Ngôi chùa thiêng miền Tây lưu giữ hơn 100 mộc bản cổ

(PLVN) - Mộc bản là kiểu làm sách độc đáo của nước ta bắt nguồn từ triều Nguyễn, là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009. Tư liệu này chủ yếu được lưu trữ và bảo quản ở Huế, Đà Lạt và rất hiếm có ở miền Tây Nam Bộ. Chùa Nam Nhã ở Cần Thơ là ngôi chùa duy nhất ở miền Tây Nam Bộ lưu giữ giá trị văn hóa cổ độc đáo và quý giá này...
Vẻ đẹp bình yên, thanh tịnh chùa Nam Nhã
Vẻ đẹp bình yên, thanh tịnh chùa Nam Nhã

Nơi cất giữ hơn 100 Mộc bản cổ

Chùa Nam Nhã tọa lạc tại số 612, đường Cách mạng Tháng Tám (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), còn gọi là Nam Nhã Phật đường. Ngôi chùa này được lão sư Nguyễn Giác Nguyên (học trò Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa) xây dựng vào năm 1895. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nơi đây trở thành  căn cứ hoạt động cách mạng của các sĩ phu yêu nước trong phong trào Đông Du.

Đồng thời nơi đây còn là trụ sở kinh tế tài chính nuôi các học sinh xuất dương du học, chống lại chính sách ngu dân của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ. Nam Nhã Phật Đường được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc trang trọng, mà còn bởi nơi đây gắn liền với các giá trị lịch sử lâu đời. 

 

Theo chân sư thầy Hồ Minh Phong, Trưởng Ban Trị sự Nam Nhã Phật Đường vào dãy nhà phía sau chánh điện, nơi cất giữ hơn 100 Mộc bản có tuổi đời gần thế kỷ, để mục sở thị và cầm tận tay những tấm Mộc bản với kiểu chữ tinh xảo, sắc nét được khắc ngược trên hai mặt của tấm ván.

Trên kệ gỗ, chất đầy những tấm Mộc bản có kích thước không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà Mộc bản có kích thước lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Mộc bản chùa Nam Nhã là di sản tư liệu bằng chữ Hán, một số sách quý được in ra từ Mộc bản mà nhà chùa còn lưu giữ đến ngày nay như: “Hoàng Nam địa chí toàn đồ”, “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh”, “Kim Cang Kinh Luận”... 

Giới thiệu với chúng tôi, sư thầy Hồ Minh Phong cho biết, loại gỗ được chọn để khắc Mộc bản ở chùa Nam Nhã là gỗ mít và cẩm lai. Nhưng đa phần thường là gỗ mít, vì loại gỗ này có đặc tính mềm dẻo dễ khắc, ít cong vênh và tuổi thọ cao. Bên cạnh đó, không phải loại giấy nào cũng có thể dùng để in sách được, nó phải đáp ứng được hai yêu cầu.

Thứ nhất, giấy phải có độ bền. Thứ hai, giấy phải thấm mực tốt, không bị nhòe khi in. Và giấy dó là lựa chọn hoàn hảo để Nam Nhã Đường in sách tại chùa. Minh chứng là các sách in từ Mộc bản ở đây đều có tuổi thọ trăm năm nhưng mực không bay màu, giấy không mục mà vẫn còn bóng đẹp và rõ chữ.

Mộc bản của chùa Nam Nhã được khắc vào năm 1920, xuất phát từ nhu cầu sử dụng và phổ truyền giáo lí, nhà chùa đã tự dùng Mộc bản để ấn hành sách, chủ yếu là kinh thư và y thư. Vì một số chữ Hán khó, nhiều nét phức tạp nên đòi hỏi thợ khắc phải có tay nghề chắc, có thâm niên mới tạo nên được những nét chạm khắc tinh vi. Cho nên, Nam Nhã Đường đã mời thợ khắc từ đất Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) xuống để khắc Mộc bản cho chùa.

Kỳ công khắc Mộc bản

Quy trình khắc tùy theo mật độ số trang của sách, số chữ mỗi trang mà thời gian khắc dài hay ngắn. Người thợ cứ làm liên tục mỗi ngày, làm từ sáng đến chiều khi nào mệt thì mới ngưng. Cứ như vậy, tối thiểu cũng phải mất từ ba tháng trở lên mới xong được một quyển. Ngoài ra, vì số lượng trang nhiều mà một số kinh/ sách có đến hai ba thợ cùng khắc một quyển mới hoàn thành kịp.

Khi khắc, người thợ sẽ để tờ giấy văn bản lên mặt gỗ và khắc chữ ngược vào miếng gỗ đó. Đến khi gia công hoàn thành, in ra tác phẩm sẽ cho chữ thuận lại. Lần in thử đầu tiên sẽ đưa người cung cấp nội đung đó kiểm duyệt mức độ chính xác. Ngày xưa, tiếng Hán không có chấm câu nên người thợ không biết ngắt câu ở đâu. Vì vậy, người kiểm duyệt sẽ xem lại và dùng viết lông chấm mực, khuyên vào một vòng tròn dưới những chữ đó để người thợ biết mà thêm vào Mộc bản.

