Anh Nguyễn Xuân Thủy với đôi chân đầy nghị lực bên gia đình nhỏ của mình |
Tuổi thơ bất hạnh và lòng hiếu học hiếm có
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Châu Hạnh (huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An), anh Nguyễn Đình Thủy (SN 1985, trú tại bản Hạnh Tiến), thuở bé cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
Bất ngờ khi tròn 18 tháng, trận sốt co giật đã khiến Thủy phải nằm một chỗ không thể cử động được. Gia đình nghèo nhưng bố mẹ cũng cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình không thuyên giảm. Hết Tây y rồi lại chữa bằng thuốc Đông y, thuốc Nam… cả thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn không chuyển biến gì hơn.
Trở về nhà, Thủy thành người bất động, nằm một chỗ, đến giờ ăn thì có người đút cơm, tắm rửa phải có người phụ giúp… mọi sinh hoạt cá nhân không thể tự chủ được. Riêng cái đầu thì vẫn tỉnh táo và rất hoạt bát, Thủy vẫn rất muốn được đến trường đi học cùng chúng bạn. Sau nhiều lần năn nỉ bố mẹ cho đến trường đi học, vì thấy con thiệt thòi so với chúng bạn nên bố mẹ cũng đến trường xin cho Thủy học.
Vậy là ngày ngày, người anh trai chở Thủy trên chiếc xe đạp cà tàng vượt chặng đường dân sinh đầy ổ trâu, ổ voi đi học chữ. Ai cũng nghĩ, học hành vất vả chắc vài hôm chán rồi bỏ học. Lạ thay, càng học Thủy càng say sưa với bài giảng và tiết học, những ngày anh trai không đi học thì Thủy được bạn bè đến chở đi, nhất quyết không chịu nghỉ buổi học nào. Hôm nào không có ai thì Thủy lại bắt bố mẹ chở đi học chứ nhất định không chịu ở nhà.
Sau hai năm lớp 1 và lớp 2, Thủy biết mình không thể phụ thuộc người khác mãi được, phải tự mình đứng lên bằng đôi chân của mình. “Hồi đó chuẩn bị vào lớp 3, mình không chịu để mọi người chăm sóc mình mãi nên tự cố gắng đứng dậy, tập đi. Những lúc tập đi, ngã dập ngã dụi, xây xẩm mặt mày nhưng nghĩ mình không thể để bạn bè nhìn với ánh mắt người “dị tật” càng không thể để bố mẹ phải lo cho mình mãi được nên lại đứng dậy tập đi.
Cha mẹ nhìn thấy mình khi đó vết thương do tập đi mà bị ngã nên thương xót, khuyên mình không nên tự đi nữa, nhất định cha mẹ, anh em không để con phải khổ sở. Nhưng mình vẫn quyết tâm phải tự đứng bằng đôi chân của mình. Những bước đi khó khăn nhất cũng đã thành công, nhờ vậy mình tự đứng dậy đi lại được như bây giờ...”, Thủy nhớ lại.
Một ngày đẹp trời, Thủy đến lớp mà không phải cõng như trước, ngồi lên xe anh trai đến cổng trường, tự mình đi bộ vào lớp khiến các bạn và thầy cô trố mắt vì bất ngờ và khâm phục. Quãng đường gần 3km đến trường nhưng không hôm nào Thủy nghỉ học, mà thành tích của Thủy trong lớp cũng không thua kém bạn bè là mấy.
Nghị lực phi thường và một tình yêu cổ tích
Học xong phổ thông, Thủy theo anh trai vào miền Nam, vì nghĩ em bị tật đi lại khó khăn nên cho em theo học sửa chữa điện thoại di động sau này ngồi sửa điện thoại cũng tự kiếm sống được. Sau một năm học thấy không phù hợp với tính cách của mình, Thủy bỏ giữa chừng rồi đi học sửa chữa xe máy. Những người sửa xe máy rất e ngại trước thân hình què quặt lại không mấy khỏe mạnh nên cũng có người từ chối khéo. Rồi cũng có người nhận Thủy vào học, với nỗ lực và lòng ham học hỏi của mình Thủy đã nhanh chóng nắm vững được việc “bắt bệnh” và sửa chữa xe máy.
Vừa học vừa làm, thấy Thủy có nhiều tiến bộ nên được chủ cửa hàng hỗ trợ tiền lương mỗi tháng để chi phí cho ăn ở. Sau hơn 1 năm học tập, Thủy được giữ lại làm việc và kiếm tiền tự nuôi sống mình. Năm 2011, Thủy quyết định về quê, xin vào làm việc tại một ki ốt sửa xe máy tại địa phương kiếm thu nhập.
Cũng trong thời gian này, cô gái Trương Thị Ngọc (SN 1993, trú cùng xã) đã phải lòng chàng trai tật nguyền nhưng đầy nghị lực. “Cũng rất tình cờ, mình học cùng khóa và chơi thân với anh trai của Ngọc (vợ Thủy bây giờ) nên mấy lần mình đến nhà chơi. Hai anh em quý nhau, hỏi thăm nhau mỗi ngày rồi mình siêng đến nhà Thủy chơi hơn. Chả biết tự lúc nào mình và Ngọc yêu nhau nữa…”, Thủy cười nhớ lại.
Ngọc là một cô gái đẹp người đẹp nết nên không ít người lui tới ngỏ lời. Ban đầu Thủy cũng mặc cảm, tự ti lắm, định tính đường tháo lui. Nhưng rồi chính anh được Ngọc “bật đèn xanh” bằng tình cảm nể phục chân thành khiến anh tự tin và quyết tâm chinh phục người đẹp.
Tuy nhiên, khi hai người chính thức công khai tình yêu của mình thì bị gia đình nhà gái phản đối vì e ngại chàng trai với đôi chân tật nguyền không đem lại hạnh phúc cho con gái mình. Bằng tình cảm chân thành, nghị lực sống và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thủy đã thuyết phục gia đình nhà vợ tương lai bằng việc nói về dự định của mình sẽ mở một cửa hàng sửa chữa xe máy kiếm tiền, làm trang trại để củng cố kinh tế gia đình.
Rốt cục, chàng trai vượt lên số phận bằng sự thông minh, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã được gia đình người yêu ủng hộ. Đám cưới diễn ra sau gần 1 năm yêu nhau, anh chị về sống với nhau, Ngọc đi chợ bán hàng kiếm tiền, Thủy vay vốn mở tiệm sửa chữa xe máy. Ban đầu, những khách hàng đều lo ngại trước người thợ sửa xe máy ốm yếu như Thủy, nhưng bằng sự nhiệt tình của mình, bằng sự tận tụy và cẩn thận trong công việc, ki ốt sửa xe máy ngày một đông thêm.
Mấy năm trở lại đây, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng cải tạo 3000m2 ao cá, trồng 3 hécta rừng keo tràm, chăn nuôi khoảng 30 con lợn thịt và lợn đẻ… “Tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng là hai đứa con gái, đứa đầu Nguyễn Bảo Trâm đã đi học mẫu giáo nhỡ, con gái thứ hai Nguyễn Thu Hiền hơn một tuổi. Giờ chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục lao động, nuôi con cái ăn học đàng hoàng, sau này đỡ vất vả như bố mẹ…”, Nguyễn Đình Thủy chia sẻ.
Từ một nghị lực phi thường, anh đã biến cái không thể thành có thể, từ một người tàn tật anh đã biến mình thành một người năng động với một tình yêu như cổ tích.