Ngược dòng nước mắt khi bị coi là 'đu đủ đực'

(PLVN) - “Đu đủ đực”, “cây độc không trái, người độc không con”, đó là cụm  từ đầy cay nghiệt mà người đời dùng để nói về những người phụ nữ không thể có con. Không thể thực hiện thiên chức làm mẹ đã là nỗi đau lớn, lại còn bị gia đình chồng, người đời gièm pha, chát chúa, nỗi đau ấy tăng lên gấp bội. Gánh trên người “bản án” vô sinh, có những người thậm chí còn bị đuổi khỏi nhà chồng đầy tủi nhục.
Nỗi đau đớn, tủi nhục của phụ nữ vô sinh. (Ảnh minh họa)
Nỗi đau đớn, tủi nhục của phụ nữ vô sinh. (Ảnh minh họa)

“Bản án gái độc” từ trên trời giáng xuống

Mang thai và làm mẹ là thiên chức thiêng liêng cũng như niềm hạnh phúc vô bờ với người phụ nữ. Nhưng không phải ai cũng may mắn được thực hiện điều này. Có những người mang trong mình căn bệnh quái ác khiến hành trình tìm con của họ trở nên vất vả, bế tắc.

Vô sinh - vì bất cứ lí do gì cũng khiến người phụ nữ đau đớn. Nhiều người không dám lấy chồng dù luôn khao khát yêu đương. Có người lấy chồng rồi thì lại luôn bị ám ảnh, dằn vặt bởi những áp lực từ gia đình, họ hàng, xã hội… thậm chí từ chính người bạn đời của mình.

Nhìn những người mẹ đèo con đi ngoài đường cười đùa âu yếm, nước mắt chị Phạm Nhàn (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) lại tuôn rơi. Lấy chồng là con trai duy nhất trong nhà, gia đình chồng lại khá giả, có cửa hàng kinh doanh điện lạnh to nhất nhì phố, ai cũng bảo chị tốt số. Khi mới về nhà chồng, chị được bố mẹ chồng quý mến bởi tính nết na, công việc ổn định tại một trường tư thục.

Sau hơn một năm ở nhà chồng hạnh phúc với những chuyến đi chơi cuối tuần, những ngày nghỉ phép đầy vui vẻ cùng đại gia đình. Bước sang năm thứ 2 cuộc hôn nhân, thấy chị mãi không mang bầu, mẹ chồng chị ướm lời hỏi han rồi chuyển sang giục giã. Bởi anh là con một, lại là cháu đích tôn của dòng họ có tiếng ở Hà Nội, việc có con nối dõi tông đường phải tiến hành khẩn trương.

Nghĩ vợ chồng son thế là đủ, chị Nhàn bàn với chồng sẵn sàng có em bé trong năm thứ 2 đó. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, năm hết, Tết đến mà chị vẫn không thấy đổi khác. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị và chồng đi khám. Tại phòng khám Bệnh viện Phụ sản, cầm kết quả trong tay, chị khuỵu ngã trong tay chồng. Chồng chị cũng thất thần khi được biết chị bị mắc bệnh đa nang buồng trứng, rất khó có con.

Về nhà giấu nỗi buồn để bố mẹ chồng không biết, chồng chị động viên vợ tìm cách chữa trị. Dù giấu tới đâu thì thời gian sau, bố mẹ chồng chị cũng biết chuyện. Tình cảm của ông, nhất là bà thay đổi 180 độ. Cứ mỗi lần con dâu đi làm về bà lại lườm nguýt rồi lại đay nghiến: “Tưởng cô khỏe mạnh dễ sinh con đàn cháu đống, tôi mới cho cô bước vào nhà này. Hóa ra cô lại là “cá rô đực”. Không biết gia đình tôi ăn ở thất đức thế nào mà lại vớ phải cô!”. 

Có lẽ do buồn bã, quá áp lực, dù uống thuốc, chữa trị đầy đủ nhưng bệnh tình chị không tiến triển suốt hàng năm trời. Sau ba năm không thấy con dâu mang thai, bà mẹ chồng sổ toẹt: “Tiền chữa trị của cô như gió vào nhà trống í. Kiểu này, gia đình tôi có nước bán nhà đi ra đê ở. Cô xem, mình có ăn, có học, biết phải làm gì?” Giọng bà rít lên khiến chị rùng mình kinh sợ. Quá tủi phận, ngay đêm đó, chị viết lá đơn li dị ký sẵn tên, nuốt nỗi đau kéo va li ra khỏi nhà khi chồng giữ lại một cách yếu ớt.

Cũng như chị Nhàn, chị Minh Lệ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với gương mặt chất chứa niềm u uất. Lấy chồng suốt 2 năm trời, chị vẫn không cho anh được mụn con. Từng ngày qua đi là từng ngày nặng nề, đau đớn của chị. Khi biết mình không thể có con chị sốc thực sự. Chị Lệ không còn tâm trí làm bất cứ việc gì. Đã vậy chị bị chính người chồng, bố mẹ chồng mắng nhiếc, họ hàng, dân làng đàm tiếu. xúi giục chồng: “Con này độc lắm, tránh xa nó ra”, “Mái không đẻ thì đổi mái đi!”.

