Ngôi chùa duy nhất nước Việt thờ Phật bà Đại Tuệ

(PLVN) - Nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Đại Huệ với độ cao gần 500m so với mực nước biển, chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tọa lạc trong một không gian non nước hữu tình, nay đang là một trong những chốn hành hương, một thắng cảnh bậc nhất về văn hóa lịch sử của miền đất Bắc Trung bộ.
Toàn cảnh chùa Đại Tuệ
Toàn cảnh chùa Đại Tuệ

Ngôi chùa thiêng gắn với lịch sử hào hùng

Vãn cảnh chùa Đại Tuệ, đứng trên đỉnh Thăng Thiên, du khách có thể thu vào tầm mắt dòng Lam giang hiền hòa uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở biển Đông.

Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Du khách có thể ngắm toàn cảnh non nước tươi đẹp như tranh họa đồ của xứ Nghệ khi đến vùng đất thiêng này. Điều đặc biệt nữa, đây là ngôi chùa duy nhất của nước ta có hệ thống câu đối, chữ viết đều sử dụng chữ quốc ngữ. 

Chùa Đại Tuệ chụp từ mái tam quan
Chùa Đại Tuệ chụp từ mái tam quan  

Tương truyền chùa Đại Tuệ có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa được vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là Trí tuệ lớn). Đây là vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp lũy trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh xâm lược nước ta.

Theo sử sách khi vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 có nghỉ tại đây. Tương truyền, trong một đêm ngủ say, nhà vua mơ thấy Phật Bà về chỉ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Đồng thời cũng là nơi để tăng ni, Phật tử tụ tập dâng hương thờ Phật. Năm 1789, sau khi tuyển quân và duyệt binh ờ núi Lam Thành, vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ cấp tốc lên đường tiến quân ra Thăng Long.

Bảo tháp Đại Tuệ
Bảo tháp Đại Tuệ  

Để rút ngắn thời gian hành quân. Quang Trung cho quân sĩ vượt qua dãy Đại Huệ, tiến thẳng ra Bắc. Nhà vua đã cho quân sĩ, dừng chân nghỉ tại đỉnh núi, vào chùa Đại Tuệ dâng lễ vật hương hoa lên bàn thờ Phật gia hộ cho quân sĩ hành quân thần tốc ra kinh thành đánh tan 30 vạn quân Thanh.

Lúc này vua và các tướng lĩnh đang đau đầu không biết làm sao để tiến ra Bắc nhanh nhất thì được nhà sư trụ trì chùa Đại Tuệ đã dẫn vua Quang Trung lên đỉnh núi cao nhất (nơi có bàn cờ bằng đá) chỉ đường tắt ra kinh đô, đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long, thống nhất đất nước. Khi chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung nhớ ơn chỉ đường đã xuống chiếu cắt 20 mẫu đất cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm.

Pho tượng khổng lồ bằng đá hồng ngọc nguyên khối
Pho tượng khổng lồ bằng đá hồng ngọc nguyên khối  

Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiến, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ. Tương truyền, từ thời Bắc thuộc tại ngôi chùa này đã có pho tượng cổ Phật Bà Đại Tuệ, tuy nhiên trải qua thời gian, mưa nắng đến nay pho tượng quý đã thất lạc.

Thể theo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, khi trùng tu, tôn tạo chùa, Ban Quản lý khu di tích đã cho đúc lại pho tượng này. Trong chùa hiện có pho tượng Phật mẫu Đại Tuệ đúc bằng chất liệu đồng đỏ chất lượng cao, cao 2,30m, bệ rộng 1,15m, nặng 1.100kg. 

Địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng

Chùa Đại Tuệ hiện nay nằm trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng mang lại cảm giác thanh tịnh với những ai hành hương đến chùa.

Chùa gồm 20 hạng mục, trong đó có 4 ngôi bảo điện chính, được trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi, bắt đầu là chùa Trình, tiếp theo là chùa Hạ, chùa Trung và trên đỉnh là chùa Thượng. Đặc biệt, trong đó có bảo tháp Đại Tuệ chín tầng với chiều cao 32 m thờ thất Phật thế tôn và Phật Mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc. Ngoài ra, chùa còn phụng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và 5 vị vua là: Vua Hùng, vua Mai Hắc Đế, vua Hồ Quý Ly, vua Quang Trung, vua Cảnh Thịnh, những con người gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Các pho tượng bằng gỗ dâu nguyên khối
Các pho tượng bằng gỗ dâu nguyên khối 

Trong chùa Đại Tuệ hiện nay có những đồ tế khí bằng đá. Đó là mõ đá, chuông đá, khi gõ lên nghe vang xa như âm thanh kết nối trời, đất với con người. Tương truyền rằng xưa kia vua Quang Trung đã dùng mõ này dóng lên những hồi chuông thúc dục quân sĩ xuống núi hành quân cấp tốc.

Phía trước chùa Đại Tuệ còn có phiến đá rất to tựa như ngai vàng. Tương truyền các bậc đế vương như Vua Mai Hắc, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ đã ngồi lên ngai đá thắp hương dâng lễ Phật cầu nguyện có sức mạnh khối đoàn kết triều đình và nhân dân để đánh tan quân xâm lược, nguyện cho quốc thái dân an.

Lung linh bảo tháp phát sáng vào ban đêm
Lung linh bảo tháp phát sáng vào ban đêm  

Trước chùa khoảng bốn trăm mét có hai trụ đá lớn dựng đứng như cổng chùa thiên tạo. Trên đỉnh núi, cạnh chùa Đại Tuệ có ao sen nở sớm và tàn rất muộn, có giếng ngọc nước trong xanh quanh năm. Sau lưng chùa là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ Tiên bằng đá. Cách chùa một trăm mét về phía Tây có tảng đá lớn khoảng năm khối, dùng đá gõ vào phát âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là Đá Mõ).

Không chỉ là ngôi chùa có cảnh quan đẹp và nhiều công trình bề thế mà chùa Đại Tuệ còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử. Đến vãn cảnh chùa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ vĩ mà còn hiểu hơn về lịch sử của dân tộc. 

Chùa Đại Tuệ đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. 

Đọc thêm