Nghi án chủ cơ sở bánh tráng ngược đãi công nhân

(PLO) -Nam công nhân trình bày, dù bị ép làm việc nặng nhưng anh và các công nhân khác chỉ được ông chủ cho ăn cơm một ngày hai bữa vào lúc 9h và 14h. Thức ăn và cơm đều rất ít nên nhiều người luôn trong tình trạng đói. Cũng vì vậy mà năng suất làm việc dần giảm sút. Rất bất bình, song không một ai dám lên tiếng.
Cơ sở bánh tráng bị tố vẫn đang hoạt động.

Công an xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận tố giác của anh Nguyễn Vũ Phương (SN 1996, quê ở Kiên Giang) về việc bị chủ cơ sở bánh tráng ở ấp Gót Chàng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) ngược đãi. Thanh niên này bày tỏ mong muốn qua tố giác sẽ “giải cứu” cho những người khác đang làm thuê tại cơ sở này.

Công nhân tố bị chủ bỏ đói, bắt làm việc nặng

Theo trình bày của anh Phương, sáng 28/7/2016, anh được một người chạy xe ôm ở bến xe Miền Tây giới thiệu rồi chở xuống cơ sở bánh tráng của ông Nguyễn Văn Tốt ở ấp Gót Chàng xin việc. Sau đó, Phương được con trai chủ cơ sở nhận vào làm. Theo thỏa thuận, mức lương của Phương là 3,5 triệu/tháng, bao ăn ở. 

“Lúc mới vào làm, không hiểu sao tôi và mọi người đều bị tịch thu điện thoại, giấy tờ tùy thân, không cho liên lạc với những người bên ngoài. Vì mới vào làm, lại thấy những người khác cũng đều như vậy nên tôi không có ý kiến gì”, Phương trình bày.

Theo lời kể của người tố cáo, ngày đầu tiên, anh bị đánh thức dậy từ lúc 4h30 sáng để làm việc. Công việc chủ yếu là xếp bánh tráng, trừ thời gian ăn cơm thì làm liên tục đến hơn 21h mới được nghỉ. Ngày tiếp theo, tần suất cao hơn, Phương phải đội cả chồng bánh đi phơi. Thời gian và cường độ làm việc quá căng, không được nghỉ ngơi, thanh niên này kiệt sức, phải xin nghỉ sớm. 

Theo lời tố, những ngày sau đó, anh tiếp tục phải làm việc từ sáng đến tối, không có thời gian để ngơi tay. Những lúc mệt quá, tốc độ làm việc có chậm hơn. Nhưng theo lời Phương, những lúc như thế, anh và những công nhân khác bị một người làm ở đây lâu năm đánh đập, yêu cầu phải làm việc nhanh hơn. 

Phương trình bày, dù bị ép làm việc nặng nhưng anh và các công nhân khác chỉ được ông chủ cho ăn cơm một ngày hai bữa vào lúc 9h và 14h. Thức ăn và cơm đều rất ít nên nhiều người luôn trong tình trạng đói. Cũng vì vậy mà năng suất làm việc dần giảm sút. Rất bất bình, song không một ai dám lên tiếng vì sợ bị “hỏi tội”.

Không chịu được khi phải làm việc trong môi trường như thế, ngày 2/8/2016, lợi dụng lúc con ông Tốt gọi ra để hàn dây thép tường rào, Phương đã tìm cách bỏ trốn vào rừng cao su, một mạch chạy đến Công an xã An Nhơn Tây trình báo, tố cáo hành vi ngược đãi của chủ cơ sở bánh tráng, với mục đích “giải cứu” cho những người làm công khác.

Người bị tố phản bác

Khi phóng viên tìm đến cơ sở bánh tráng bị tố cáo để tìm hiểu sự việc, một phụ nữ trung niên tự xưng là con gái ông Tốt cho biết, ông hiện không có nhà, không thể tiếp chuyện phóng viên.

Theo lời người phụ nữ này, cơ sở bánh tráng hoạt động đã hơn 10 năm nay. Nguồn nhân lực của cơ sở chủ yếu được tuyển từ các công ty giới thiệu việc làm ở miền Tây. 

Người phụ nữ trên cho biết, hiện tại, cơ sở có khoảng 4 nhân công làm việc. Hỏi về công nhân tên Phương, chị này cho biết Phương mới đến làm việc được hai ngày và hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân. “Khi chúng tôi hỏi, Phương nói vì không có tiền nên đã mang đi cầm.

Sau đó, Phương nói làm khoảng một tuần có tiền sẽ đi chuộc về. Vì vậy, chúng tôi không giữ bất kì giấy tờ gì của Phương”, người phụ nữ trên cho biết.

Về những lời tố cáo của Phương cho rằng cơ sở ngược đãi nhân công, người phụ nữ phản bác, cho rằng đó là lời bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cơ sở.

Nhưng khi phóng viên hỏi về thời gian làm việc cụ thể của công nhân, người phụ nữ không trả lời cụ thể và bỏ đi nơi khác. Thấy phía bên trong cơ sở có hai nhân công đang làm việc, chúng tôi tiến đến định hỏi chuyện, bị chị này chặn lại. 

Trái ngược với những phản bác của người phụ nữ trên, một số người dân ở gần cơ sở bánh tráng cho hay, trước đây có rất nhiều nhân công tìm đến cơ sở này làm việc. Tuy nhiên, không hiểu sao chỉ làm được một thời gian, một số người lại tìm cách chạy trốn. Nguyên nhân chính được cho là bị đánh đập, ép làm việc nặng, lại không được ăn uống và ngủ nghỉ đầy đủ. 

Cũng theo người dân, vì những nhân công bỏ trốn đều là người nơi khác đến, không hiểu rõ đường đi trong xã nên không thể trốn đi đâu xa. Một số người sau khi bỏ trốn đã bị bắt về làm lại. Những người khác may mắn được người dân thương tình chỉ đường đã thoát được. 

Theo quan sát của phóng viên, cơ sở bánh tráng trên vẫn đang hoạt động tại ấp Gót Chàng. Ở vùng này, nhà cửa của người dân khá thưa thớt, chủ yếu là những rừng cao su bạt ngàn. Diện tích của cơ sở bánh tráng khá rộng, cổng luôn đóng kín, xung quanh giăng hàng rào thép gai. Bên ngoài cây cối um tùm.

Về phía chính quyền địa phương, Phó chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây cho biết, ngay sau khi nhận được tố cáo của anh Phương, ngày 5/8/2016, Trưởng công an xã An Nhơn Tây phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở bánh tráng trên. 

Kết quả cho thấy, dù cơ sở hoạt động hợp pháp, có giấy phép hoạt động kinh doanh nhưng chủ cơ sở chưa ký kết hợp đồng lao động hoàn chỉnh với nhân công theo đúng quy định. Đồng thời, cơ sở này cũng chưa có nội quy quy định thời gian làm việc của công nhân rõ ràng. 

Còn trước cáo buộc ngược đãi người lao động của anh Phương, chủ cơ sở hoàn toàn phủ nhận. 

Về những sai phạm đã được ghi nhận của cơ sở bánh tráng trên, đại diện UBND xã cho biết, việc giải quyết và xử lý như thế nào còn phải chờ sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây. 

Vị này cũng cho biết thêm, cách đây hơn một năm, cơ sở bánh tráng trên cũng đã có một sai phạm nhỏ trong quá trình lao động, đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý bằng hình thức nhắc nhở. 

Đọc thêm