Người đàn bà hiến 30 lít máu

(PLO) - Sau 19 năm âm thầm làm việc tốt, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (53 tuổi, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bất ngờ được công nhận “kỷ lục gia hiến máu nhiều nhất Việt Nam”.
Người đàn bà hiến 30 lít máu
Cơ duyên với nghiệp làm việc tốt
Căn phòng trọ chật chội của bà Nhàn nằm cuối con hẻm ngoằn ngoèo ở ấp 4. Nhắc đến bà, xóm lao động nghèo ai cũng biết. Mỗi dịp hiến máu, bà lại vận động, kêu gọi nhiều người trong xóm tham gia. Ôm bọc đồ trở về nhà sau ngày làm việc, bà giải thích: “Tui đi giúp việc cho người ta xong sớm nên nhận thêm quần áo giặt để kiếm thêm tiền. Giờ phải nấu ăn cho mấy đứa con đang đi làm, tui vừa làm việc vừa kể chuyện cô nghe nha”.  
Bà Nhàn kể, vợ chồng bà người gốc Sài Gòn. Gia đình “nghèo rớt mồng tơi” cứ lay lắt qua những căn phòng trọ tồi tàn. Cuộc sống càng khó khăn khi 5 đứa con lần lượt ra đời. Ban ngày chồng chạy xích lô, vợ làm công nhân, tối làm thêm nhiều việc khác mới đủ trang trải cuộc sống. 
Tất bật với cuộc sống mưu sinh, bà vẫn không quên đi hiến máu định kỳ 3 tháng/ lần. Nói về cơ duyên hiến máu, bà kể, năm 1995, khi đang làm công nhân ở quận 5, một lần đi làm về, bà thấy hai bên đường băng rôn treo đỏ rực kêu gọi người dân hiến máu cứu người. Lúc đó, bà không hiểu dòng chữ “hiến máu” có nghĩa là gì nên tìm đến Trung tâm hiến máu nhân đạo hỏi. Khi biết được ý nghĩa những giọt máu mình cho đi sẽ cứu được người khác, bà hiến hai đơn vị máu (tương đương 500ml). 
Bà Nhàn tâm sự: “Lần đầu tiên thấy y tá cầm cái kim bự chảng đâm vào tay để lấy máu, tui căng thẳng sợ đến tái mặt, mắt nhắm nghiền. Tui có biết gì về hiến máu đâu, nghe cứu được người là xông xáo vô thử. Ai dè, sau khi hiến máu về cơn thèm ăn trỗi dậy. Trong lúc nhà đang nghèo phải nhịn cơm cho con ăn, tui sợ ăn hết phần con nên tự dặn mình lần sau không đi hiến nữa”.  
Sau đó, một lần đi thăm bạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, bà rơi nước mắt khi chứng kiến một em bé bị bệnh máu trắng đang đau đớn chờ cái chết đến dần vì không có tiền để thay máu. Hình ảnh cha mẹ bệnh nhi bế đứa con nhỏ không còn sức để khóc khiến bà thương xót.
Hơn một tuần bố mẹ đứa bé chạy vạy nhiều nơi vẫn không đủ tiền cho đứa con 6 tháng tuổi thay máu. Nhìn đứa trẻ thoi thóp nằm trên giường bệnh, bà quyết định hiến máu cho bệnh nhi này. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ hẹn hai ngày sau quay lại lấy máu. 
Mượn tiền lấy lộ phí đi hiến máu
“Ngày đó tôi thuê phòng trọ ở chỉ hết 40 ngàn, mà một lần xuống Bình Dương mất 10 ngàn tiền xe. Nghĩ đến đàn con nheo nhóc đang chờ mẹ đưa gạo về, tui phải quay về TP.HCM. Hai ngày sau không còn một xu dính túi, tui phải qua nhà hàng xóm mượn 20 ngàn nói dối về mua gạo cho con để có lộ phí xuống Bình Dương cho máu. 
Sợ gia đình ngăn cản, tui giấu không cho ai biết. Mỗi ngày góp một ít tiền, lúc nào đứa trẻ ấy đến kỳ truyền máu, tui có tiền lên đường liền”, bà chia sẻ.
Người phụ nữ đạt kỷ lục 80 lần hiến máu
 Người phụ nữ đạt kỷ lục 80 lần hiến máu
Kỷ niệm mà người phụ nữ có nhóm máu O nhớ nhất là lần truyền máu trực tiếp để cứu con trai chủ nhà nơi bà đang giúp việc ở quận 5 vào cuối năm 1996. Cậu bé 9 tuổi bị hở van tim, rơi vào tình trạng nguy kịch, phải mổ gấp. 
Cả gia đình chạy tìm nguồn máu O khắp nơi nhưng không nơi nào có. Biết chuyện, bà tình nguyện hiến 2 đơn vị máu của mình để truyền trực tiếp. Sau mỗi đợt hiến máu, thấy cậu bé khỏe lên, bà lại âm ỉ hạnh phúc.
Sau này, vì phải chuyển trọ chỗ khác, bà không làm công cho nhà này nữa, họ vẫn gọi điện, đến thăm. Mỗi lần được gửi tặng tiền, vật phẩm, bà đều từ chối: “Tui hiến máu cứu người không phải vì tiền, càng không mong được trả ơn”.
