Người cuối cùng nặng lòng với nghề tạc tượng nhà mồ của đồng bào Rơ Măm ở Tây Nguyên

(PLVN) - Nghề tạc tượng nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên nói chung và dân tộc Rơ Măm nói riêng được coi là loại hình nghệ thuật độc đáo. Tạc tượng gỗ nhà mồ đã gắn với đời sống tâm linh của đồng bào Tây Nguyên qua rất nhiều đời. Tuy nhiên, giờ đây ở làng Le, già A Ren được biết đến là người cuối cùng còn lưu giữ nghề tạc tượng gỗ của người Rơ Măm. 
Già A Ren là người cuối cùng còn lưu giữ nghề tạc tượng gỗ nhà mồ của đồng bào Rơ Măm (Ảnh: Dân trí).
Già A Ren là người cuối cùng còn lưu giữ nghề tạc tượng gỗ nhà mồ của đồng bào Rơ Măm (Ảnh: Dân trí).

40 năm “thổi hồn” vào những khúc gỗ

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Rơ Măm ở Việt Nam có dân số 436 người, có mặt tại 7 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Tộc người này cư trú chính tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 110 hộ dân là người Rơ Măm. Người dân Rơ Măm sống lâu đời trên vùng biên giới Mo Rai nên họ rất coi trọng việc thờ cúng những người đã khuất. Trong làng Le, già A Ren (SN 1955) được mệnh danh là người lưu giữ những nét văn hóa tâm linh nhờ nghề tạc tượng nhà mồ. 

“Làng ma” – nghĩa trang trong quan niệm của người Rơ Măm là nơi yên nghỉ cuối cùng của các vị tiền nhân. Đây là vùng đất vô cùng linh thiêng với sự góp mặt của quần thể tượng nhà mồ đa dạng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm hay lễ bỏ mả (lễ Pơ Thi), bà con Rơ Măm lại cùng nhau tu bổ, sửa sang lại phần mộ của cha ông. Trong đó có tạc tượng gỗ nhằm bảo vệ linh hồn cho những người đã khuất. 

Các già làng nói việc tạc tượng đặt ở nhà mồ là xuất phát từ hai truyền thuyết của người bản địa nơi đây. Một truyền thuyết kể rằng ngày xưa các vị tù trưởng giàu mạnh của các dân tộc Tây Nguyên khi chết đều chôn theo người để hầu hạ nhưng đến thời gian sau họ dùng gỗ làm hình nhân thay thế cho người sống.

Còn truyền thuyết khác kể về một cô gái nổi tiếng xinh đẹp, siêng năng lại hát hay, múa khéo nhất vùng nên được rất nhiều chàng trai thầm yêu, trộm nhớ. Nhưng chẳng may cô gái bị mất đột ngột và có một chàng trai vì quá đau buồn nên đã ngồi khóc bên mộ nàng. Sau đó chàng trai chết và hóa thành tượng gỗ ngồi canh giữ và trò chuyện với nàng hằng ngày.

Một ngôi nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên.
Một ngôi nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên.  

Các truyền thuyết trên đều muốn nói lên nỗi niềm thương nhớ người đã mất một cách chân thành mãnh liệt của những người đang sống. Vì vậy mà họ đã tạc những pho tượng để hằng ngày ngồi đó tâm sự cho người thân đỡ buồn và giúp gìn giữ phần mộ sau khi đã làm lễ bỏ mả.

Già A Ren sinh và lớn lên trên mảnh đất làng Le nên am hiểu rất nhiều phong tục tập quán của đồng bào mình. Ông được cha truyền dạy cho nghề tạc tượng nhà mồ để phục vụ cho lễ bỏ mả. “Ngày xưa cha tôi cũng là một trong những người tạc tượng đẹp của làng. Ngay từ nhỏ, tôi đã thường xuyên được nhìn thấy cha cùng các chú trong làng tạc tượng để phục vụ lễ bỏ mả nên bản thân học được nhiều kinh nghiệm”, già A Ren nhớ lại. 

Bằng sự tò mò và hiếu kỳ của một đứa trẻ, già A Ren đã tự đi kiếm gỗ về và tập tạc thử, nhìn thấy niềm đam mê của ông, cha của già A Ren đã hướng dẫn, chỉ bảo với nhiều bí quyết. Dần dần, già A Ren trở thành một người thợ tạc tượng gỗ lành nghề. Sau này khi cha của già A Ren qua đời, người làng vẫn tìm tới nhà ông để đặt tạc tượng gỗ bởi ở làng rất ít người biết làm nghề này. “Ngày trước, trong làng cũng có một người biết tạc giống mình, nhưng người ta về cõi chết rồi nên cả làng Le giờ chỉ còn một mình hành nghề thôi”, già A Ren chia sẻ.

