Thực tế này dẫn đến tình trạng cả nước còn hàng trăm ngàn người nghiện ma túy tồn tại ngoài xã hội, gây rất nhiều hệ lụy xấu đến tình hình trật tự trị an, tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp. Việc sớm ban ngành hướng dẫn về việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc đang là vấn đề cấp thiết góp phần giảm thiểu tệ nạn và tội phạm.
Thực tế đáng lo ngại...
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2014, cả nước có 182.799 người nghiện (trong đó, nam giới chiếm 96%, nữ giới là 4%), tăng 0,8% so với năm 2013. Số người nghiện chủ yếu là ở độ tuổi từ 16 đến hơn 30 tuổi. Số người nghiện đang ở cộng đồng chiếm tỷ lệ 65%; 24% số người đang cai nghiện trong các cơ sở chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội; 11% số người đang trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Tình trạng người mắc nghiện tại cộng đồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS hoặc dẫn đến tội phạm khiến dư luận thực sự lo ngại. Việc người nghiện gia tăng có mối liên hệ nhân quả với tình hình tội phạm ma túy trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2014 vẫn diễn biến phức tạp, chưa có chiều hướng giảm.
Theo báo cáo, trên địa bàn cả nước đã phát hiện, điều tra 10.256 vụ, bắt 15.298 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 133 vụ và 176 đối tượng so với cùng kỳ 2013), thu giữ 478,7kg heroin; 14,1kg thuốc phiện; 112,7 kg cần sa khô; 796,4 kg cần sa tươi; 127,5 kg và 197.097 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật khác. Bởi vậy, việc kiểm soát và đẩy lùi tệ nạn nghiện hút là việc làm cấp thiết, góp phần kiềm chế tội phạm.
Một trong những địa bàn có nhiều người nghiện là TP.Hồ Chí Minh. Từ thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, các quận, huyện trên địa bàn không lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc do thiếu hướng dẫn. Tương tự, nhiều địa phương cũng “kêu trời” vì các đối tượng nghiện ma túy đủ điều kiện nhưng không thể bắt đi cai nghiện. Giải pháp vận động cho đi cai nghiện tự nguyện thì rất ít gia đình có đủ điều kiện thực hiện.
Một cán bộ trong lĩnh vực chính sách - xã hội phân tích: Việc cai nghiện tự nguyện sẽ không bị xem là có tiền sự nhưng hiện phí cai nghiện tự nguyện trung bình khoảng từ 3- 4,5 triệu đồng/tháng cho một người. Hầu hết người nghiện đã khiến gia đình tán gia bại sản nên không có tiền để cai nghiện dịch vụ, họ đành chấp nhận thêm một tiền sự trong lý lịch tư pháp khi bản thân họ hầu như chẳng còn gì để mất. Việc tồn tại hàng trăm ngàn người nghiện ma túy trong cộng đồng như hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm và lan truyền tệ nạn, lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Cần sớm ban hành hướng dẫn
Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111 ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221 ngày 30/12/2013 về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc. Các Nghị định này được xem như là một hành lang pháp lý vững chắc cho các ngành chức năng trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo quyền con người cho người bị đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, khó là ở chỗ đến nay vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể để thực hiện các quy định trên. Theo đánh giá của nhiều luật gia, ngay từ khâu áp dụng quy định giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 111 và Điều 10 Nghị định 221 đã có nhiều bất cập. Bởi, theo quy định này thì để xác định tình trạng nghiện ma túy phải do bác sĩ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên… phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy.
Vướng là ở Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa tập huấn vấn đề này nên đến nay lãnh đạo các phòng khám địa phương vẫn chưa có chứng chỉ theo quy định này, do đó việc xác định tình trạng người nghiện ma túy để đưa đi giáo dục đối với xã, phường, thị trấn không thể thực hiện.
Đối với trường hợp người nghiện ma túy là đối tượng lang thang, không có nơi cư trú thì việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc còn nan giải hơn. Luật sư Nguyễn Văn Thắng - (Đoàn Luật sư Hà Nội) lo ngại: Theo quy định hiện hành, việc quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ đưa đi cai nghiện bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện chặt chẽ về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân sự. Để đáp ứng đủ các điều kiện trên không dễ dàng.
Thêm vào đó, từ khi lập hồ sơ đến khi ra quyết định của TAND cũng mất thời gian khá dài, trong khi đối tượng bị đề nghị lại không ở cố định, ban ngành chức năng rất khó quản lý. Có khi, lập hồ sơ qua bao quy trình, tốn bao công sức nhưng chờ đến khi TAND có quyết định thì đối tượng này đã bỏ đi rồi. Bởi vậy, Luật sư Thắng đề nghị bên cạnh ban hành hướng dẫn thì quy trình thủ tục cai nghiện bắt buộc chặt chẽ nhưng cũng phải thông thoáng, kịp thời.