Phong trào vận động hiến giác mạc ở Cồn Thoi – Kim Sơn – Ninh Bình có kết quả như ngày hôm nay một phần công lao lớn của ông Nguyễn Đình Tú (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi). Đến nhà ông tại xóm 6, xã Cồn Thoi, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ về sự nhanh nhạy, hết lòng vì cộng đồng của người bác sỹ đã ở cái tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”.
Nghĩa cử cao đẹp
Ông Nguyễn Đình Tú có mặt trong buổi “Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc” không chỉ với tư cách là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, Kim Sơn, một người đi đầu trong công tác vận động phong trào mà còn với tư cách khác, đó là người thân của một trong những người đầu tiên hiến giác mạc. Chị Nguyễn Thị Lan (con gái thứ của ông Tú) là người thứ 12 hiến giác mạc.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tú không giấu được niềm tự hào. Bây giờ khi nhắc đến chị Lan, ông đã có thể vui vẻ kể về người con gái 33 năm mang trong mình bệnh tim bẩm sinh và ước nguyện cuối đời. Là một bác sĩ lâu năm trong nghề nhưng ông cũng không thể mang lại một cuộc sống bình thường nhất cho con gái mình.
Những cơn đau hàng ngày vẫn hành hạ tấm thân gầy của người con gái bất hạnh làm ông rất đau lòng. Ông đã đưa người con gái duy nhất đi khắp các bệnh viện ở Bắc, Trung, Nam, cũng được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng như ông nói, thời đó phương tiện và thuốc men chưa hiện đại như bây giờ nên ông cũng chỉ cố để kéo dài ngày tháng sống cho con mình mà thôi.
Ông Nguyễn Đình Tú với tấm bằng “Sống mãi tuổi 20”. |
Ở tuổi 76, dù lưng không còn thẳng, dù mái tóc chỉ còn vài sợi “xanh” nhưng giọng nói của ông vẫn còn dõng dạc, quyết đoán lắm. Căn nhà 2 tầng của ông bà giờ chỉ còn hai bóng già ra vào mỗi ngày. Sau khi nghỉ hưu, ông về Cồn Thoi phụ trách Trạm Y tế xã trong 4 năm, vực dậy vấn đề y tế cơ sở. Sau những cống hiến cho chuyên môn, năm 2001 ông bắt đầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi. Thấm thoắt cũng đã 13 năm ông gắn bó với công tác y tế cơ sở này. Người con trai cả của ông cũng là bác sỹ đang làm việc tại Bệnh viện Kim Sơn, tiếp nối những khát khao đem lại sức khỏe cho nhân dân.
Cả cuộc đời ông đều gắn bó với ngành y. Với người con gái duy nhất, ông cũng đồng ý để chị hiến giác mạc, đem ánh sáng đến cho hai người khác. Vợ chồng ông bà cũng đều đã đăng ký hiến giác mạc khi qua đời. Với ông, ngành y đâu phải là cái nghề đơn thuần, nó là cả cuộc đời ông rồi.
Đấu tranh chống quan niệm lạc hậu
Khi nhắc đến phong trào vận động hiến giác mạc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ lại giở cuốn sổ chép tay ra. Tất thảy những ca hiến giác mạc ở xã được ông ghi lại tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ như tên, tuổi, địa chỉ, ngày mất. Tôi ngạc nhiên hơn nữa về sự minh mẫn và trí nhớ của ông. Chỉ cần nhắc đến hiến giác mạc là ông đọc vanh vách mọi thông tin, đến tên họ đầy đủ của những gia đình người thân, cả những trường hợp là người trong một nhà.
Kể cho chúng tôi về những ngày đầu đi vận động bà con ở Cồn Thoi hiến giác mạc, ông vui vẻ nói: “Dân vận không khéo là dân giận, mà dân giận là không được việc rồi”. Ông hóm hỉnh kể: “Ngày mới đi vận động, bà con vẫn gọi chúng tôi là hội… móc mắt”. Nghe đến thôi, tôi cũng giật mình, ông cười to nói tiếp: “Nhưng làm dân vận là phải kiên trì, bà con chưa hiểu thì người ta hay suy đoán, dân vận với dân giận cùng một vần mà”.
Ông Nguyễn Đình Tú hăng hái kể chuyện cho chúng tôi về công việc của ông, về những người ông đã khuyên nhủ, vận động họ hiến giác mạc để giúp đỡ những người bất hạnh, những người mắc bệnh liên quan đến giác mạc. Trong số 72 người đã hiến giác mạc ở Cồn Thoi thì dường như ông không bỏ quên ai, ông nắm rõ từng người một, gia cảnh như thế nào bởi ông luôn tâm niệm: “Mình làm việc phải có trước, có sau, không phải họ hiến xong là quên luôn mà phải quan tâm đến họ vì việc làm của họ là nghĩa cử thật sự đáng được tôn vinh”.
Ông kể cho chúng tôi nghe việc khuyên giải bà con xóa bỏ quan niệm “người chết toàn thây” ban đầu thật khó khăn. Có người đã từng hỏi ông, khi đồng ý để ngân hàng mắt lấy giác mạc của chị Lan thì để chị ấy thành “ma mù” à? Ông gạt phắt đi, đó không chỉ là tâm nguyện cuối đời của chị, nó còn là niềm tự hào đem ánh sáng đến cho người khác của cả gia đình ông.
Xã Cồn Thoi hiện có 357 người đăng ký, với ông, một người đăng ký hiến cho đến khi Ngân hàng mắt lấy giác mạc người đã khuất thành công là con đường xa lắm. Đã có không ít trường hợp thất bại dù người ra đi đã đăng ký hiến.
Ở cái tuổi đáng ra được an nhàn mà có những ngày ông vẫn một mình đi xe máy gần 50 km lên thành phố Ninh Bình để dự họp, hội thảo về hiến giác mạc. Điều này thực sự làm chúng tôi nể phục, ngưỡng vọng khát khao đem ánh sáng đến cho những người kém may mắn của ông.
Trước khi chúng tôi ra về, ông Tú còn khoe với chúng tôi 2 tấm bằng ghi nhận công lao trong công tác tình nguyện tỉnh Ninh Bình tặng vợ chồng ông. “Sống mãi tuổi 20”, có lẽ đó là những điều ngắn gọn để nói về tinh thần làm việc thiện của người bác sỹ già ấy.