Bà kể tối nào cũng đi làm về rất khuya, sáng lại nhịn ăn để tiết kiệm tiền, khiến nhiều lần hiến máu xong mệt lử. Nhiều lần bà đi bộ mấy cây số từ trạm xe bus đến nơi hiến máu vì không có tiền đi xe ôm. Biết là vừa mất sức, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền, bà vẫn không từ bỏ vì hình ảnh những người nghèo bất lực chờ chết khi không có tiền mua máu tiếp thêm động lực cho bà.  
Chuyện bà hiến máu nhanh chóng bị chồng con phát hiện, phản đối kịch liệt bởi “cái ăn không đủ thì lấy sức đâu mà hiến máu”. Hàng xóm người bảo bà “có trái tim thương người”, người độc miệng bảo “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. 
Bà gạt phăng tất cả, giải thích cho mọi người hiểu quy trình hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe, các khâu an toàn vệ sinh, số lượng máu mỗi lần hiến tuân theo quy định khoa học. Bà chứng minh cho mọi người thấy sức khỏe thậm chí tốt hơn sau những lần hiến máu. “Khi chưa hiến máu, tui nặng chưa đầy 40kg. Tham gia hiến máu tui ăn ngủ dễ dàng, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt, tăng hơn 15kg rồi”, bà cho hay. 
Mong muốn hiến xác cho y học
Được giải thích, rất nhiều người theo bà đi hiến máu, kể cả chồng bà. Cứ đến kỳ, vợ chồng bà lại chở nhau trên chiếc xe cà tàng vượt hàng chục km đến trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM. Biết tin bệnh nhân nào đang ở tận Tây Ninh, Long An, Bình Dương… cần máu, bà cũng tới giúp cho bằng được. 
Ông Huỳnh Ngọc Phương (63 tuổi, chồng bà Nhàn), tâm sự: “Tiếc rằng tui theo vợ đi hiến được vài năm rồi phải dừng lại vì căn bệnh dạ dày. Nhờ bà ấy, tôi và nhiều người khác đã tự nguyện đi hiến máu, làm được việc có ích cho đời. Nhìn vợ lập được nhóm hiến máu gần 30 người, cứ đến thời gian định kỳ kéo nhau đi hiến máu, tôi rất cảm phục”.
Có năm bà đi hiến 4- 5 lần, sau này Trung tâm hiến máu nhân đạo quản lý gắt gao, chỉ cho bà hiến 3 lần/năm. Nhiều lần đi làm ngang qua trung tâm hiến máu, tiện thể bà vào luôn để lần sau đỡ phải đi tốn tiền xe. Nhưng chưa đủ định kỳ, trung tâm nhất quyết không chấp nhận. Bà thuyết phục, năn nỉ nhiều đến nỗi những người làm việc trong trung tâm, thấy bà ló đến cổng là tránh mặt đi vì sợ chưa đủ thời gian, lấy máu sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
Với bà Nhàn, hiến máu vừa là trách nhiệm, vừa nhiều kỷ niệm hạnh phúc. Hồi đó bán 1 bịch máu được hơn 64 ngàn, nhiều người thấy bà nghèo quá mới bảo “mày dại thế, đi bán máu lấy tiền mà sống”. Nhiều lần chủ trọ đến đòi tiền nhà, không có trả, khiến cả gia đình bị đuổi đi, thế mà vẫn nhất quyết không chịu bán máu. Bà khảng khái: “Máu tui để cho chứ không phải để bán”.
Các con đã lập gia đình, đứa nào cũng nghèo phải dắt nhau đi ở trọ. Tuổi đã già bà vẫn đi làm giúp việc, giặt quần áo thuê cho người ta kiêm thêm việc trông mấy đứa cháu ngoại, nội trợ trong gia đình. Nghĩ lại đời mình, bà không có gì ngoài 13 lần chuyển trọ với nhiều tờ giấy hiến máu còn may mắn sót lại trong hộc tủ. 
Nhìn quanh căn nhà trọ, bà tâm sự: “Tui mới chuyển về căn nhà trọ này từ tháng 10/2014, là căn trọ “sang” nhất mà tui được sống. Nhìn nhỏ vậy nhưng ở tới 10 người gồm vợ chồng tui, vợ chồng 2 con gái và 4 đứa cháu nhỏ. Bốn năm trước, nghề đạp xích lô thất thế, mọi người thương tình góp tiền mua cho chồng tui chiếc xe máy để chạy xe ôm. Nhờ vậy, miếng ăn trong gia đình mới đỡ chật vật”.
Với nghĩa cử cao đẹp, bà Nhàn đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức, ban ngành. Đặc biệt, năm 2010, bà bất ngờ được xác lập “kỷ lục gia hiến máu nhiều nhất Việt Nam”. Tính đến nay, bà đã hiến máu được 80 lần. Tháng 1/2015, bà là một trong 5 cá nhân tiêu biểu được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào tình nguyện Quốc gia năm 2014.
Bà Nhàn nở nụ cười hiền: “Tui chỉ tham gia được 2 năm nữa vì qua 55 tuổi là không được hiến máu. Tui hiến máu không cần giải thưởng mà chỉ cần cứu được người. Nguyện vọng cuối đời của tui là khi chết được hiến xác cho y học. Các con tui thương mẹ nên chưa đồng ý, tui sẽ thuyết phục để chúng cho tui thực hiện nguyện vọng này”./.

Đọc thêm