Đó là lời chia sẻ của anh Đỗ Trọng Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) khi nói về hành trình đầy chông gai đưa hệ thống cáp treo từ châu Âu về với chùa Hương Tích gốc tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xây dựng vào đời Trần, là một trong hai ngôi Chùa Hương nổi tiếng ở Việt Nam, và được mệnh danh là - Hoan Châu đệ nhất danh lam, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên chùa Hương Tích chưa thu hút được đông đảo khách du lịch.
Anh Đỗ Trọng Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) |
Từ khi dự án cáp treo ra đời đã giúp giảm công sức, thời gian cho du khách, thay vì phải leo bộ hàng tiếng đồng hồ, giờ đây du khách có thể thư thả ngắm cảnh trên không trung với một trong những hệ thống Cáp treo hiện đại. Nên du khách tới chùa Hương Tích ngày một đông.
Anh Đỗ Trọng Khoa tâm sự: “Tôi cũng không lý giải được mối lương duyên với vùng đất Phật này, tôi là người Hà Nội gốc, trước đó tôi chưa có ý định đầu tư vào Hà Tĩnh đâu. Tình cờ trong một lần hành hương về với chùa Hương Tích ở Thiên Lộc. Đó là vào năm 2007, chùa Hương Tích với địa thế rất đẹp nhưng lượng người đi chùa ở đây không nhiều so với chùa Hương ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay) trong khi đó đây được xác định là chùa Hương Tích gốc với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử”.
Anh Khoa chia sẻ thêm: “Lần hành hương đó tôi được gặp lãnh đạo địa phương như anh Phan Duy Đường - Bí thư Huyện ủy; anh Bùi Đức Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc. Qua tâm sự các anh ấy cho biết địa phương cũng kêu gọi nhiều nhưng chưa có doanh nghiệp nào về đây đặt chân đầu tư”.
Dù đã đứng chân gần 12 năm trên dãy Ngàn Hống xanh thẳm nghìn trùng, bốn mùa mây phủ nơi có ngôi chùa Hương Tích ẩn mình, giấu trong đó câu chuyện huyền thoại về công chúa ba Diệu Thiện - con vua Trang Vương nương náu tu hành, trở thành Phật Bà Quan Âm Bồ Tát che chở cho chúng sinh qua khỏi bể khổ.
Nhưng nhớ lại những ngày đầu đến khảo sát để đầu tư nếu không có mối lương duyên và với chính tâm hướng về chùa thì cũng khó thực hiện.
Hệ thống cáp treo dài gần 1km tại chùa Hương Tích ở Can Lộc, Hà Tĩnh. |
“Trong 4 năm, từ năm 2008 bắt đầu khảo sát và sau đó một năm tiến hành thi công xây dựng nhưng từ đó đến khi hoàn thành vào cuối năm 2011 thời tiết ở Hà Tĩnh liên tục bão tố và lũ lụt lớn. Tôi nhớ như in đó là vào tháng 10 năm 2010, khi các hạng mục đang đổ dầm cột cáp treo mưa lớn kéo dài hàng tháng trời không tài nào thi công nổi”- anh Khoa nhớ lại.
Ông Bùi Đức Hạnh - nguyên chủ tịch UBND huyện Can Lộc, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: Chùa Hương Tích ở Can Lộc là một trong 28 chùa Hương của cả thế giới, trong đó ở Ấn Độ 22 chùa, Trung Quốc 4 chùa và ở Việt Nam có 2 chùa Hương.
Về thần phả, sự tích, cảnh quan chùa gần như một mô tuýp giống nhau. Ở Việt Nam chùa Hương ở Hà Tĩnh có sớm từ đầu đời nhà Trần còn chùa Hương ở Hà Tây đến đời Lê Thanh Tông mới có, sau chùa Hương ở Hà Tĩnh 300 năm. Chùa Hương ở Can Lộc thờ phật gắn với sự tích nàng chú ba Diệu Thiện là địa chỉ tâm linh rất nổi tiếng cùng với Hoan Châu đệ nhất danh lam (núi Hồng Lĩnh).
Du khách xếp hàng ở nhà ga chờ lên cáp treo tham quan thắng cảnh chùa Hương Tích - Hà Tĩnh |
“Khoảng 20 năm trước Can Lộc đã trung tu vực dậy nét văn hóa tâm linh ngôi chùa này. Đặc biệt mới đây có anh Nguyễn Xuân Ninh ở Hà Nội (quê ở Tân Lộc) đã công đức trung tu đền Hùng Thiên Bảo Điện còn phần đền Trang Vương với 14 hạng mục công trình được gia đình anh Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingoup) tài trợ xây dựng”- ông Hạnh nói.
Ông Hạnh cho biết thêm: “Từ năm 2008, huyện Can Lộc cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng các dịch vụ để phát triển du lịch chùa Hương thành điểm du lịch của tỉnh. Rất may thời điểm đó gặp được anh Khoa người rất tâm huyết đã đầu tư làm cáp treo. Từ đó đã mở ra hướng du lịch tâm linh thưởng ngoạn chùa và dãy núi Hồng Lĩnh kỳ vỹ. Hệ thống cáp treo đã “kéo” được du khách về đây ngày một đông hơn. Quãng đường lên núi gần 1km dốc đứng quá khó khăn đã được giải tỏa cho du khách hành hương lên chùa bằng cáp treo”.
Nói về quá trình làm cáp treo anh Đỗ Trọng Khoa cho biết: Năm 2009, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh đã triển khai xây dựng hệ thống Cabin cáp treo, với tổng kinh phí 150 tỷ đồng. Đến ngày 20.10.2011, hệ thống cáp treo hoàn thành và đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Hệ thống cáp treo Chùa Hương Tích có 2 nhà ga, ga đi đặt cạnh khu vực miếu Cô, ga đến nằm sát ngay chùa, độ cao chênh lệch của ga trên và ga dưới là 290m.
Toàn tuyến cáp treo dài gần 1km với 11 cột trụ, trụ cao nhất dài 42,5m và trụ thấp nhất dài khoảng 10m. Khi đi vào vận hành, cáp treo có vận tốc di chuyển trên tuyến là 5m/s, có tất cả 25 cabin, mỗi cabin có sức chứa 8 người. Hệ thống cáp treo được lựa chọn tại chùa Hương Tích là hệ thống thiết bị đồng bộ của hãng Doppelmayr (Cộng hòa Áo), đạt tiêu chuẩn ISO - 9001 của châu Âu.
Theo lãnh đạo xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, ngày đầu đi cáp treo, nhiều người còn bỡ ngỡ. Những ngày sau quen dần, du khách mới phát hiện ra sự kỳ thú của nó. Thay vì phải 4-5 giờ leo núi, bây giờ lên chùa Hương Tích chỉ mất 4-5 phút, lại được ngồi trên cao ngắm nhìn núi non, sông suối, đặc biệt vào mùa xuân lễ hội cũng là lúc hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Tích.