Học kinh doanh theo tư duy kiểu Tây
Với ý tưởng kinh doanh nền khá tốt nên Lê Văn Quang được bạn bè ủng hộ, chàng sinh viên Đại học Phương Đông khá táo bạo khi mở tiệm bánh mỳ từ hơn hai tháng nay. Quang và hai anh bạn cùng lớp (Nguễn Thị Ninh, Lê Văn Kim) quyết tâm mở tiệm bánh mỳ mang thương hiệu quê hương Hưng Yên để bán tại các cổng trường đại học trong khu vực nội thành.
Để hiện thực hóa kế hoạch, mỗi thành viên trong nhóm cần chuẩn bị khoảng bảy triệu đồng, trong đó, tiền để mua mỗi chiếc xe đẩy bán hàng di động chiếm khoảng 3 triệu đồng. “Vướng mắc lớn nhất của nhóm trong quá trình biến ý tưởng thành hành động là vấn đề tài chính. Ngoài thiếu tiền để mua xe đẩy bán hàng di động ở ba địa điểm cổng trường khác nhau thì nhóm cần có tài chính để đặt trước lượng lớn bánh mỳ, rau, thịt, gia vị mỗi ngày” – Quang nói.
Sau nhiều lần đắn đo, ba “CEO” trẻ đã quyết tâm rút tiền tiết kiệm và đi vay thêm một số nơi để dốc toàn lực thực hiện chiến lược kinh doanh của mình. Quang và các bạn quyết định đặt một tiệm hàng bánh mỳ di động trước cổng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, một người bán tại cổng Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Hung và người còn lại bán gần trường Đại học Du lịch Hà Nội.
Để tạo nên sự khác biệt, thu hút người mua, những chủ quán trẻ đã tích cực mua nguyên liệu như thịt, rau gia vị về tự làm và quảng bá thương hiệu bánh mỳ Hưng Yên thơm ngon: “sạch từ thịt, ngọt từ bánh”. Bánh được tự tay ba thành viên chế biến từ A – Z.
“Ban đầu cả nhóm cứ nghĩ tiệm bánh mỳ thương hiệu Hưng Yên chỉ được các bạn đồng hương ủng hộ nhưng không ngờ ngay sau tuần đầu tiên, nhóm đã thu hút được không ít khách từ nhiều tỉnh khác nhau” – Ninh, nói.
Chia sẻ về ý tưởng, Quang cho biết, ban đầu lên mạng đọc thấy giới trẻ bàn nhiều về mô hình kinh doanh ở các nước phương Tây “sát sườn” với mô hình kinh doanh nhỏ ở Việt Nam nên nảy sinh ý tưởng này. Hiện tại, mỗi ngày, xe bánh mỳ của Quang bán được 50 – 100 chiếc bánh.
Tuy số tiền lời kiếm được không quá nhiều nhưng đó cũng là một thành công ban đầu của mỗi bạn trẻ trong nhóm. Công việc bán bánh chủ yếu vào buổi sáng, trưa và chiều. Ban ngày, bánh được bán chủ yếu cho sinh viên đi thi còn buổi tối chủ yếu bán cho học viên học tại chức.
Đua nhau làm ông chủ, bà chủ
Cùng với việc thử mình ở các danh mục quán ăn thực phẩm, không ít sinh viên đã lập nên những mô hình kinh doanh đồ uống ngay cạnh các cổng trường đại học. Là một trong số sinh viên thành công trong việc phát triển mô hình kinh doanh trà đá vỉa hè tại cổng trường đại học, Lê Bá Kiền cho biết: “Do thời gian rãnh rỗi lại hay lêu lổng ở các quán trà đá cổng trường nên đã nảy sinh ý tưởng trên."
|
Mỗi tháng Kiền thu lời vài triệu từ kinh doanh trà đá theo nhóm |
Công việc buôn bán của anh càng trở nên thuận lợi hơn sau khi tiếp nhận, áp dụng những chia sẻ từ nhóm bạn đã có thâm niên kinh doanh hơn ba năm trong lĩnh vực đồ uống. Kiền kêu gọi bạn bè cùng góp vốn kinh doanh để đầu tư thêm ghế ngồi, xây dựng mô hình kinh doanh theo nhóm để hỗ trợ nhau về mọi mặt.
Thời gian đầu do chưa mở rộng địa bàn, lượng khách chưa nhiều nên mỗi ngày cũng chỉ bán được 300.000 đồng – 500.000 đồng tiền trà đá, (chưa kể tiền thuốc, hướng dương, trà chanh, nước mía). Sau khi mua thêm ghế phục vụ việc mở rộng quán, số lượng khách ghé quán uống nước cũng đông hơn trước nhiều.
“Phần lớn khách là sinh viên, chủ yếu biết nhau thì đến. Mở quán nước như thế này cần có mối quan hệ rộng mới mong bán được hàng. Bên cạnh đó, việc cung cấp cho người dùng cốc trà ngon và sạch cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định khách có quay lại với quán lần hai hay một đi không trở lại” – Kiền chia sẻ.