Chùa Nam Nhã là một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh đặc biệt ở TP Cần Thơ
Chùa Nam Nhã là một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh đặc biệt ở TP Cần Thơ  

“Ngoài ra, sau khi in Mộc bản ra giấy, để đóng thành sách, người xưa thường dùng hai cách. Thứ nhất là chiết trang, đó là phương thức xếp từng trang lại tạo thành một quyển như hình cây quạt. Thứ hai là bối diệp trang, người ta sẽ đóng giấy rồi dùng chỉ để buộc bìa giấy bên phải sách. Quy tắc đóng sách này bắt nguồn từ cách làm của những nhà truyền đạo Trung Hoa, những cao tăng này sẽ viết kinh trên lá bối (giống như lá cọ). Sau đó dùng chỉ để xỏ từng lá lại với nhau.

Từ đó, người Trung Hoa mới vận dụng công thức này, sáng tạo ra cách buộc giấy sách và đặt tên là bối diệp. Hiện tại, trong Nam Nhã Đường cũng làm theo cách làm này, tự in Mộc bản và tự xỏ thành quyển”- thầy Hồ Minh Phong cho biết.

Bàn về giá trị số Mộc bản hiện thời, Trưởng Ban Trị sự Nam Nhã Phật Đường cho rằng, cần nhìn nhận đây là một nguồn sử liệu quý giá của Tây Nam Bộ. Thứ nhất, nó được xem như vật chứng cho thấy Long Tuyền - Bình Thủy trăm năm trước tuy là vùng đất trẻ nhưng đã có nhiều người có tri thức. Qua đó, còn thể hiện được rằng người dân nơi đây rất quan tâm vấn đề học vấn, bởi vì nơi nào có nhu cầu đọc sách, nơi đó có nhu cầu làm ra sách.

Thứ hai, nhìn từ góc độ mỹ thuật truyền thống cho thấy kỹ nghệ in ấn, trình độ chế tác thủ công đặc sắc, không chỉ là một bản san khắc đơn thuần. Được biết, Cục Văn thư lưu trữ, Viện Hán - Nôm từng nhiều lần đến nghiên cứu những tư liệu này và ngỏ ý muốn nhà chùa hiến một ít Mộc bản về trưng bày. Tuy nhiên phía nhà chùa đã từ chối vì Mộc bản vẫn đang được sử dụng để in kinh/sách phục vụ tại đây.

Tự hào ngôi chùa duy nhất có Mộc bản ở miền Tây

Theo thống kê, tại Nam Nhã Đường hiện có khoảng hơn 60 Mộc bản còn sử dụng tốt, cho chữ in ra rõ ràng, đẹp. Hơn 30 bản còn lại, một số bị mọt ăn, một số chữ đã mòn, chất lượng không còn đáp ứng được yêu cầu. Mộc bản sử dụng dễ nhưng việc bảo quản lại khó. Trải qua trăm năm, Mộc bản chùa Nam Nhã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khí hậu miền Nam rất nhiều nên có không ít biến đổi.

Đặc biệt, mùa nước ngập là thời điểm dễ phát sinh mối mọt nhất. Hơn nữa, vì Mộc bản của chùa chủ yếu là gỗ mít nên nên lâu dần sẽ sinh ra loại côn trùng phá hủy. Vì vậy mà hàng năm nhà chùa đều thuê đơn vị chuyên diệt mối mọt đến xử lý, ủ thuốc. Quy trình ủ thuốc này nhằm hạn chế vấn đề mọt phát sinh cũng như tiêu diệt ấu trùng của mọt, nhờ đó bảo quản được và tăng tuổi thọ cho Mộc bản. 

Cận cảnh một trang Mộc bản còn gần như nguyên vẹn
Cận cảnh một trang Mộc bản còn gần như nguyên vẹn 

Mộc bản là kiểu làm sách độc đáo của nước ta bắt nguồn từ triều Nguyễn, là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009. Tư liệu này chủ yếu được lưu trữ và bảo quản ở Huế, Đà Lạt và rất hiếm có ở miền Tây Nam Bộ. Những người đầu tiên khai phá, di dân vào vùng đất mới này một phần là những tá điền, nông phu do quan lại triều Nguyễn chiêu mộ vào khẩn hoang. Khi đến, họ không chỉ mang theo tài sản, lối sống mà còn cả văn hóa và tri thức.

Tuy nhiên, lại nảy sinh vấn đề không bảo quản được sách mang theo do khí hậu miền Nam nóng ẩm. Chính vì vậy, họ quyết định đem theo nghề in Mộc bản vào Nam. Lúc đầu, chỉ có hai trung tâm văn hóa chính của miền Nam như Sài Gòn - Gia Định, Biên Hòa – Đồng Nai thì mới có Mộc bản. Tuy nhiên, sau đó dòng chảy tri thức này đã lan rộng xuống miền Tây.

Đọc thêm