Dù bà Trâm là chủ hộ, giấy tờ nhà bà đang giữ, nhưng Văn phòng công chứng Bình Thạnh vẫn xác nhận hợp đồng “mờ ám” trên. Nhóm người nhận “cầm” nhà sau đó dọn tới căn nhà ở. Bà Trâm cho rằng sự việc có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với PV liên quan đến những tố cáo của chị, ông Trí thừa nhận: “Tôi cầm nhà là sai. Ai nhìn vào cũng thấy sai chứ nói gì tôi”.
Biết sai sao vẫn làm? Ông Trí cho hay vợ chồng ông có quán cơm nhỏ ở vỉa hè đường Trường Sa, do làm ăn thất bát, gây ra món nợ “tín dụng đen” 400 triệu đồng, lãi suất từ 15 – 20% mỗi tháng nên “lãi mẹ đẻ lãi con”.
“Tôi vay của bà Hà 350 triệu đồng nhưng thực lãnh chỉ có 300 triệu. 50 triệu tôi góp với bà Hà sửa lại căn nhà 92/2 vì nó xuống cấp quá rồi. Đây không phải cầm nhà mà chỉ là “cố” nhà. Cố ba năm cho người ta để có tiền trả nợ. Tiền đó tôi đã trả hết cho những đối tượng “tín dụng đen””.
Hỏi ông Trí tại sao có hai hợp đồng vay tiền, một không công chứng và một có công chứng? Ông Trí khẳng định chỉ vay 350 triệu. Hợp đồng viết tay không công chứng là bà Hà vào ở căn nhà 92/2 Trường Sa. Còn hợp đồng có công chứng là để làm chứng về việc có vay bà Hà 350 triệu đồng.
“Việc cầm nhà tôi không cho chị gái biết. Tôi đang cố đi làm kiếm tiền để chuộc lại căn nhà. Còn nếu không còn cách nào khác thì bán nhà chia”, ông Trí nói.
Ông Trí phân trần: “Tôi bị tín dụng đen “gí” quá nên mới đánh liều. Tôi không còn cách nào khác Tôi không cố ý gian dối, lừa đảo gì. Tôi cầm nhà, nhưng vẫn thuê nhà ở sát bên đó, vẫn buôn bán ở đây”.
Bà Trâm nói đang cầm hồ sơ gốc căn nhà nhưng không hiểu tại sao lại xuất hiện bản sao y, chứng thực tờ đăng ký nhà đất năm 1999 của người cha đã qua đời |
Về phần người cho vay tiền, khi gặp mặt PV, bà Hà cho rằng “ông Trí vay tiền tôi và có thỏa thuận với nhau thì tôi mới được vào ở nhà 92/2 Trường Sa”. PV đặt câu hỏi, khi ký hợp đồng vay tiền có “cầm cố” căn nhà, bà Hà có biết căn nhà trên là nhà đồng thừa kế, nguồn gốc ra sao, giấy tờ ở đâu, có biết việc làm của mình là sai pháp luật? Bà Hà từ chối trả lời và “chốt”: “Nếu muốn lấy lại nhà thì mang tiền đến đây trả cho tôi”. Nói xong bà Hà quay lưng cho rằng “đang bận nấu cơm”.
Về phía cơ quan công chứng, trả lời PV về việc công chứng hợp đồng vay giữa bà Hà và ông Trí, đại diện Văn phòng công chứng Bình Thạnh cho rằng: “Việc công chứng là đúng luật, hai bên tự nguyện, có đủ năng lực hành vi ký hợp đồng”.
Công chứng viên Lã Phi Thành, người thực hiện việc sao y với giấy kê khai đăng ký nhà đất năm 1999 của cụ Nguyễn Văn Hải (cha của bà Trâm ông Trí, là người để lại căn nhà cho các con), cho rằng: “Luật quy định đối chiếu đúng bản chính thì chúng tôi sao y và chứng thực chứ không cần “chính chủ” mang đến”.
Bản hợp đồng mờ ám giữa ông Trí với bà Hà |
Về phía đại diện địa phương, trước việc bà Trâm tố cáo bị chiếm giữ nhà và có một số đối tượng xăm trổ tụ tập khi bà đòi nhà, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổ trưởng tổ 69, khu phố 4, phường 17 cho biết: “Căn nhà này trước đây của cụ Hải, sau đó hai con Trâm – Trí ở tới khi Trâm kết hôn sang nhà chồng.
Khi thấy người lạ dọn tới nhà đó, tôi báo cho chủ hộ là bà Trâm và cảnh sát khu vực. Trong thời gian bà Trâm đòi nhà, nhiều lần tôi thấy những nhóm người xăm trổ tới tụ tập, ăn uống ở nhà đó. Tôi đã tiếp tục báo tin cho cảnh sát khu vực, sợ có thể xảy ra những chuyện không hay và không biết những người đó là ai”.
Về phía Công an phường 17, quận Bình Thạnh cho biết sẽ yêu cầu cảnh sát khu vực báo cáo lại tình hình và sẽ thông tin đến Báo PLVN. Phía UBND phường 17 thì cho biết đã nhận được đơn phản ánh của bà Trâm và sẽ báo cáo lãnh đạo, hẹn trả lời trong ngày gần nhất.
Sự việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay không, PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.