Tốc độ già hoá nhanh bậc nhất thế giới
Thách thức lớn nhất và khó giải quyết nhất là mất cân bằng giới tính khi sinh. Càng ở vùng đô thị phát triển thì sự mất cân bằng này càng khó khắc phục. Tâm lý mong muốn có con trai “nối dõi tông đường” hay làm “trụ cột” trong gia đình vẫn luôn tồn tại, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn trở nên nặng nề. Có tỉnh, thành cứ 100 bé gái khi sinh thì có tới 120 nam.
Thứ hai, là mất cân bằng dân số ở các vùng. Những nơi càng phát triển thì dân di cư càng đông, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn thì rất thưa người.
Thứ ba, thời kỳ dân số vàng và thời kỳ già hóa dân số đang diễn ra gần như cùng lúc. Do đó, giai đoạn dân số vàng của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025). Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.
Cơ cấu dân số vàng Việt Nam mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 - 64, mới chỉ mang lại khả năng và cơ hội, chứ chưa phải là đem lại kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Dân số vàng mới chỉ là “vàng” về số lượng chứ chưa xét đến chất lượng.
Thứ tư, đó là nghịch lý về tỷ suất sinh con. Gia đình có điều kiện nuôi dạy con tốt thì lại không sinh đẻ nhiều, thậm chí không sinh đẻ, ở vùng nghèo khó thì lại sinh nhiều con. Điều này khiến chất lượng dân số chưa đạt như kỳ vọng.
Thứ năm, mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác dân số, kinh phí cho công tác dân số lại giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác dân số và phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.
Theo ông Phương, để giải quyết những thức thách trên, một trong những giải pháp then chốt là đẩy mạnh sự truyền thông vận động về dân số và phát triển, thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Phải thay đổi cả tập quán và hành vi
Đồng tình quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, nếu thực hiện được tốt Nghị quyết 21-NQ/TW, thì đến năm 2030, chúng ta sẽ thực hiện được một cuộc “cách mạng” thành công trong lĩnh vực dân số ở Việt Nam.
Theo giải thích của ông Cử, trước đây khi kết hôn, không ai khám sức khỏe hay tư vấn, chỉ cần đến tuổi là xây dựng gia đình. Nhưng theo mục tiêu Nghị quyết 21 thì đến năm 2030, có 90% nam nữ kết hôn đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và được tư vấn. Đó là một sự thay đổi rất mạnh mẽ.
Cũng theo Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2030, hiện tượng tảo hôn phải giảm từ 50-60%. Trước đây, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai rất thấp, thì đến năm 2030, chúng ta phải duy trì 75% các cặp hôn nhân sử dụng biện pháp tránh thai. Trước đây, sinh con không thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh để phát hiện bệnh tật, tới năm 2030 phải đạt chỉ tiêu tầm soát trước sinh là 70%, sơ sinh là 90%.
“Tất cả sự thay đổi đó là chuyển từ sinh sản về mặt số lượng sang chất lượng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả tập quán và hành vi. Và đó là một cuộc cách mạng, mà cuộc cách mạng nào cũng khó khăn và gian khổ cả.
Nhưng tất cả các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21 rất rõ ràng, chúng ta phải đẩy mạnh truyền thông, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, bộ máy tổ chức... và điều mấu chốt nhất là sự thay đổi nhận thức”, ông Cử nhấn mạnh.
Về mặt chính sách, cần bổ sung chính sách khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân như khuyến khích bằng tiền, vật chất cho những người đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, hoặc có thể đưa vào quy ước thôn xóm, bản làng rằng thanh niên trước khi kết hôn phải đi khám sức khỏe tiền hôn nhân…