Nỗi lo thất truyền

Cũng như bao nghề khác, nghề tạc tượng cũng có nhiều khó khăn. Muốn làm được một tượng gỗ, người thợ lành nghề cũng phải mất khoảng ba ngày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ thân mềm nhưng mối mọt không ăn được. Tùy trí tưởng tượng của mỗi người, sự khéo léo của đôi bàn tay mà những bức tượng sẽ có thần thái khác nhau. Đối với người Rơ Măm, mỗi khu nhà mồ đều phải có ít nhất bốn pho tượng đứng ở bốn góc và hai bức tượng ở phía ngoài để bảo vệ nhà mồ.

Nghề tạc tượng gỗ nhà mồ xuất hiện trong đời sống của nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên như Ba na, Ê đê, Gia rai, Mnông, Xơ Đăng... Trong số đó, các tượng gỗ nhà mồ của người Rơ Măm được đánh giá không đa dạng và có nhiều hình tượng. Hầu như tượng nhà mồ nào của người Rơ Măm cũng im lìm, khuôn mặt không biểu lộ nhiều cảm xúc. 

Thế nhưng, có một điểm đáng chú ý nhất, trên đầu các tượng nhà mồ là biểu tượng hai ngà voi nhọn vươn lên cao. Theo anh Trần Lâm, đó là biểu tượng thần ngà voi, vật thiêng liêng nhất của người Rơ Măm, gọi là thần Yang Plut. Truyền thuyết người Rơ Măm kể lại, Yang Plút là vật thiêng của làng có cách đây hàng trăm năm. Chuyện rằng, vài trăm năm trước, có một người dân làng dắt chó đi săn trong rừng. Thế nhưng con chó cứ đến một vị trí trong rừng là cả ngày hôm ấy sủa liên tục.

Trên đầu các tượng nhà mồ người Rơ Măm là biểu tượng 2 ngà voi nhọn vươn lên cao (Ảnh: Dân trí).
Trên đầu các tượng nhà mồ người Rơ Măm là biểu tượng 2 ngà voi nhọn vươn lên cao (Ảnh: Dân trí).  

Dân làng vào bụi xem thì thấy có ngà voi và mang về giấu ở rìa làng, rồi với chủ làng ra xem. Chủ làng xem xong thì tối hôm ấy nằm mơ thấy Yang Plút hiện về bảo: “Tao muốn ở lại với làng mày, sẽ phù hộ cho dân làng mày. Có điều muốn rước tao về thì phải cho tao uống máu từ tim con trâu, con dê, con heo, con gà...”.

Ngày hôm sau, chủ làng họp hội đồng già làng lại và làm lễ rước Yang Plút về. Từ đó cho đến bây giờ, cứ đến lễ hội ăn lúa mới (lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm), thì dân làng lại tế thần bằng huyết tim từ trâu, dê, heo, gà và rượu ghè (rượu cần) cầu mong Yang Plút phù hộ cho dân làng cơm no áo ấm, không có tai ương, hỏa hoạn xảy ra với già trẻ dân làng. Và cũng từ đây, ngôi mộ nào ở rừng ma của người Rơ Măm, sau lễ bỏ mả đều có khắc tượng nhà mồ có hình sừng voi ở trên.

Hiện nay, tập tục làm tượng gỗ cho người đã khuất vẫn được đồng bào Rơ Măm duy trì và gìn giữ. Tuy nhiên, ở làng Len giờ không còn ai theo nghề này duy chỉ có mình già A Ren biết tạc tượng. Đây cũng là điều mà già A Ren luôn đau đáu trong nhiều năm qua: “Tôi thì già rồi, một ngày nào đó cũng phải nằm xuống, lúc đó người làng phải đi qua làng khác để thuê người ta tạc tượng, như vậy thì khổ lắm. Thế nhưng ở làng này lớp trẻ cũng không mặn mà với nghề nên mình cũng không truyền dạy được”.

