Người chốn Hoàng cung bồi hồi nhớ Tết xưa

(PLO) - Khi chốn lầu son thành di tích, vua chúa, hoàng tử, thái hậu là lịch sử thì ngồi trong phủ Kiên Thái Vương (số 179 đường Phan Đình Phùng, TP Huế) cung nữ qua hai đời vua Khải Định và Bảo Đại vẫn tưởng như hôm qua khi bồi hồi nhớ lại Tết xưa ở kinh thành...

Bà Dinh hàng ngày vẫn lo hương khói trên bàn thờ các vị vua.
Bà Dinh hàng ngày vẫn lo hương khói trên bàn thờ các vị vua.
Xem Vua cúng giao thừa
Dù đã bước sang tuổi 95 nhưng bà Lê Thị Dinh - cháu ngoại của Quận công Ưng Quyến (em trai ba vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh - NV) vẫn nhớ rõ những ngày được vào cung phục vụ và vô số chuyện bà được tận mắt nhìn, nghe thấy mỗi khi Hoàng cung diễn ra nghi lễ. Dù đã gần trăm năm, Đại Nội đã nhiều rêu phong, cung nữ Lê Thị Dinh giờ đã thành một bà lão song hình ảnh và không khí về những cái tết đầu tiên trong kinh thành vẫn rõ mồn một trong trí nhớ của bà. 
Nhấp một ngụm chè xanh nóng hôi hổi do con dâu mang tới, bà chậm rãi kể: “Không khí trước Tết trong Hoàng cung vô cùng nhộn nhịp. Các cung điện, kỳ đài, cửa kinh thành đều treo cờ. Vào đêm 30, không khí cung cấm rất tôn nghiêm nhưng rộn ràng, ấm cúng. Những cung nữ hiếm khi được về nhà, có cảm giác được sống trong không khí gia đình. Lúc này, hương đèn, hoa trái, mứt bánh được trang trọng bày lên nơi thờ tự các vua, chúa đời trước ở Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu và Triệu miếu. Mứt bánh cúng nhiều, nên tui và vài cung nữ nữa phải chuẩn bị từ mấy tháng trước tết. Làm món chi cũng phải đẹp, tinh xảo nên rất kỳ công…”.

 Bà Dinh nói, cũng giống như cuộc sống ngoài nội cung, món mứt gừng là cái hồn không thể thiếu trong ba ngày tết ở chốn hoàng cung. Nhưng so với “ngoài dân gian”, món mứt gừng trong cung khác biệt ở chỗ, cung nữ không xắt gừng thành từng lát mỏng mà để nguyên cả củ, dùng kim thợ may tỉ mẩn xăm, ngâm và rất nhiều công đoạn khác, để đến khi lên đĩa, dù vẫn nguyên củ nhưng độ cay nồng lại dịu nhẹ, tinh tế. 

Ngoài mứt gừng, trong cung ngày tết có đủ các loại mứt, bánh in làm từ nguyên liệu dân dã như bí đao, hạt sen, quất... tất cả những nguyên liệu này được chọn lọc từ những vùng quê lân cận như Thủy Biều, Thủy Dương, Phú Mậu… Rồi thì bánh chưng, bánh tét - hai vật phẩm dâng cúng không thể thiếu, bởi theo quan niệm của các vua, bánh chưng là loại bánh truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên… Bao giờ mâm cỗ mứt, bánh cũng được bày biện xong trước thời khắc giao thừa thiêng linh, kịp để vua đến kính cẩn quỳ lạy, làm lễ, thắp hương dâng lên tiên tổ.

Pháo hoa cả giờ đồng hồ ở Đại Nội

Sau lễ cúng giao thừa thành kính, không gian Đại Nội và cả Kinh thành Huế  bừng lên bởi một trời pháo hoa lộng lẫy, kéo dài cả giờ đồng hồ. “Ngày xưa, thợ làm pháo hoa răng mà giỏi, bắn lên con rồng, con phụng, cờ bay phấp phới, khéo lắm”, mắt bà Dinh lấp lánh cảm xúc. Thời đó, dân chúng tập trung tại Ngọ môn vào thời khắc chuyển giao để ngắm pháo hoa, và coi đó như một đại tiệc hân hoan trời đất, rạo rực lòng người.

