Ngôi trường bên bờ “khai tử” và lá tâm thư nhức nhối

(PLO) -  Nhiều giáo viên “đột ngột” bị tinh giản biên chế, ăn lương theo “sản phẩm” (tức giờ dạy), có người nhận không quá 300.000 đồng/tháng. Thực trạng đang hiện hữu tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Nam) nhiều năm qua, là nỗi đau khó nói lên lời của những người tâm huyến với sự nghiệp trồng người.
Thời “hoàng kim” của nhà trường giờ đã xa
Từng chắp cánh cho hơn 2.000 học sinh
Tính đến nay, Trường THPT Phạm Văn Đồng (đóng tại xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã có lịch sử 15 năm xây dựng và trưởng thành (2000-2014). Ngôi trường đã “tiếp bước” giấc mơ “con chữ” dở dang của hàng ngàn con em quê hương Quảng Nam. Nhiều em học sinh vào trường phần vì hoàn cảnh, phần vì do năng lực bản thân còn hạn chế, không có điều kiện vào các trường công lập chính quy.
Theo đó, 15 năm qua, 12 khóa với hơn 2.000 học sinh ra trường, đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp xã hội hóa giáo dục trên quê hương Quảng Nam. Trong số các em, không ít người đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, cử nhân, nhà khoa học... Nhiều em cũng trở thành những người thợ, công nhân lành nghề, công dân có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trường gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào. Mỗi khi đến năm học mới, các thầy cô lại phải đi làm công tác mời gọi, hay nói đúng hơn là đi “gõ cửa” từng trường THPT trong vùng để tự quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện cho nhiều em học sinh thiếu may mắn. Nhưng do tình hình chung, trường nào cũng “thừa thầy, thiếu trò”. Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó, các thầy cô trong trường đã đồng loạt làm đơn đệ trình lên cấp trên kêu cứu.
Trong lá đơn kêu cứu, Hội đồng Sư phạm nhà trường có đoạn tâm sự: “… Nếu như không có sự  “tồn tại” của ngôi trường này, lòng yêu nghề của những thầy giáo, cô giáo tâm huyết thì liệu hơn 2.000 em học sinh sẽ đi về đâu, cuộc đời của các em sẽ như thế nào khi bị “đẩy” ra ngoài xã hội với tuổi đời còn non trẻ. Nhờ có ngôi trường này, nhờ phương pháp dạy “bớt lời, nới tay”, nhờ những thầy cô như người mẹ, người cha, thậm chí là người anh, người chị, người bạn để các em được sẻ chia, tâm sự, từ đó tạo động lực để các em “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Đơn thư kêu cứu của nhà trường
Lương thầy cô 300.000 đồng/tháng
Tuy nhiên, đời sống kinh tế của  các thầy cô giáo nơi đây cũng là điều đáng suy ngẫm. Nhiều thầy cô giáo bám trường, bám lớp cả chục năm nhưng lương mỗi tháng chỉ nhận không quá 1 triệu đồng, thậm chí có người dạy 2 năm rồi những mỗi tháng nhận không quá 300.000 đồng.
Nhiều thầy cô khác có hoàn cảnh hết sức khó khăn, chỉ trông chờ vào đồng lương đi dạy để nuôi vợ con. Thầy Ngọc Trung là một điển hình. Là giáo viên biên chế cả chục năm trời nhưng nay tình cảnh khó khăn, thầy phải “cầm mũi chịu sào”. Cả trường giờ chỉ có mình thầy dạy môn Toán cả 3 khối, hết sức vất vả. Mỗi ngày phải soạn giáo án của 3 khối lớp nhưng đồng lương tiền dạy theo giờ mỗi tháng nhận không quá 1.500.000 đồng, phải nuôi vợ và con thơ dại hết sức khó khăn, ngoài ra không nhận thêm một khoản nào. 
Ngoài thời gian đứng trên bục giảng, các thầy cô giáo phải mưu sinh kiếm thêm để lo trang trải cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Trong khi đó, đa phần đội ngũ giáo viên đều không phải dân bản địa, nhiều người sáng dậy sớm lặn lội từ Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, cả 20 - 30km để lên lớp. Thầy Viết Ánh phải phụ mẹ ngoài chợ sau giờ dạy, cô Thu phải kinh doanh nhỏ lẻ ở nhà, cô Phương tranh thủ bán thêm cửa hàng ngoài chợ… Mỗi thầy cô tự ứng  biến trong mọi hoàn cảnh để mà tồn tại, thích nghi.
Lương đã thấp, mọi khoản chi phí, phụ cấp công vụ, sáng kiến kinh nghiệm hay thậm chí học nâng cao trình độ đều phải làm “từ thiện” theo đúng nghĩa, thậm chí tự bỏ tiền túi ra. Đơn cử như tiền kiêm nhiệm bộ môn, công tác đoàn phải làm vì tình yêu nghề. Nhà trường dù thấu hiểu những khó khăn chung của giáo viên nhưng cũng “lực bất tòng tâm”.  Và dường như nhiều giáo viên thấu hiểu được điều đó.
So với sự “hy sinh” của những thầy giáo, cô giáo cắm bản, ngoài biên cương, hải đảo phải ngày đêm trèo đèo, lội suối, trụ vững để theo đuổi nghiệp trồng người thì chả sá gì, nhưng ở đồng bằng, thành thị thì “một trời, một vực”.
Cần một “đặc ân”!
Hiện nay, trường chỉ có 29 học sinh của 2 khối lớp. Trong khi đó, trên chục người cùng “san sẻ bát cơm” để tồn tại qua ngày. Nhiều người như Hiệu trưởng mức lương cũng chỉ không quá 1 triệu/tháng. Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của trường. Các chức vụ chủ chốt như đoàn thanh niên, công đoàn, nữ công, tổ trưởng chuyên môn đều đúng nghĩa là cống hiến vì niềm đam mê. Tỉnh cảnh thật thảm thương!
Với tinh thần “còn trò là còn thầy, là còn lớp”, năm học 2014-2015, nhà trường vẫn tiếp tục tuyển sinh đầu vào lớp 10 với nhiều chính sách “ưu đãi” như miễn học phí cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công cách mạng, có học lực giỏi… nhưng xem ra cũng hết sức mong manh.
“Vẫn biết khó khăn nhưng nhà trường quyết tâm không bỏ trường, bỏ lớp, bỏ học sinh. Còn học sinh là còn duy trì trường lớp. Đó là chủ trương nhà trường đặt ra. Nhưng vẫn mong sao năm học này, các cấp, ban ngành quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh đầu vào của nhà trường, làm sao để trường không phải bị “khai tử” là nỗi niềm đau đáu của hàng chục con người như chúng tôi. Mong sao các quý cấp quan tâm.” – ông Võ Ngọc Hoàng, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường trăn trở.

Đọc thêm