Nghị lực phi thường của cậu bé khuyết tay vẽ cuộc đời bằng đôi chân kỳ diệu

(PLVN) - Dù bẩm sinh đã thiếu đi đôi tay, nhưng với nghị lực phi thường, cậu bé Tiến Anh vẫn có thể làm tất cả mọi việc bằng đôi chân; thậm chí, đôi chân của cậu còn vẽ được những bức tranh sống động.
Tiến Anh dùng đôi chân lấy cốc nước và đưa lên miệng uống.
Tiến Anh dùng đôi chân lấy cốc nước và đưa lên miệng uống.

 Học làm tất cả bằng đôi chân

“Lỡ một lần đò”, chị Nguyễn Thị Tuyên ở làng Muối (xã Lan Mẫu, Lục Nam, Bắc Giang) quay về nhà bố mẹ đẻ, trở thành mẹ đơn thân của hai cậu con trai song sinh là Tiến Anh và Tuấn Anh. Nhà có hai anh em, Tiến Anh là em, còn Tuấn Anh là anh.

Hai đứa trẻ năm nay đã 10 tuổi, khỏe mạnh, tuy nhiên, cậu bé Tiến Anh không được may mắn khi bị khuyết đôi tay từ lúc lọt lòng.Dẫu vậy, mặc dù còn ít tuổi, nhưng cả hai rất ý thức được về tình anh em, ruột thịt. Hai anh em vẫn luôn thương yêu, gắn kết nhau, giúp đỡ nhau. 

Nhớ lại quá trình mang thai Tiến Anh, chị Tuyên kể, khi đi siêu âm thai kỳ, nghe bác sĩ bảo con bị khuyết tật thì chị như chết lặng, nghĩ đến hoàn cảnh của mình mà chị chua xót, nước mắt ngắn dài. “Lúc sinh cháu ra, bác sĩ còn gọi người nhà vào làm công tác tâm lý trước rồi mới cho tôi gặp cháu. Lúc nhìn thấy con không có đôi tay, lòng tôi thắt lại, nhưng lại thương con, ôm cháu vào lòng. Vừa cảm giác đau khổ vì cuộc đời trêu ngươi hết lần này lượt khác, nhưng cũng hạnh phúc khi thấy hai đứa con đỏ hỏn khóc đòi ăn, thời gian trôi qua rồi các cháu cũng khôn lớn”, chị Tuyên tâm sự.

Bức bích họa do Tiến Anh vẽ bằng chân.
Bức bích họa do Tiến Anh vẽ bằng chân.  

Không có nghề nghiệp gì, ở vùng thôn quê, lại vướng bận hai con nhỏ, chị Tuyên chẳng thể đi làm ăn xa, chị đành chịu khó nhọc thuê thêm ruộng về làm. Với những gia đình nông dân khác đủ vợ đủ chồng làm một mẫu ruộng đã nhiều, thế nhưng dù chỉ một mình mà chị ôm đến mẫu rưỡi, còn nhận chăm sóc ruộng cho nhà khác để lấy tiền trang trải.

Không chỉ làm ruộng, chị còn xin vào nấu ăn cho một trường mầm non tư thục, vừa có đồng lương đều, khi con còn nhỏ thì chị có thể đưa con đến chỗ làm để tiện chăm sóc. Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, trong lòng chị Tuyên không mong gì nhiều, chỉ cầu hai con mạnh khỏe, ngoan ngoãn để chị có thể đi làm đều mà lấy tiền lo lắng.

Sau nhiều lần nghịch cảnh, ông trời cũng một lần mỉm cười với chị Tuyên khi Tiến Anh càng lớn càng tỏ ra là một đứa trẻ nghị lực, em cố gắng học làm tất cả những gì có thể bằng đôi chân của mình.Đến nay, Tiến Anh đã có thể tự làm tất cả mọi việc từ ăn uống, tắm giặt, mặc quần áo mà không cần ai giúp đỡ.

“Chỉ có đôi chân, việc trở mình đã khó, thế nhưng khi thấy anh tập bò thì Tiến Anh cũng lăn người bò theo, một đứa bò, một đứa lăn nô đùa khắp góc nhà. Rồi khi thấy anh chập chững tập đi, Tiến Anh cũng không chịu kém cạnh, nó men theo tường nhà rướn người đứng dậy, ngã không biết bao nhiêu lần nhưng không từ bỏ. Nhìn thấy con như vậy, tôi vừa thương, vừa hạnh phúc. Rồi một hôm tôi đi làm đồng về, thấy cả hai anh em ra chờ mẹ trước cổng, không kìm được xúc động, tôi buông đồ đạc ôm con vào lòng khóc nức nở”, chị Tuyên kể.

Với nghị lực của mình, Nghị lực của Tiến Anh không chỉ giúp cậu bé vượt qua nghịch cảnh mà còn tiếp thêm động lực khổng lồ để chị Tuyên cố gắng làm lụng, kiếm tiền lo lắng cho gia đình. Những ngày mùa đi làm đồng về, chỉ cần thấy con là chị Tuyên lại vui, mọi mệt nhọc như tan biến.