Mang mong muốn gìn giữ nghề cổ truyền này, già A Ren cũng đang hướng dẫn và truyền nghề lại cho hai người cháu. Mặc dù bản thân ông biết hai người cháu cũng không có nhiều đam mê và tâm huyết giành cho nghề nhưng ông vẫn quyết lòng truyền dạy. Bởi theo ông, kiên trì học là sẽ làm được “Học được cái này thì có thêm cái nghề, đồng thời giữ gìn được nghề của cha ông để lại”. 

Không chỉ tạc riêng tượng nhà mồ, già A Ren cũng sáng tạo ra nhiều bức tượng gỗ đặc sắc khắc. Chẳng hạn như bức tượng người con trai và con gái bị trói chặt vào nhau. Bức tượng được tạo nên từ câu chuyện đôi trai gái yêu nhau, lấy nhau có chửa nhưng chưa cưới hỏi. Theo tục làng, đôi trái gái sẽ bị già làng và bà con dân làng phạ một con trâu, một con dê, một con gà, một ghè rượu. Do không có khả năng nộp phạt nên cả hai đã bị dân làng trói chặt trước nhà rông cho đến chết...

Theo già A Ren, người Tây Nguyên thông qua tượng gỗ, có nhiều câu chuyện lý thú và hấp dẫn phản ánh rõ những phong tục, nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra trong làng trước đây được khắc họa trở lại thông qua lời kể của những người già.

Với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm tượng nhà mồ đặc sắc, tạo nên nét riêng biệt của buôn làng Tây Nguyên. Không những thế, ông cũng là người duy nhất vinh dự được đại diện làng Le ra thủ đô Hà Nội tham gia hội nghị chiến sĩ tiêu biểu toàn quốc.

Nghệ thuật tạc tượng nhà mồ của người Tây Nguyên

Theo chu trình dựng nhà mồ, để tiến hành nghi lễ bỏ mả, việc đầu tiên của người chủ hộ là đẽo tượng mồ. Theo kinh nghiệm của nhiều dân tộc Tây Nguyên những cây hương, cây cà-chít có độ tuổi trên 10 năm mới đủ tiêu chuẩn để đẽo tượng vì hai loại cây này phân cành sớm, độ dài của cây nếu chưa đủ tuổi trưởng thành thì không đáp ứng được những yêu cầu của việc đẽo tượng. 

Những cây gỗ được chọn có độ dài hơn hai sải tay (1 sải = 160 cm), đường kính lõi khoảng 30 cm. Đối với người Gia-rai khi đốn cây xong người ta vận chuyển bằng cách dùng trâu kéo cây từ trong rừng về buôn làng. Việc khai thác gỗ để đẽo tượng có kiêng kỵ, nếu đêm ngủ họ mơ thấy nhà cháy, bến nước cạn kiệt thì sáng hôm sau sẽ hoãn lại việc lấy gỗ. Ngay cả trong khi đi vào rừng lấy gỗ nếu gặp rắn bò ngang qua đường thì họ quay về ngay, người ta cho đó là điềm không lành, dễ có chuyện xấu xảy ra.

Gỗ đẽo tượng được kéo về dựng tại nghĩa địa của làng, bên cạnh ngôi nhà mồ sắp bỏ mả, trước khi đẽo tượng mồ, người Gia-rai có cúng thần nhà Rông, thần bến nước. Việc cúng lễ này nhằm xin phép đẽo tượng mồ cho người chết ở trong làng, lễ cúng thường được mổ lợn làm vật hiến sinh. Dụng cụ đẽo tượng hữu hiệu và thông dụng nhất là chiếc rìu. Một loại dụng cụ nữa là cây chà-gạc (loại dao đa năng thông dụng của người Gia-rai) dùng để sửa lại các chi tiết trên mặt tượng.

Hiện nay, phong cách tượng nhà mồ thay đổi, kéo theo những biến đổi về kỹ thuật đẽo tượng. Từ chỗ truyền thống không quan tâm đến thể hiện chi tiết tỷ mỉ, chỉ sử dụng mảng khối trên một thân gỗ cố định, nhiều người đã chuyển sang xu thế hiện đại thiên về tả thực, gọt đẽo các chi tiết (mắt, mũi, miệng, chân, tay). Loại tượng cũng đa dạng hơn trước, không còn mang tính mộc mạc nguyên sơ của kiểu tượng truyền thống.

Tạc tượng dân gian Tây Nguyên chỉ còn lại nhiều nghệ nhân cao tuổi (Ảnh: TTXVN).
Tạc tượng dân gian Tây Nguyên chỉ còn lại nhiều nghệ nhân cao tuổi (Ảnh: TTXVN).  

