Ngôi đình cổ mang kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn

(PLVN) - Ở đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) có ngôi đình Nông Lục mang trong mình sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đình, chùa truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Không chỉ có giá trị về nghệ thuật, đình Nông Lục còn là một “địa chỉ đỏ” của tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Đình Nông Lục là sự kết hợp giữa kiến trúc đình, chùa truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.
Đình Nông Lục là sự kết hợp giữa kiến trúc đình, chùa truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.

Đình Nông Lục là một trong 20 di tích kiến trúc nghệ thuật - tôn giáo tín ngưỡng đình làng còn tồn tại ở huyện Bắc Sơn. Năm 1993, đình Nông Lục đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia với những giá trị quý báu về nghệ thuật và văn hóa, lịch sử. 

Ngôi đình cổ gần 100 tuổi

Đình Nông Lục nằm cách thành phố Lạng Sơn khoảng 90km theo tuyến đường quốc lộ 1B. Ngôi đình được xây dựng từ năm 1924 và khánh thành năm 1927 dưới triều Nguyễn. Điểm độc đáo của ngôi đình này so với hàng ngàn ngôi đình khác ở Đồng bằng Bắc Bộ chính là sự xuất hiện của kiến trúc nhà sàn của người Tày.  

Tọa lạc trên đỉnh đồi với 2 cây đa lớn 100 năm tuổi đằng trước, đình Nông Lục tạo một cảm giác vừa quen thuộc nhưng cũng khá thú vị và lạ lẫm đối với du khách thập phương. Đình Nông Lục có kiến trúc theo kiểu chữ nhất, diện tích đình khoảng 180m2. Xung quanh đình được bao quanh bởi một bãi cỏ xanh với phần sân được lát đá 2 bên. 

Đình Nông Lục có sàn cao 0.7m với bốn mặt kín được dựng lên từ ván gỗ. Nơi đây thờ thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh thượng Đẳng thần. Theo truyền thuyết Ngài là vị thần có công giúp nước, hộ dân và cai quản đất đai trong làng.

Khác với các mái đình được chạm khắc tinh xảo, cong vút thường thấy của làng Việt, mái đình làng Nông Lục được làm theo cách lợp ngói âm dương đặc trưng của dân tộc Tày. Đây là loại ngói có hình nửa ống trụ, bo tròn với mặt tráng men cong lên. Khi kết hợp, các miếng ngói được đặt thành cặp, đan xen tinh tế. Do đó, phần mái lợp tạo cảm quan nặng, phóng khoáng hơn, có phần sậm màu hơn so với kết cấu đình dưới xuôi.

Nền của đình Nông Lục được tôn cao giống với nhà sàn của đồng bào Tày.
Nền của đình Nông Lục được tôn cao giống với nhà sàn của đồng bào Tày.

Loại ngói âm dương này sẽ tạo ra nhiều khoảng không giữ khí, thông gió và thoát nước tốt hơn các loại ngói thường thấy của người Kinh. Ngói âm dương có nhiều đặc điểm khác như cách nhiệt tốt, cho nên các ngôi nhà được lợp bằng loại ngói này, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông rất ấm áp. Tuổi thọ ngói âm dương khá cao, chừng 50 năm mới bắt đầu xuống cấp. 

Do ảnh hương của văn hóa người Tày nên đình Nông Lục có nền đất được nâng cao. Tuy nhiên kiến trúc cửa của đình lại mang đậm bản sắc đồng bằng Bắc Bộ “thượng song hạ bản”, tức là phía trên dùng chắn song, phía dưới quây ván gỗ kín. Cửa ra vào khá lớn và thường để ngỏ. Các cửa chính được bắc thang đỗ để tiện việc di chuyển ra vào trên nền cao.  

Đình Nông Lục được tạo nên từ 2 hàng cột cái, 1 hàng cột quân, 6 hàng cột hiên. Kỹ thuật ghép mộng gỗ được áp dụng để liên kết chặt chẽ hệ thống cột này. Trong đó, một đầu thanh gỗ lồi sẽ được ghép với một đầu lõm tạo ra sự khắng khít. Kết cấu vỉ ván của bộ kèo giữa đình được chạm khắc cầu kỳ.

Dù có hình dáng bên ngoài giống với một ngôi nhà sàn của đồng bào Tày nhưng các họa tiết của đình lại mang đặc trong phong cách thời Nguyễn. Điển hình như các mối liên kết phía trên xà nách nối vào cột hiên với cột quân là các hoa văn thân thuộc như Lý ngư vọng nguyệt, tứ linh, cây trúc vàng… Đầu cột con với cột hiên đều được thắt đáy để dàn đều áp lực cho mái nhà.

Khi ngước lên trần gian chính điện, du khách có thể thưởng thức họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Phần mái khám thờ được chạm khắc hình tượng 4 linh vật phương Đông. Phần dưới khám thờ được đỡ bằng ván mê có chạm biểu tượng hổ phù mang ý nghĩa hóa sát trừ tà. Hai bên được khắc rồng nhả mây.   

