Nghịch lý khi tinh gọn bộ máy bằng tiền!

(PLO) - Một động thái rất đáng chú ý là ở nhiều địa phương đang tỏ ra quyết liệt với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đặt ra những mốc thời gian cụ thể với số lượng cụ thể và trong một vài năm tới hàng nghìn công chức, viên chức ở các địa phương này sẽ được “mời” ra khỏi bộ máy.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Tuy nhiên, để làm việc này thì các địa phương đều phải chi tiền cho những trường hợp “rời ghế” dưới danh nghĩa hỗ trợ.

Các đối tượng được nhắm tới trong cuộc tinh giản này là người sắp đến tuổi nghỉ hưu (vận động nghỉ hưu trước tuổi), không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thiếu năng lực, không đủ tiêu chuẩn, trình độ, bằng cấp theo quy định bắt buộc,... Thậm chí, có nơi còn khuyến khích “nhường ghế” cho lớp trẻ với “giải thưởng” cho mỗi suất là 200 triệu đồng!

Nói chung là hàng chục tỷ của mỗi địa phương bỏ ra cho mỗi đợt tinh giản, có địa phương đã chi cho việc này hàng trăm tỷ đồng.

Nghịch lý đang xảy ra tại lĩnh vực tổ chức cán bộ này. Khi tiếp nhận một người vào biên chế thì qua thi tuyển khắt khe, đủ trình độ, tiêu chuẩn và phải hơn nhiều người khác thì mới được vào cơ quan nhà nước. Không loại trừ các trường hợp “chạy” tức mất tiền mới được vào biên chế, bây giờ loại người ta ra thì cũng phải “đền bù”. Nghịch lý ở chỗ là tiền thì vào túi cá nhân, “khắc phục hậu quả” thì ngân sách nhà nước gánh chịu. Một mặt, ra sức nâng tuổi nghỉ hưu, mặt khác, vận động người ta hưu sớm để lấy tiền. Vung tay ký bừa tuyển dụng người vào biên chế, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, cho “nợ” bằng cấp và bây giờ “lập lại trật tự” bằng cách lấy tiền thuế của dân để “bù đắp thiệt hại” thì dẫu có thông qua Hội đồng nhân dân đi chăng nữa thì chẳng dân nào “tâm phục, khẩu phục” cả!

Cứ đường đường chính chính mà thực hiện theo Luật Cán bộ, công chức, kể cả “đầu vào”, “đầu ra” đã quy định rõ ràng trong đó. Các giải pháp tình thế để tinh gọn bộ máy xem ra không hiệu quả mà còn mang lại những bất công và những kẽ hở bị lợi dụng, có thể người đáng bị loại vẫn giữ chắc ghế và người xứng đáng bị gạt ra khỏi bộ máy. Cho dù người chủ trương tinh giản biên chế bằng tiền đã tính ra rất có lợi khi bỏ ra một khoản tiền cho việc này nhưng dành ra được một khoản lớn hơn nhiều để “tái sản xuất” cán bộ thì cũng chưa thấy cái lợi đó. Dứt khoát, lĩnh vực tổ chức cán bộ cần tuân thủ những quy định pháp luật chặt chẽ chứ không thể “tùy nghi sáng tạo” và càng không thể có tính chất thị trường “mua quan, bán chức” hoặc chi tiền “nhường ghế” được!