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, khi quan sát những bức tượng mồ, người xem có thể nhận ra hình thể của từng bức tượng, qua bàn tay của người nghệ nhân. Bằng thủ pháp dùng mảng khối, những nghệ nhân chỉ phác hoạ một vài chi tiết trên cơ thể mà làm cho bức tượng bỗng trở nên sống động như có hồn. 

Một điểm quan trọng trong nghệ thuật tượng mồ của đồng bào Tây Nguyên là sử dụng là thủ pháp tạo hình, bằng cách dùng các mảng khối hình học và các đường vạch chéo, vạch thẳng để tạo nên hình nét cho bức tượng. Từ một thân gỗ tròn, không lắp ghép, không thêm thắt bất cứ một phần gỗ nào, những nghệ nhân Tây Nguyên đã tạo ra được bức tượng độc đáo mang dáng dấp và tâm hồn của con người. 

Khác với tượng của dân tộc Kinh, Khmer qua bàn tay của người nghệ nhân tạo thành những bức tượng linh thiêng, đặc biệt khi đặt ở vị trí trang trọng là nơi thờ cúng. Tượng mồ của đồng bào Tây Nguyên có khác biệt, tượng ra đời từ thiên nhiên, được người dân đặt trong khung cảnh thiên nhiên, rồi hoà vào thiên nhiên, mặc cho các yếu tố của thời tiết như mưa, nắng, sương gió làm hư hỏng. 

Khi quan sát tượng mồ với muôn hình, muôn dạng bao quanh lấy ngôi nhà mồ tại khu nghĩa địa, người xem không có cảm giác sợ hãi. Người ta sẽ không dễ dàng cảm nhận được sự cách biệt giữa sự sống với thế giới tượng mồ. Người xem dễ cảm nhận được những sinh hoạt quen thuộc vẫn tồn tại và diễn ra hàng ngày trong môi trường sống của đồng bào Tây Nguyên, từ người đi lấy nước, người khóc, người chia cơm lam, người đánh trống… Nghệ nhân đem lại cảm giác gần gũi giữa người sống và người chết thông qua thế giới tượng mồ, đồng thời làm tan biến sự sợ hãi của người sống đối với một thế giới khác biệt.

Có thể nói những bức tượng mồ của đồng bào Tây Nguyên, về mặt nghệ thuật gần với mỹ thuật nguyên thuỷ. Những bức tượng này có rất nhiều điểm giống với các đặc trưng nghệ thuật từ thời cổ đại của các thị tộc, bộ lạc trên hầu khắp thế giới.

Để làm cho bức tượng mồ trở nên ấn tượng, nhiều nghệ nhân còn sử dụng đến màu sắc để trang điểm. Màu sắc là một yếu tố cơ bản tham gia vào nghệ thuật điêu khắc làm nổi rõ hơn khuynh hướng đa dạng trong tạo hình tượng mồ. Trong bảng màu tự nhiên của người Tây Nguyên có đầy đủ các sắc màu vàng, đen, trắng, đỏ, xanh... Các sắc màu này được lấy ngay từ thiên nhiên trong môi tường sống của họ.

Nghệ thuật tượng mồ còn bắt nguồn từ bản thân sự sống động của mỗi bức tượng. Loại trừ tượng ôm mặt ở tư thế tĩnh còn hầu hết các bức tượng khác đều diễn tả các trạng thái động của con người. Người Tây Nguyên khi tạc tượng đã làm cho cho từng bức tượng trở nên sinh động như có hồn. 

Không thiết kế, không bản vẽ, và cũng chỉ sử dụng những công cụ thô sơ, song dưới bàn tay khéo léo và sức tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân đã biến những khúc gỗ tưởng như vô tri thành tượng, với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Và những cảm xúc ấy hi vọng sẽ từ những cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa trở lại cuộc sống đời thường, tiếp tục được nối dài ngay trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc bản địa ở nơi đây.

Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên nằm trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Tuy nhiên, hiện nay ở các khu nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những ngôi mộ xây bằng bê tông cốt thép đang thay thế nhà mồ truyền thống nên người biết đẽo tượng mồ cũng ngày càng ít. Sự chuyển dịch về tín ngưỡng, tâm linh cũng khiến tượng nhà mồ có nguy cơ mai một trong đời sống đồng bào Tây Nguyên.

Đọc thêm