Nghị định số 116/2017/NĐ-CP phép thử cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

(PLO) - Người nước ngoài thường dùng chữ “litmus test” (thử bằng giấy quỳ) để nói về phép thử cho ra kết quả rõ ràng vì hỗn hợp có tính axít sẽ làm giấy quỳ (litmus) chuyển sang màu đỏ, và sẽ là màu xanh nếu hỗn hợp có tính bazơ.
Ảnh minh họa

Với nghĩa đó, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô các loại vừa được Chính phủ ban hành có thể được xem là “litmus test” cho công nghiệp ô tô Việt Nam vì có thể cho biết doanh nghiệp nào thật sự tâm huyết với sự phát triển của ngành, với chiến lược phát triển ô tô của Chính phủ. 

Nhận định chung của nhiều người là nghị định mới hướng tới việc bảo vệ người sử dụng ô tô nhiều hơn và có khả năng làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng tích cực hơn. 

Quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động sản xuất lắp ráp ôtô

Xác định ô tô là sản phẩm đặc biệt, nên nghị định cũng xiết mạnh các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Theo Điều 7 của Nghị định, doanh nghiệp nào muốn sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải đạt những điều kiện nhất định thì mới được tham gia. Cụ thể là muốn sản xuất lắp ráp ô tô, thì doanh nghiệp phải đạt hàng loạt điều kiện về cơ sở vật chất như nhà xưởng, các dây chuyền sản xuất, các cơ sở bảo hành, an toàn cháy nổ, an toàn về môi trường… Đặc biệt về nhân sự, thì cán bộ kỹ thuật phụ trách các dây chuyền phải có trình độ đại học trở lên và phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp tối thiểu 5 năm thì mới được chấp nhận. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, thì quy định này cũng làm cho người tiêu dùng hưởng lợi nhiều hơn và hạn chế bớt doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường này.

Tuy nhiên, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), đã liên tục gửi kiến nghị khẩn thiết, phản đối một số quy định trong Nghị định. Điều đáng nói là trước đây trong quá trình soạn thảo nghị định, VAMA đã ủng hộ. 

Vì sao trước ủng hộ giờ lại phản đối? Phải chăng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong VAMA không muốn đầu tư sản xuất lắp ráp mà chỉ muốn nhập xe nguyên chiếc về bán trong bối cảnh thuế suất cho xe nhập từ ASEAN sẽ là 0% kể từ ngày 01/01/018?

Có nhận định cho rằng các doanh nghiệp FDI ấy đến Việt Nam với mục đích là đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Khi mục tiêu này bị ảnh hưởng bởi chính sách thì họ sẽ phản đối. Còn những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp của Việt Nam cũng phải tìm kiếm lợi nhuận nhưng phải đầu tư lớn, bài bản để cạnh tranh trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm phát triển công nghiệp ô tô nước nhà.

Việc siết chặt các điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô trong Nghị định 116 không những bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà còn giúp cho chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam có những bước đi căn cơ hơn, làm nâng cao vị thế của ngành ô tô trong nước. Khi doanh nghiệp tự điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện của nghị định, thì cũng có nghĩa là họ tự nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất, lắp ráp nước ngoài. Và những doanh nghiệp yếu kém cũng không còn đất sống, khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ngày càng vươn lên.     

Ông Bùi Kim Kha, phó chủ tịch VAMA, Phó tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch của công ty ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết ông không đồng thuận với kiến nghị của chủ tịch VAMA vì ông Kha cho rằng những nội dung trong Nghị định là hợp lý. 

Nêu quan điểm ngược với kiến nghị, ông Kha phân tích: tất cả các xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam, do đó doanh nghiệp nhập khẩu trước khi thực hiện nhập khẩu một kiểu loại ô tô phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành. Vì vậy, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.

Thu hồi ôtô thải bỏ - quy định vì môi trường

Đây cũng là điểm mới của nghị định, được quy định trong Điều 5 của nghị định. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô phải có trách nhiệm thu hồi tất cả những ô tô thải bỏ (có thể hiểu là ô tô còn hạn sử dụng nhưng hư hỏng quá nặng hoặc ô tô đã hết hạn sử dụng). Quy định này làm tăng trách nhiệm đối với môi trường của các doanh nghiệp trong ngành ô tô đồng thời làm lợi cho môi trường sống của chúng ta. 

Luật gia Trần Đình Thu

Ngoài ra đối với yêu cầu cung cấp “Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài”, doanh nghiệp cần cung cấp giấy tờ này khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô chưa qua sử dụng để đảm bảo chất lượng của xe nhập khẩu, hạn chế ô tô kém chất lượng từ nước ngoài. Điều này nhằm mục đích  bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời cũng tạo sự bình đẳng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Được hỏi quan điểm về Nghị định 116, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, cho hay tiêu chí đầu tiên của Nghị định là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo sự công bằng giữa sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu. “Cái này là quan trọng nhất. Và thứ hai là theo chiến lược của Chính phủ về phải phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025. Ngành ô tô là ngành mà Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực cũng như hỗ trợ để phát triển. Với một nước như chúng ta, nếu không có ngành công nghiệp ô tô trong nước, thì hậu quả là sẽ là bị phụ thuộc, kéo theo các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác”. 

Ông Đức nhận định thêm: “Ở góc độ doanh nghiệp, tôi thấy Nghị định đã thỏa mãn được phần nào những cân đối, mong muốn, lợi ích của Nhà nước, của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng Nghị định này gây khó khăn cho họ vì quy định về chứng minh chủng loại xe nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xưởng. Tôi nghĩ cái này không có gì khắt khe cả”.  

Đọc Nghị định sẽ thấy điều 15 là nhằm bảo vệ người tiêu dùng khi quy định doanh ngiệp nhập khẩu phải đáp ứng 2 điều kiện mới như sau được phép nhập khẩu: 

-Doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp. 

-Doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. 

Hai điều kiện trên đây trên thực tế có thể làm giảm bớt số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu ô tô, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì việc giảm đó lại làm tăng lợi ích cho người tiêu dùng, vì đó sẽ là những doanh nghiệp có tiềm lực yếu, có ít kinh nghiệm nhập khẩu hoặc có thể chưa bao giờ tham gia thị trường nhập khẩu ô tô. 

Đồng thời hai điều kiện nói trên khiến những doanh nghiệp đã và đang có kinh nghiệm cũng như tiềm lực mạnh cũng phải tìm kiếm các nhà sản xuất uy tín ở nước ngoài để làm đối tác, không chọn những nhà sản xuất hay thương hiệu ô tô ít có tiếng tăm ở nước ngoài để nhập khẩu. 

Nói một cách tổng quát, không phải cứ có tiền là nhập khẩu ô tô về để bán tràn lan một cách vô tội vạ, sau đó người tiêu dùng gánh chịu hậu quả, mà phải có sự sàng lọc đầu vào, và chịu trách nhiệm trong toàn bộ đời sống sản phẩm nhập khẩu, nên chỉ có doanh nghiệp mạnh, làm ăn uy tín mới đủ điều kiện nhập khẩu ô tô.

Đọc thêm