Người chuyên hóa giải khúc mắc vợ chồng

(PLO) - Nhiệt tình, tận tâm, luôn đặt việc chung và sự bình yên của khu phố lên trước, ông Nguyễn Hữu Lực ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rất được bà con nể phục bởi nhiều “ca” hòa giải thành công.
Người chuyên hóa giải khúc mắc vợ chồng

Năm nay đã ở tuổi 60 nhưng sự tận tình và nhiệt huyết với công việc chung của ông Lực thì chưa bao giờ vơi. Cách nói chuyện hồn hậu, nhẹ nhàng của ông khiến nhiều người dân tin tưởng, kính trọng. Trong ngôi nhà nhỏ ở số 35 ngõ 1 Trần Phú có nhiều cuốn sách luật, sách tham khảo, đó là “công cụ” nghiên cứu giúp ông Lực có thêm kiến thức phục vụ công tác hòa giải và nhiều công việc khác tại địa phương.

Ông Lộc từng là người chiến sỹ khoác trên mình màu áo lính. Năm 2008 ông về nghỉ hưu tại địa phương, qua tham gia sinh hoạt và có uy tín, năm 2009 ông được bầu làm Trưởng khu HC11, phường Liên Bảo; Tổ trưởng tổ hòa giải... Từ đó trở đi, với sự nhiệt tâm, hết mình, ông được bầu tham gia rất nhiều công việc tại cơ sở. 

Có nhiều người đã từng hỏi vì sao một người không học luật, cũng chẳng phải là giáo viên lại có khả năng thuyết phục, giảng giải để hàn gắn biết bao gia đình có nguy cơ tan vỡ, nhiều xích mích khó làm hòa?. Ông Lực cho biết: “Tôi là người đứng ở giữa những vụ tranh chấp, đánh nhau, ly hôn, tôi phải tỉnh táo. Hơn thế nữa, chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ mà phải hiểu biết pháp luật. Bởi thế, tôi phải mày mò, tìm đọc, bồi dưỡng thêm cho mình kiến thức. Có vậy người dân mới nghe, công việc hòa giải mới hiệu quả”.

Ông Lực tâm sự, gần 10 năm tham gia công tác hòa giải ở khu, ông đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc mâu thuẫn, nhưng có một việc mà đến giờ nhắc lại ông vẫn thấy tự hào và tâm đắc. Đó là một cặp vợ chồng cãi vã, đánh nhau dẫn đến việc người chồng định đốt nhà. Nhưng ông và tổ hòa giải đã kịp thời can thiệp, phân tích những điểm đúng, sai. Nhờ những phân tích mềm dẻo, xác thực, ông Lực đã khiến cả hai mềm lòng, không căng thẳng và giờ sống hạnh phúc. 

Ông chia sẻ, cái khó trong công tác hòa giải là người dân trong khu phố từ nhiều nơi chuyển đến, nhận thức, hiểu biết có nhiều điểm không tương đồng. Nên khi thực hiện các vụ hoà giải các bên đều cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm và không bên nào chịu nhận lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy nếu tổ hoà giải nắm rõ các quy định của pháp luật vừa vận dụng tình cảm thuyết phục, tình làng nghĩa xóm để khuyên nhủ vừa phân tích cái đúng, cái sai, cái thiệt, cái hơn cũng như đọc các điều khoản quy định của pháp luật về việc đó cho họ nghe thì sẽ giúp họ đi đến thoả thuận.

Ông nói rằng càng gắn bó lâu với nghề ông càng thấy yêu nó hơn và cũng trăn trở hơn vì ông thấy xã hội càng phát triển mâu thuẫn phát sinh càng nhiều, hàng ngày ông chứng kiến cảnh tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn từ những điều nhỏ nhặt ở thôn, xóm… ông càng nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa trong công việc để đem bình yên đến với xóm làng. Ngồi nghe ông Lực nói tôi có cảm nhận việc hoà giải đã ăn sâu vào con người ông, gắn bó với ông, mọi kinh nghiệm tâm huyết đều xuất phát từ lòng yêu công việc và con người.

Với cương vị là người làm công tác cơ sở, ở sát dân nhất, ông Lực là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phần thưởng cho những đóng góp của ông là UBND phường Liên Bảo đã trao tặng nhiều giấy khen. Song với ông, nguồn động viên lớn nhất là sự ủng hộ từ gia đình, sự quý mến của hàng xóm và nhiều gia đình được bình yên, khu phố đoàn kết, thân tình, văn hóa.

Đọc thêm