Từng lời, từng lời họ nói như ngàn mũi dao, mũi kim đâm vào tim chị. Bị “tra tấn tinh thần”, chị Lệ bị trầm cảm nặng. Thấy thế, chồng và gia đình chồng lấy cớ “đã không đẻ được, thần kinh lại có vấn đề” đã gọi thông gia sang nhà trao trả con gái để kiếm cô vợ khác cho con trai.

Ước mơ mang bầu sinh con là mơ ước không bao giờ thành hiện thực của người phụ nữ bị vô sinh
 Ước mơ mang bầu sinh con là mơ ước không bao giờ thành hiện thực của người phụ nữ bị vô sinh

Có một thực tế, dù thời đại 4.0, tư tưởng có con nỗi dõi tông đường đã thoáng hơn những năm của thế kỷ XX về trước, nhưng vẫn có không ít gia đình vẫn cổ hủ, nặng nề việc “nhà không con là nhà vô phúc”, “vợ không sinh con là mang tội lớn với nhà chồng”. Tư tưởng đó đã “giết chết” tinh thần người phụ nữ thiệt thòi, “giết chết” mái ấm gia đình khi tình cảm, bản lĩnh người chồng dành cho không đủ lớn để yêu thương, bảo vệ vợ và thoát khỏi suy nghĩ “nhà không con là nhà vô phúc”.

Nhiều gia đình đã dẫn tới cảnh chia ly, đổ vỡ vì không vượt qua thị phi người đời. Cũng có người phụ nữ tự ti với bệnh tật của mình đã nhắm mắt làm ngơ cho chồng bồ bịch khắp nơi để “phối giống” và ngậm đắng, nuốt cay nuôi những đứa con mà chồng bế về. Lại có người vợ bị chính cô bồ của chồng nhắn khiêu khích: “Bố mẹ mày không dạy mày cách đẻ à? Làm không được thì để tao. Tao đẻ, mày nuôi. Sướng thế còn gì!”.

Không sinh được con, hơn 1 triệu phụ nữ có nguy cơ đổ vỡ hôn nhân

Hiếm muộn – một căn bệnh phụ khoa khiến biết bao người phụ nữ lo sợ. Hiện nay, trường hợp các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng tăng cao do điều kiện sống ô nhiễm, bệnh tật ngày càng phát triển với những biến chứng phức tạp. Theo các bác sĩ phụ sản, ở nữ giới, các nguyên nhân thường gặp nhất là các vấn đề liên quan đến hiếm muộn con đó là: tắt ống dẫn trứng, nghẽn ống dẫn trứng, ứ dịch tai dồi…

Ngoài ra, các bệnh lý u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng… cũng là những nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Các bệnh lý phụ khoa dẫn là một trong những nguyên nhâm thầm lặng dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Thống kê trong điều trị vô sinh hiếm muộn cho thấy một số ít nguyên nhân đến từ các bất thường ở đường sinh dục như không có âm đạo, không có tử cung - cổ tử cung, dính tử cung do viêm, cắt tử cung,…

Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.

Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 tuổi đến 49 tuổi) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8% (50% số cặp vợ chồng vô sinh ở tuổi dưới 30).

Số liệu 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở Việt Nam đối mặt với vấn đề hiếm muộn, vô sinh tương đương trên một triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị. Với quan niệm cuộc sống viên mãn khi gia đình đủ đầy con cái của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vô sinh, hiếm muộn ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân gia đình và đời sống vợ chồng. Không thực hiện được thiên chức làm mẹ khiến hôn nhân của hơn 1 triệu phụ nữ có nguy cơ đổ vỡ.

Bà Hồng Nga (Trung tâm tư vấn gia đình Hà Thành) đưa ra lời khuyên, về mặt tâm lý, trước một cú sốc, người ta có khuynh hướng chối bỏ nó như một cách phòng vệ tự nhiên. Nhưng càng chối bỏ, lại càng có khả năng khoét sâu thêm sự tổn thương, dồn nén và đưa vấn đề vào bế tắc.

Không phải cặp vợ chồng nào cũng hiểu được rằng tình cảm mà họ dày công gây dựng qua năm tháng là tài sản vô cùng quý giá để có thể sống với nhau hạnh phúc, dựa trên nhiều niềm vui khác từ gia đình, xã hội, công việc… mà không nhất thiết phải có con.

Nhiều khi, cuộc sống bộn bề làm người ta lãng quên những giây phút hạnh phúc trong tình yêu thuở nào, những cử chỉ yêu thương, âu yếm. Vì thế, những cặp vợ chồng thiếu may mắn này càng cần hâm nóng tình cảm, có sự cảm thông, chia sẻ, tìm niềm vui chung.

Nếu vẫn khao khát làm cha, làm mẹ, những cặp vợ chồng có thể xin những đứa con nuôi thơ ngây, vô tội, đáng yêu ở trong những mái ấm xã hội hay ở dòng tộc. Các con trẻ rất cần có hơi ấm, vòng tay gia đình nhất là người mẹ che chở, nuôi nấng…

Đọc thêm