Nghịch cảnh: Nhiều hồ Hà Nội thành... ổ phát dịch bệnh

(PLO) - Không phải đợi đến bây giờ, khi hồ Ngọc Khánh trở nên quá “khó ngửi” mới làm “dậy sóng” câu chuyện ao hồ Hà Nội ô nhiễm. 
Có tới hơn 70% ao, hồ trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm, trong đó có hồ ô nhiễm nghiêm trọng
Có tới hơn 70% ao, hồ trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm, trong đó có hồ ô nhiễm nghiêm trọng

Sự phát triển công nghiệp ồ ạt tại Thủ đô, ý thức người dân kém, cùng với việc quản lý, xử lý nước thải không đảm bảo đã khiến hầu hết các ao hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng từ rất lâu và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân Thủ đô.

Hồ “khó ngửi” vì tảo?

Gần một tháng nay, người dân ven hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình – Hà Nội) phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, vào thời điểm càng nắng nóng thì mức độ bốc mùi càng tăng. Ông Trần Văn Hùng, một người dân sống cạnh hồ cho biết: “Cá chết, tảo chết bốc mùi nồng nặc. Cứ mỗi trận gió là không thể chịu nổi. Một số người dị ứng với mùi đã phải đi sơ tán vì không chịu được, sợ ngửi mùi lâu quá sẽ ngất!”.

Nhiều người dân phản ánh, trước khi cải tạo, hồ Ngọc Khánh chẳng đến nỗi ô nhiễm như hiện nay. Nhưng sau khi cải tạo, hồ càng ô nhiễm nặng hơn. Ông Nguyễn Hoa Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết, dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh do Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội làm chủ đầu tư và bắt đầu triển khai từ năm 2015.

Vào tháng 2/2016, Ban Quản lý dự án đã đề nghị phường tiếp nhận bàn giao sau cải tạo. Tuy nhiên, do một số hạng mục của hồ chưa hoàn thành nên phường chưa nhận bàn giao. Lãnh đạo địa phương cũng đã làm việc với Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cùng chủ đầu tư dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh tới làm việc để tìm nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết, sau khi cải tạo, hệ thống cống đã tách biệt với hồ Ngọc Khánh. Và tình trạng ô nhiễm là do tảo xanh phát triển quá nhiều tại hồ. Sau khi tảo chết đã gây ra tình trạng mùi xú uế như hiện nay.

“Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần sớm tìm ra giải pháp cải thiện tình hình, không thì người dân khổ lắm” - ông Hoàng Văn Lợi, người dân sống bên hồ phát biểu. Đó cũng là mong mỏi của hàng trăm hộ dân khác. Song, đây không phải là lần đầu hồ Ngọc Khánh ô nhiễm. Từ những năm trước, hồ Ngọc Khánh và hàng chục ao hồ khác trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng xử lý thì chỉ được một thời gian, hiện tượng cá chết, mùi hôi thối lại trở lại.

Hồ bẩn vì sông bẩn?

Nói về nguyên nhân ô nhiễm chung của ao hồ, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ nhiệm CLB Ao hồ Hà Nội cho rằng, do nước xả thải sinh hoạt không qua xử lý đã đổ thẳng xuống các ao hồ, kênh rạch khiến nhiều ao, hồ gần như hoàn toàn “chết”. Trong những năm qua, chính quyền thành phố cũng rất quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm các ao hồ, tích cực cải tạo kiên cố hóa bờ, cải tạo mặt nước, song vẫn không xuể. Ông Tiến còn dẫn ra một nghiên cứu, có tới hơn 70% ao, hồ trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm, trong đó có hồ ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tất cả các con sông nằm trong nội thành Hà Nội đều ô nhiễm nước mặt nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hầu hết các con sông thuộc nội thành Hà Nội đều nhiễm khuẩn hữu cơ vượt gấp từ 3 tới 5 lần mức cho phép; đối với nước thải sinh hoạt thì mức độ vượt tiêu chuẩn vượt tới hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho các ao, hồ cũng bị ảnh hưởng. Bởi khi vào mùa mưa, nước sông, cống rãnh sẽ bị hòa trộn với nước ao hồ, gây bẩn nước đồng loạt.

Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra, hiện ở Hà Nội còn hơn 50 hồ chưa được cải tạo. Môi trường các hồ này đang ô nhiễm nghiêm trọng. Lại có hồ nước qua nhiều năm lắng cặn, không được nạo vét, dân xung quanh cấy rau muống nên hồ biến thành ruộng. Vì vậy, diện tích ao, hồ trên địa bàn thành phố bị thu hẹp dần. Trước tình hình dịch bệnh thường xuyên bùng phát, dân cư sống ở cạnh hồ bị ô nhiễm không chỉ phải chịu đựng mùi trong không khí rất khó chịu, mà họ phải đối mặt với bệnh tật lây lan, với chuột, muỗi, gián và nhiều vi khuẩn gây bệnh khác.

Việc giải cứu các ao, hồ trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận vô cùng tốn kém và phải có sự kết hợp của nhiều ngành chức năng, của ý thức người dân. Mỗi người phải ý thức chung, gìn giữ bảo vệ môi trường sống của mình. Tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên lưu vực sông, mương, máng, ao, hồ phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Trở lại vấn đề của hồ Ngọc Khánh, cho đến nay các lực lượng chức năng đã tạm thời khống chế được ô nhiễm. Tảo, rác đã được vớt đi, việc vệ sinh hồ được làm thường xuyên hơn. Và đơn vị nhà thầu khẳng định không có chuyện nước sinh hoạt được xả thải trực tiếp xuống đây. Bởi trong quá trình cảo tạo từ tháng 6/2015 và hoàn thành vào tháng 2/2016, đã tách riêng đường nước thải sinh hoạt.

Song nói gì thì nói, đây cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm, trong quá trình cải tạo hồ ao, đồng thời lên những phương án chống ô nhiễm cho các ao hồ khác, bảo vệ bầu không khí trong lành của Thủ đô.

Đọc thêm