Đêm lịch sử tại đình Nông Lục 

Không chỉ nổi tiếng về kiến trúc giao thoa độc đáo mà đình Nông Lục còn mang trong mình cả một câu chuyện lịch sử đầy hào hùng của dân tộc ta. Ngược dòng lịch sử, vào đêm ngày 25/9/1940, các Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi thoát ra từ nhà tù thực dân Pháp đã nhanh chóng tập hợp và họp bàn với các đảng viên chi bộ Hưng Vũ. Nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh việc nhận định thời cơ hành động, tiến hành khởi nghĩa nhằm cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài – Châu lỵ Bắc Sơn.

Bên cạnh đó, cuộc họp tại đình Nông Lục còn đưa ra Nghị quyết về vấn đề thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa. Thời gian khởi nghĩa được ấn định vào lúc 8 giờ tối ngày 27/9/1940. Sự kiện này đã tạo nên bước ngoặt lịch sử quan trọng, là tiếng súng mở đầu cho khởi nghĩa toàn quốc và toàn lực lượng dân tộc tại Đông Dương.

Kết cấu cột và cách bài trí khu thờ tự giống như các ngôi đình của làng quê Việt Nam.

Kết cấu cột và cách bài trí khu thờ tự giống như các ngôi đình của làng quê Việt Nam.

Trước đó, vào cuối tháng 9/1940, khi tàn quân Pháp rút chạy qua Bắc Sơn, các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao thu thập hàng trăm vũ khí bị vứt bỏ lại, tước vũ khí hoặc thuyết phục các tàn binh lính hạ vũ khí. Do có tin đồn chính quyền Pháp sụp đổ tại Đông Dương, mọi người nổi dậy đánh phá một số đồn cảnh sát, uy hiếp các gia đình có người làm việc cho Pháp. 

Rạng sáng ngày 27/9/1940, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở xã Hưng Vũ họp và thành lập ủy ban khởi nghĩa gồm Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún do Hoàng Văn Hán làm chỉ huy. Trong ngày 27/9/1940, khoảng 600 quân khởi nghĩa được vũ trang bằng súng trường, mã tấu, đao tiến về huyện Bắc Sơn chiếm đồn binh Mỏ Nhài, đốt bỏ tài liệu và ấn tín. Quan huyện Bắc Sơn và tiểu đội lính dõng đóng tại đây bỏ chạy. Nhưng chỉ 3 ngày sau, một đơn vị lính do sĩ quan Pháp chỉ huy chiếm lại đồn Mõ Nhai và huyện lỵ Bắc Sơn.

Cuộc khởi nghĩa diễn ra tự phát, nên khi lãnh đạo chi bộ Chu Văn Tấn được tin, ông cấp tốc liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ xin chỉ thị. Xứ ủy nhanh chóng điều Trần Đăng Ninh về Bắc Sơn cùng Chu Văn Tấn thiết lập ủy ban khởi nghĩa ngày 16/10/1940, thành lập đội du kích gồm 20 người, và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân. Lực lượng khởi nghĩa đánh phá nhà cửa của các thành phần phản động, tịch thu thóc gạo, vải vóc và tiền bạc đem chia cho dân nghèo. Họ cũng xử tử các nhân vật làm mật thám cho Pháp.

Các họa tiết thân thuộc của lối kiến trúc đền chùa Bắc Bộ như rồng, tứ linh… vẫn được sử dụng ở đình Nông Lục.
Các họa tiết thân thuộc của lối kiến trúc đền chùa Bắc Bộ như rồng, tứ linh… vẫn được sử dụng ở đình Nông Lục.   

Ngày 28/10/1940, khoảng một ngàn người tập trung tại làng Vũ Lăng để nghe diễn văn cách mạng và chuẩn bị đánh chiếm lại đồn Mõ Nhai. Tuy nhiên một chủ đồn điền Pháp tại địa phương nghe được tin này từ trước đã cấp báo cho Pháp. Quân Pháp từ đồn Mỏ Nhài dùng đường tắt băng qua đèo, tấn công vào khu người dân và các cán bộ cách mạng đang tập chung. Những người tham gia cuộc khởi nghĩa bị bất ngờ, bỏ chạy toán loạn. 

Quân Pháp tiếp đó cho hành quyết công khai, đốt phá nhà cửa, ruộng nương, cướp lúa gạo và gia súc. Quân Nhật không can thiệp, để Pháp tái lập trật tự, theo thỏa thuận đã ký ngày 22 tháng 9. Nghĩa quân rút chạy vào vùng Bắc Sơn (Lạng Sơn) và huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Đến cuối năm 1940 thì khởi nghĩa Bắc Sơn bị coi như tan rã hoàn toàn.

Dù cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng đã chứng tỏ được ý chí không chịu khuất phục đế quốc của dân tộc ta và đình Nông Lục đã là một biểu tượng cho tinh thần dân tộc đáng tự hào đó…Vài năm trở lại đây, đình Nông Lục đã và đang là điểm đến yêu thích của du khách trong hành trình khám phá, tham quan các điểm du lịch ở Bắc Sơn, đặc biệt là trong cụm di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn.

Đọc thêm