1. Bây giờ thì khắp địa bàn biên giới Pa ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), cái tên Lò Văn Hiêng - Thượng tá, Đồn trưởng Pa ủ (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu) đã trở nên quá quen thuộc với hầu hết mọi cán bộ và nhân dân trong vùng, nhất là với hơn 3.000 bà con các dân tộc trong xã nghèo Pa ủ...
Để có được mối quan hệ theo đúng nghĩa của câu khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, hơn 10 năm qua, Thượng tá Lò Văn Hiêng đã thực sự không chỉ hòa vào nhân dân mà còn tự mình trở thành một “công dân” của xã Pa Ủ - Một công dân mặc áo biên phòng, ăn cơm biên phòng nhưng suy nghĩ và hành động thì không chỉ dành riêng cho biên phòng mà cả cho nhân dân Pa Ủ trong các dự án điện - đường - trường - trạm, bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ... và nhiều dự án khác đầu tư vào khu vực biên giới Việt - Trung nói chung, địa bàn đồn quản lý nói riêng.
Ông Thàng Phí Xè - bản Mu Chi (xã Pa Ủ) tự hào “khoe” ngôi nhà mới khang trang của mình: “Nhà này là do Ban chỉ huy ĐBP 309 (Pa Ủ) đứng lên kêu gọi, khớp nối các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ kinh phí và phương tiện san ủi, vận chuyển vật liệu, công lao động”...
Cạnh nhà ông Xè, còn gần 40 căn nhà gỗ ngay ngắn và vững chắc, như một minh chứng cụ thể và sinh động nhất cho tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Biên phòng Lai Châu, của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thân ái chung tay giúp đỡ đồng bào dân tộc La Hủ. Mang theo câu chuyện về mấy chục căn nhà “Đại đoàn kết” ở bản Mu Chi, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với Thượng tá Lò Văn Hiêng. Hướng cái nhìn ra rất xa nơi sương chiều đang rụng trắng núi rừng biên cương, viên sỹ quan có thâm niên 32 tuổi quân “nhập đề” thật thú vị bằng chất giọng trầm buồn: ... Theo truyền thuyết, người La Hủ có tên tự gọi là “lá vàng”. Sở dĩ vì hàng ngàn năm qua, tộc người La Hủ có tập quán di cư hết nơi này đến nơi khác trong rừng sâu núi thẳm, nguồn sống chính là săn bắt thú rừng và hái lượm sản vật từ tự nhiên hoang dã. Tới vùng đất mới, “căn nhà” mà cả gia đình tá túc chỉ là cái lán tuềnh toàng lợp bằng lá chuối tươi, khi mái lá úa vàng thì họ lại dời chỗ ở đi nơi khác.
Cứ như thế, cuộc thiên di có từ muôn đời và như một định mệnh đã không cho người La Hủ có một quê hương ổn định. Ngay cả người chết cũng chỉ được bó bằng lá chuối và gác lên ngọn cây cao để đề phòng thú dữ ăn mất xác, rồi cả nhà, cả họ lại tiếp tục bước di cư vô định về “vùng đất hứa mới” mà tuyệt nhiên không biết ngày mai cuộc sống sẽ ra sao, số phận sẽ thế nào?...
2. Từ nguồn lực cốt lõi là Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, trong đó có dân tộc La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đơn vị không chỉ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất, mà còn tích cực vận động, kêu gọi trước hết là CBCS của đồn, sau đó là tất cả những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có điều kiện và có tấm lòng, xin hãy bớt chút chi tiêu giúp đỡ nhân dân La Hủ ở bản Mu Chi cũng như ở xã Pa Ủ và kết quả như mọi người đều thấy.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tỉnh ủy Lai Châu mà trước hết là của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, những năm qua thượng tá Lò Văn Hiêng cùng Ban chỉ huy ĐBP Pa Ủ chỉ đạo đơn vị tập trung đột phá vào việc tham gia các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới của Chính phủ, của tỉnh gắn với triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua. Bên cạnh Đề án bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ, đơn vị còn tham gia tích cực cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân trong địa bàn định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Sau thành công trong việc xây dựng mái ấm cho nhân dân bản Mu Chi, ĐBP Pa Ủ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, ở bản Tân Biên và Hà Xi (xã Pa Ủ) trị giá hơn 2 tỷ đồng tiền vật liệu và hàng chục nghìn ngày công lao động. Làm mới 3 phòng học, đóng 22 bộ bàn ghế cho các cháu học sinh, 1 nhà ở cho giáo viên; 12 nhà tắm, 13 nhà vệ sinh công cộng, 16 vườn rau và 21 giàn bầu bí cho các bản; tu sửa được 4.950km đường giao thông liên thôn, liên xã... Phối hợp với Trường Tiểu học số 1 và 2 xây dựng và bàn giao 6 phòng học, 2 thư viện trị giá trên 400 triệu đồng do Diễn đàn Ôtôfun, Diễn đàn Người tôi cưu mang, Đoàn Thanh niên Dân chính Đảng tỉnh và Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh hỗ trợ...
Tuy nhiên, như quan điểm của Đại tá Phan Hồng Minh – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu - thì kết quả mà tập thể CBCS Đồn 309 (Pa Ủ) giành được không nằm ở những con số khô khan về xây dựng được bao nhiêu nhà ở, lớp học, đường giao thông, mương tưới nước, khám chữa bệnh miễn phí, cấp cây con giống... cho nhân dân địa bàn. Mà cao hơn hết và quan trọng hơn cả, ý nghĩa hơn cả là tạo lập được niềm tin trong nhân dân, xây dựng được mối quan hệ quân - dân bền vững và thực chất, cụ thể như chính những mái nhà, những con đường, những viên thuốc mà CBCS trong đơn vị tự nguyện san sẻ từ đồng lương không nhiều của mình, từ chính khẩu phần ăn hàng ngày của mình để trao tặng nhân dân.
3.Thành công của Chỉ huy ĐBP 309 (Pa Ủ) mà trước hết là phần đóng góp mồ hôi, trí tuệ và cả vật chất của bản thân Thượng tá Lò Văn Hiêng, được xem như một hình mẫu cần nhân rộng trong lực lượng Biên phòng tỉnh. Chúng ta đã và đang thực hiện cuộc vận động “học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thì những suy nghĩ và việc làm của Thượng tá Lò Văn Hiêng chính là dẫn chứng rõ nhất, cụ thể nhất trong nỗ lực học tập và làm theo Bác.
Chính nhờ những nỗ lực “gieo giống” đó của Thượng tá Lò Văn Hiêng và Đảng ủy, Chỉ huy ĐBP 309 (Pa Ủ), hiện nay tất cả các làng bản Đồn phụ trách đều đã có chi bộ hoặc tổ đảng, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể cơ sở từng bước nâng lên. Mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền, giữa chính quyền với với nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng Biên phòng ngày thêm gắn bó và tin cậy nhau hơn. Đương nhiên điều đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, tạo thế trận nhân dân ngay trong những việc làm hàng ngày...