Người Cor còn có tên gọi Co, Trầu, Cùa với địa bàn sinh sống chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, một số sống ở tỉnh Kon Tum. Riêng ở Quảng Nam, người Cor phân bố khá tập trung ở hai xã Trà Kót và Trà Nú, và một số ở xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My); cùng với một số ít hộ sinh sống ở xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước), xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và các xã Tam Sơn, Tam Trà (huyện Núi Thành).
Người Cor ở huyện Bắc Trà My trồng lúa trên rẫy, không có lúa nước, mỗi năm một vụ. Khi gia đình cuối cùng trong nóc đưa lúa lên chòi, là lúc chủ nóc và các già làng định ngày cả nóc sẽ ăn tết giã rạ. Trước Tết giã rạ chừng một tháng, tháng rưỡi, người Cor có lễ cúng cơm mới rồi bắt đầu lên rẫy suốt lúa. Kể từ lễ cúng cơm mới, hễ được con thú rừng nào là người ta luộc chín, phơi hong khô trên bếp, để dành cúng trong lễ giã rạ. Để đón tết giã rạ, người ta phải mất ít nhất chục ngày chuẩn bị. Đàn ông thì cầm vũ khi lên rừng để săn thú, hoặc xuống suối bắt cua cá làm lễ vật. Người ta cũng làm bẫy để bẫy chuột. Vì chuột thường phá lúa nên phải bắt cho được chuột làm lễ vật cúng hồn lúa.
Thiếu nữ Cor hòa nhịp đàn đá bên suối trong ngày hội |
Ngày cận Tết, ông chủ nhà lấy ít lúa chét trên rẫy gói trong lá chuối rừng, một ít đặt trên chòi lúa, một ít mang về nhà, gọi là rước hồn lúa, xoa lên tay, lên đầu từng người trong nhà, nhằm xua đuổi những điều xấu trong năm cũ, cầu mong cho năm mới được may mắn, làm ăn phát đạt rồi đặt gói lúa trên chỗ thờ. Ông đem cơm, cá, nước ra bờ suối làm lễ “xin hồn” cho cả nhà, với lễ thức từng người bốc phép các lễ vật mỗi thứ một ít bỏ lên đầu mình. Ai vắng thì chủ nhà làm thay. Ông chủ nhà thắp đèn sáp ong cúng vái ông bà, xong lại làm lễ xu phol (bắt vía). Phụ nữ thì gói bánh: gạo lúa mới, nếp mới với lá đót, lá lung…
Sáng hôm sau là ngày chính tết. Từ sáng sớm, ông chủ gia đình đứng lâm râm vái gọi hồn các thần và ông bà về dự lễ. Mới khoảng 4 giờ, nhà nhà đều bày biện các lễ vật cúng các vị thần đã phù hộ cho lúa sinh sôi. Lễ vật được bày biện ở mâm, trên các miếng lá chuối rừng. Mỗi mâm đều có một con hoặc nửa con chuột, một miếng bánh a-hlót, một cái bánh a-cót, hai cái bánh a-tốp, một ly nước suối tinh khiết, một ly rượu cần, một ly rượu Do-oát. Mâm giữa cúng các nữ thần chính đặt trong chiếc rá ở giữa, với vật cúng nguyên con, to nhất. Chủ nhà và người con trai cả ngồi trước bàn thờ, un miếng gỗ trầm, thắp nến sáp ong vái cúng…
Các lễ vật cúng trong Tết Xa A - Ní |
Đến khoảng 8 giờ sáng, người ta mới cúng “tươi” cho các nam thần và cúng ông bà. Lễ vật cúng nam thần và ông bà là các vật nuôi trong nhà như heo, gà, vịt. Các vật cúng đều phải qua hai cung đoạn cúng sống và cúng chín. Khi cúng sống heo, người ta buộc con heo đặt ở ngoài sân, chủ lễ bưng cái đik thúp đựng tro với nến sáp ong, miếng trầm, chén gạo, đứng trước con heo vái cúng. Cúng xong chủ lễ bốc ít gạo rắc lên con heo, rứt lông heo bỏ lên đầu và con cháu theo cúng cũng làm như vậy. Xong người ta thọc huyết heo tại chỗ, rồi đưa heo ra sau mổ thịt cúng chín.
Tối đó, các ông chủ nhà trong nóc tụ tập tại nhà chủ nóc để cúng ma ga-ru. Khác với ma xó, ma xấu chuyên rình rập trong các xó xỉnh phá hoại con người, ma ga-ru được coi là ma tốt, cho nên lễ thức này người ta gọi là “cúng đổi ma”. Mỗi người đem theo các loại bánh trái từ nhà mình để góp vào lễ cúng, mỗi thứ ba cái bánh. Nguời ta cũng mang theo các chân gà đến cho các già làng xem điềm báo tốt xấu thế nào trong năm sau. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, chủ nóc sẽ dẫn họ đi đến một nơi đã chọn trước để cúng xin phép thần linh cho làm mùa vụ sau. Cúng xong mọi người kéo nhau về nhà chủ nóc uống rượu phép.
Đến ngày thứ hai, gia đình cúng “ma hàng”, theo tín ngưỡng là ma đã cho phép gia đình làm ăn khá giả để mua sắm hàng trong năm, như các loại chiêng, ché, nồi, áo, lục lạc, cườm.
Ngày thứ ba, người ta tiếp tục cúng đổi ma, lần này theo từng gia đình. Người ta dùng gà, heo cúng sống ở nhà xong, nấu chín đem lên rẫy cúng “đổi ma” trên rẫy. Khi bày biện lễ vật cúng vái xong, người ta la ó, đốt lửa cháy khắp nơi, cầm giáo mác đâm vào bờ bụi để ma xấu sợ mà trốn đi nơi khác, để ma ga-ru đến ở. Mọi người đốt rẫy làm phép, ngày hôm sau mới trỉa bắp, đậu xanh và các cây trồng khác. Người ta tin rằng trong tết giã rạ mà có nhiều khách đến nhà là điều may mắn cho gia đình. Cho nên khách ai đến nóc, đều không thể từ chối sự mời mọc của tất cả các gia đình, phải đi ăn phép ở các nhà. Khi ra về khách còn được chủ nhà cho bánh mang theo.
Có thể nói, Tết giã rạ của người Cor là một nghi thức nông nghiệp theo kiểu ngày hội mùa đặc sắc với mong ước mùa tới sẽ được nhiều lúa thóc hơn. Ở đó người ta vui với vụ lúa mới và chia xẻ với cộng đồng làng nóc và khách khứa niềm vui được mùa. Sau khi ăn tết giã rạ xong, người ta mới được làm các lễ thức khác như lễ ăn trâu, làm đám cưới cho con cháu…