Ước mơ trở thành họa sĩ

Thời gian trôi qua, hai anh em Tiến Anh cũng đến tuổi vào lớp một, đến lúc này đôi chân cậu bé phải làm việc khó khăn chưa từng làm đó là cầm bút. Đến lúc này cậu vẫn là cậu bé ngây ngô, chưa biết được sự khiếm khuyết, thiệt thòi của bản thân.

“Hôm đầu tiên, hai đứa đi học về, bỗng Tiến Anh nó hỏi rằng bao giờ thì tay con mọc ra như các bạn hả mẹ, câu hỏi làm tôi đau nhói. Thương con tôi lại khóc, giải thích cho con rằng, đôi tay sẽ không mọc ra được, con vẫn ngây ngô không hiểu, lòng tôi lại càng đau. Nghe Tiến Anh nói rằng chân không cầm được bút chì, tôi bảo với con rằng con chỉ cần tập đọc là được, trong lòng tôi cũng chỉ mong như thế, không dám mong con có thể viết được”, chị Tuyên nhớ lại.

Thế nhưng tối đó, thấy Tuấn Anh tập viết, Tiến Anh cũng tập viết theo. Ban đầu việc cầm bút bằng chân là vô cùng khó khăn, vừa không có điểm tựa, vừa khó điều khiển, vừa quá xa mắt để có thể nhìn thấy nét bút vừa viết. Bút liên tục gãy, vở cũng nhàu và chân thì đau, phồng rộp lên vì tì đè nhiều nhưng Tiến Anh không nản chí. Bên cạnh Tiến Anh luôn có người bạn song hành là Tuấn Anh. Tuấn Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ em trong mọi việc, tuy vậy thì Tiến Anh lại thích cố gắng tự lập mọi thứ.

Tiến Anh (trái) đang dùng chân cầm bú viết.
Tiến Anh (trái) đang dùng chân cầm bú viết.  

Một lần nữa, nghị lực lại giúp cậu chiến thắng. Sau hai tháng khó nhọc, cậu đã có thể viết được những nét bút đầu tiên. Giờ đây, khi đã cuối cấp tiểu học, những trang vở của Tiến Anh sau khi viết vẫn sẽ trắng phau, phẳng lỳ, những nét chữ đều, đẹp, thẳng hàng không thua gì bạn bè trong lớp. Tiến Anh luôn được đánh giá là cậu học sinh sáng dạ, năm nào cũng nhận được giấy khen và phần thưởng, cậu được mọi người trong vùng đặt cho biệt danh trìu mến là Nguyễn Ngọc Ký.

Không chỉ học tập kiến thức, cậu bé chim cánh cụt Tiến Anh cũng không bỏ sót những buổi đá bóng cùng đám trẻ trong làng. Không phải là tham gia cho đủ đội hình mà cậu còn dành được một chân tiền đạo, có thể qua người và ghi bàn điêu luyện trong các trận đấu.

Dù không có đôi tay, nhưng kể từ khi có thể cầm bút bằng chân, Tiến Anh nhận ra mình có đam mê hội họa. Một người không có đôi tay nhưng ước mơ trở thành họa sĩ, mới nghe qua thì có lẽ nhiều người nghi ngờ, nhưng khi nhìn Tiến Anh vẽ thì ai cũng phải tin đôi chân có thể làm được nhiều điều kỳ diệu.

Cậu bắt đầu tập vẽ những đồ vật trong nhà, những bông hoa trong vườn. Rồi cậu vẽ cả những hình ảnh mới chỉ có trong những ước mơ của cậu. Những bức tranh chưa đẹp như cậu mong muốn, nhưng luôn là những gam màu tươi sáng.

Có lẽ bây giờ điều đặc biệt nhất trong những bức tranh cậu vẽ chỉ là do được vẽ bằng đôi chân, thế nhưng, khi nhìn vào đó, người xem không chỉ nhìn thấy những mảng màu, những nét tỳ mà còn thấy được nghị lực, ước mơ và thấy được động lực từ một ví dụ vượt qua nghịch cảnh.

Năm 2018, Tiến Anh đã tham gia cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em”, tác phẩm của cậu bé đã vinh dự vượt qua nhiều tác phẩm khác để nhận được giải khuyến khích. Giải thưởng dù không lớn nhưng đó là một động lực rất lớn đối với cậu bé, lần đầu tiên cậu không còn nghi ngờ đối với những lời khen của những người xung quanh, nhưng cũng không vì thế mà cậu ngừng cố gắng để bức tranh cuộc đời ngày càng đẹp hơn.

“Con không có tay như các bạn, con cố gắng học làm mọi thứ bằng chân để không làm mẹ buồn và lo lắng. Con thương mẹ lắm, mẹ cũng thương con nữa. Con ước mơ sẽ trở thành một họa sĩ, có thể kiếm được tiền để chăm sóc mẹ”, ước mơ giản đơn của cậu bé đầy nghị lực.

Đọc thêm