 
Đúng 5 giờ sáng mùng một Tết, khi các mâm cỗ thịnh soạn cùng vô số món  ăn từ sơn hào, hải vị như bồ câu hầm, chả, nem… đến dân dã bình thường như rau củ (được chế biến bởi những đầu bếp tài hoa) đã bày biện tươm tất tại các miếu, vua lại khăn áo chỉnh tề, lần lượt đến thắp hương, mời tổ tiên mâm cơm ngày thiêng đầu năm. Vua hành lễ trong miếu, ngoài sân, các quan đại thần kính cẩn quỳ lạy, không khí rất tôn nghiêm. Lúc hạ cỗ, tất cả các món ăn được chia, gánh ra ngoài thành, ban phát cho các quan ở lục bộ. 
“Vào đúng 7h sáng mùng Một Tết, trong Hoàng cung cử hành lễ thiết triều tại điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng của vua. Các triều thần mặc lễ phục hội tụ về, đứng theo thứ tự lần lượt từ quan nhất phẩm trở xuống. Đội nhạc của Cung đình đứng hầu. Khi vua đội mũ cửu long, người mặc hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi trên ngai vàng, ở Ngọ môn nổi lên 3 hồi trống cùng tiếng súng Thần công nổ vang trời. Tiếp đến, đội nhạc tấu bài Lý bình, các quan cùng dâng những tờ hạ biểu (viết lời chúc phúc) và lạy đủ 5 lạy rồi đồng thanh tung hô: “Chúng thần cầu Chúa thượng vạn tuế, vạn tuế”. Nghi lễ hết sức tôn nghiêm”, bà Dinh kể.

Bữa tiệc diễn ra trưa mùng Một Tết là thời khắc những người trong Hoàng gia,  các quan trong triều nôn nao chờ đợi nhất. Với họ, ý nghĩa bữa tiệc không chỉ là được thưởng thức các món ăn ngon, lạ, vương giả mà được hưởng ân huệ vua ban. Theo bà Dinh, vua Khải Định vốn tính nghiêm nghị nên trong bữa tiệc thết đãi quần thần, vợ và con cũng không được ngồi cùng mâm với Ngài. Mâm của hoàng thái hậu, của vua, của hoàng hậu, hoàng tử… các đại thần đều riêng biệt. Nhưng đến đời vua Bảo Đại, do ảnh hưởng văn hóa phương Tây, bữa tiệc thết đãi trưa mùng Một tết cũng là bữa cơm quây quần của Ngài cùng mẹ, vợ và các con. 

Đặc biệt, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường ăn đồ tây nên đầu bếp của nhà vua cũng phải giỏi nấu món ăn Tây. Điều mà bà Dinh tâm đắc nhất là vua Bảo Đại dù quen lối sống phương Tây nhưng các lễ cúng trong cung được vua thể hiện rất trang trọng, đặc biệt là lễ vật cúng phải hội đủ các yếu tố tượng trưng cho từng vùng miền. 

Cung nữ hương hiếu cho 5 vị tiên đế 
Ngưng chuyện Tết trong cung, bà Dinh lại nhìn bàn thờ với những tàn hương đang cháy dở. “Tui sinh ra trong dòng họ có 4 ông vua, 1 ông hoàng, vậy mà giờ chỉ còn một mình tui sớm hôm trông nom, săn sóc, khói nhang cho các ngài, cháu thấy có cô quạnh không…?”, cựu cung nữ một thời ngậm ngùi nói. 

Kiên Thái Vương là phủ duy nhất ở Cố đô nằm ngoài Hoàng thành có đặt bàn thờ của: Khải Định, Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và tới năm 1997 thì thêm bàn thờ vua Bảo Đại. Số phận của 5 vị hoàng đế nay nhắc lại thấy thương cảm bởi cháu ngoại chẳng còn ai, đằng nội thì sang nước ngoài hết sạch nên bà Dinh tự biết bổn phận của mình phải dốc lòng hiếu thảo dù sức lực cũng đang ngày một cạn kiệt. 

“Khổ thân các ngài. Cứ mỗi lần đến ngày giỗ chỉ mỗi thân già này lo bày biện, sắp xếp lễ vật, tuy không đủ đầy như ngày trước nhưng cũng làm ấm lòng tiên tổ. Nếu các ngài linh thiêng thì cũng hiểu mà thông cảm cho tui thôi”, bà Dinh nói trong thở dài và có phần day dứt.

Đọc thêm