'Nghiêm túc' phải được trả lại giá trị thật của nó

(PLO) - Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo trước Chính phủ những sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và hướng xử lý những sai phạm này.
'Nghiêm túc' phải được trả lại giá trị thật của nó

Cùng thời điểm, vụ gian lận thi cử, nâng điểm ở Sơn La đã khởi tố hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh này và bắt tạm giam một số người, khám xét phòng làm việc và nhà ở. Tiếp theo vụ ở Hà Giang chỉ có hai người bị khởi tố thì vụ này xem ra nghiêm trọng hơn nhiều. Các địa phương khác, dù có biểu hiện bất thường nhưng qua rà soát lại có thể coi là đã “thực hiện nghiêm túc” kỳ thi này!

Thực ra, việc gian lận thi cử bị phát hiện ở Hà Giang, Sơn La chỉ giọt nước tràn ly, phần nổi của tảng băng chìm tiêu cực thi cử, chạy điểm, chạy trường mà thôi. Ai cũng biết việc tổ chức một kỳ thi rất tốn kém sức người, sức của mà chỉ loại ra được "một vài" thí sinh thì đó vừa là nghịch lý, vừa là lãng phí. Khi ngành Giáo dục nói không với tiêu cực thì số học sinh tốt nghiệp chỉ là 60 -70%, đó là tỷ lệ phản ánh khá chính xác chất lượng dạy và học.

Thế nhưng, khi phong trào “nói không” xẹp xuống thì lập tức tỷ lệ đó quay trở lại cao chót vót với 99% thí sinh thi đỗ. Không ai là không nhận ra kỳ thi chỉ là hình thức, còn mục tiêu đặt ra là cho tốt nghiệp hết, tạo đầu vào phong phú cho các trường đại học đang “khát” sinh viên và xã hội lại phải chịu gánh nặng “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân thất nghiệp cùng với mặt bằng chất lượng thấp, thể hiện rõ sau khi đào tạo, nhận bằng mà không làm được việc theo chuyên môn được đào tạo. Đất nước chúng ta chưa “hóa rồng” được là do một phần lớn từ chất lượng giáo dục và chiến lược đào tạo con người.

Thủ tướng đã nói đến “bệnh thành tích” và đã là bệnh thì phải chữa trị. Còn vì “bệnh” đó mà bỏ qua sai phạm thì khác nào “giúp sức” cho bệnh đó thêm trầm trọng. Mặt tốt của các vụ gian lận thi cử được phát hiện và xử lý nghiêm chính là phương thuốc hữu hiệu để chữa “bệnh thành tích” và ngăn chặn các vụ việc tiêu cực, gian lận tiếp diễn.

Bộ trưởng Giáo dục cũng chính thức nhận trách nhiệm về các vụ việc gian lận này và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thảo luận về kỳ thi “2 trong 1” và có những giải pháp tích cực “để yên dân”. Từ đó, những mùa thi tới, “nghiêm túc” phải được trả lại giá trị thật của nó, đúng như ý nghĩa, tinh thần biểu đạt của từ này.