gậy bịt sắt. Dư luận xì xào sợ ông giết vua. Ông liền bỏ luôn phần bịt sắt, chỉ chống gậy để tránh hiềm nghi, làm yên lòng quân dân.
Ba lần chống giặc, các vua Trần đều giao cho ông quyền Tiết chế (Tổng tư lệnh quân đội) vì ông biết dùng người tài, thương yêu binh lính, do vậy tướng sĩ hết lòng tin yêu ông. Đạo quân cha con ấy trở thành đội quân bách chiến bách thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Trần Quốc Tuấn quả là một vị tướng mưu lược, là con người của những quyết định lớn trong những thời cơ lớn. Nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại phong kiến.
Người đề ra và vận dụng thiên tài chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân đó không ai khác là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (...). Ông (Trần Quốc Tuấn) xem, việc đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thắng lợi, ông (Trần Quốc Tuấn) xác định: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức" là nhân tố đã làm cho "quân địch phải chịu bị bắt" (bỉ tựu tự cầm).
Ông rất coi trọng đoàn kết quân và dân, đoàn kết trong quân đội "như cha con một nhà”. Chính nhờ nguồn sức mạnh đó mà dân tộc Việt Nam đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng khốc liệt do đế quốc Mông - Nguyên gây ra.
“Vương An Sinh muốn cho Hưng Đạo có một học thức đầy đủ để tranh ngôi với dòng Trần Cảnh, hầu trở nên một vị Thiên Tử mai sau. Nói cách khác, Vương Hưng Đạo phải có học thức đặc biệt của một vị vua, tức là đế - học. Bởi thế đầu muốn dầu không, Vương đã trở nên một nhà bác học thuộc làu sử kinh, hiểu rành mưu lược, thông thạo thiên văn, địa lý, nhân sự, giỏi nghề toán số (giáp, ất, nhâm, cầm…) nhờ đó, Vương mới đủ sức để soạn thảo bộ âm dương binh pháp tức là bộ Vạn Kiếp tông bí truyền”. Về tài học của Vương, Đại Việt Sử ký chép:…
Khi lớn, Quốc Tuấn trở nên đẹp đẽ khôi ngô, thông minh xuất chung, học tập nhiều sách, tài kiêm văn võ. Cung lục Hiển thánh Đại vương Hành trạng có nhắc như sau: “Tứ thất uẩn hung trung/ Bát bát thâm dịch tượng/ Lục hoa bố trận đồ/ Sát Thát cầm Nguyên tướng” (tạm dich: Hai tám sao trời thông/ Sáu tư quẻ dịch ròng/ Lục Hoa bắt trận lạ/ Sát Thát tướng Nguyên cùm”.
(Đón đọc: Hào sảng lời hịch Sát Thát)