Đã 85 tuổi nhưng chân bà vẫn bước những bước nhanh nhẹn, tim bà dù có bệnh nhưng vẫn luôn nghĩ và hướng đến những cuộc đời cực nhọc ở quanh mình. Có lẽ vì thế mà nhiều người luôn gọi bà là “người đàn bà không tuổi” trên những chặng đường thiện nguyện.
Từ thương anh em đồng đội...
Tên thật của bà là Đoàn Thị Đoan, người dân tộc Tày, sinh năm 1932 trên đất Cao Bằng. Là một người con của quê hương cách mạng, bà sớm giác ngộ, tham gia cách mạng rất sớm. Từ một thiếu sinh quân, làm liên lạc viên cho Tướng Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng ở hang Pắc Bó, bà vào ngành công an khi bước vào thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, khi ấy mới vừa 20 tuổi, bà được điều động đi hoạt động trong lòng địch.
Trong vai một nữ sinh, con quan lại của Hà Nội thời kỳ ấy, bà được đi lại nhiều nơi trong nội thành Hà Nội để nghe ngóng, tìm hiểu xem Pháp điều động xe, lương thực chi viện lên chiến trận Điện Biên Phủ như thế nào. Địa điểm bà thường xuyên ra vào thời kỳ ấy chính là sân bay Bạch Mai, nơi tập hợp những chuyến bay lên Điện Biên để tăng cường đánh chiếm địa điểm trọng yếu của quân đội ta.
Bà tâm sự: “Sinh hoạt trong hội con em quan chức thời Pháp sung sướng lắm, không khổ như thời kỳ thiếu sinh quân hay chiến đấu ở Tây Bắc nhưng tôi luôn giữ vững ý chí cách mạng, không lung lạc tinh thần chiến đấu. Bây giờ tôi vẫn kể lại cho con cháu rằng may mà tôi còn sống chứ thời kỳ từ vùng tự do vào vùng tạm chiến là cả một quá trình gian nan khốc liệt, không chỉ đòi hỏi tinh thần chiến đấu với quân giặc mà còn phải tự chiến đấu với chính bản thân mình. Bởi chỉ cần lơ là, buông xuôi một chút thôi chắc là khó lòng thoát khỏi cám dỗ”.
Đến khi hòa bình lập lại bà được biệt phát sang Đài Tiếng nói Việt Nam để vừa phục vụ công tác biểu diễn của đài, vừa nằm vùng để nghe ngóng, phụ trách việc phát sóng phát thanh để đảm bảo sóng phát thanh an toàn, không bị một lực lượng tay sai nào cài cắm làm nhiễu loạn sóng và thông tin. Cứ nghĩ biệt phái vài năm thôi, không ngờ bà gắn bó với Đài đến khi về nghỉ hưu. Bà về nghỉ với quân hàm thượng tá.
Bây giờ, mỗi lần được đi giao lưu với các bạn trẻ, bà luôn tự hào kể về thời kỳ vượt qua cuộc sống sung sướng để vững vàng hoạt động cách mạng và luôn nghẹn ngào mỗi khi nhắc về tình cảm, về sự yêu thương nhau của những người đồng chí, đồng đội. Từ những tình cảm gắn bó, thân thuộc yêu thương nhau như anh em này, lòng xót thương những cảnh đời khốn khó ngấm vào bà tự nhiên như hơi thở.
Bà kể, làm việc ở Đài hơn 40 năm thì có đến 37 năm làm công tác công đoàn. Vì thời ấy khổ cực trăm bề nên luôn lo lắng làm sao để mỗi dịp Tết anh em có vài lạng thịt ăn. Mỗi lần đi biểu diễn cùng các phóng viên lại tìm cách nào đấy để có ít gạo, đỗ xanh, tìm mua của bà con 1-2 con lợn để góp vào lo cho đời sống anh em. Rồi chuyện bà tiết kiệm từng chút nước mắm một để góp cho căng tin công đoàn; mỗi tháng tiết kiệm được 5kg được mua từ tem phiếu để giúp những đồng đội đông con, cuộc sống chật vật...
|
Bà Lê Thu trong một lần trao quà giúp đỡ những chiến sĩ công an có hoàn cảnh khó khăn |
... đến những hành trình thiện nguyện
Về hưu bà có nhiều điều kiện về thăm quê. Mỗi lần về quê chứng kiến cuộc sống khổ cực của đồng bào lại càng khiến bà suy nghĩ nhiều hơn. Bà nghĩ đến việc vận động mọi người chung tay ủng hộ, giúp đỡ, bắt đầu từ chính gia đình mình, từ các em, các con đến những đồng đội.
Bà tâm sự, bà thương những đồng nghiệp của bà lắm, có những người nghèo khổ đến mức không có tiền để đóng hội phí... nên bà tập hợp những sỹ quan nghỉ hưu ở ngành Công an, Quân đội, vận động mỗi người trích một phần nhỏ lương hưu của mình để hỗ trợ cho những gia đình khó khăn, mỗi hộ 200-300.000đ/tháng.
Chi hội Chữ thập đỏ Thăng Long của bà chỉ có 30 hội viên nhưng bà vận động được hàng trăm suất như thế để ủng hộ người nghèo, người khó khăn. Công việc này bà đã liên lục thực hiện bền bỉ 10 năm nay. Tính riêng gia đình bà, bà đã vận động được 6 người cháu của mình chung tay cùng bà trong việc lo lắng, giúp đỡ cho 6 trường hợp khó khăn. Đến nay, những hoàn cảnh được bà giúp đỡ đã trưởng thành, có công việc ổn định, thoát nghèo lại cùng bà góp một tay tiếp sức cho những cuộc đời khác.
Không chỉ thế, bà còn đứng ra kêu gọi nhiều doanh nghiệp cùng chung tay, đồng hành với mình trong mỗi chuyến đi thiện nguyện. Mỗi dịp lễ, tết, ngày thương binh, liệt sĩ… bà và các hội viên trong Chi hội Chữ thập đỏ Thăng Long lại vận động từ nhiều nguồn để tặng quà, tiền cho những gia đình có công với cách mạng, những người là thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Điều kỳ lạ là bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ví như dự kiến Tết vì người nghèo ủng hộ 300 suất thì bà kêu gọi,vượt mức, lên đến 600 suất. Trong 10 năm liên tục bản thân bà năm nào cũng góp hàng trăm suất quà. Từ năm 2003, bà vận động các con cùng làm từ thiện hàng tháng hỗ trợ Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật Hà Nội mỗi tháng 200kg gạo. Cảm giác như trời sinh ra bà là đã sinh luôn ra một tấm lòng thiện nguyện, luôn nghĩ đến việc giúp đỡ những người khó khăn.
Những ngày này, bà lại đang lặn lội ở các vùng khó khăn của Đà Nẵng. Bà và chi hội chữ thập đỏ của mình đã thực hiện một đợt quyên góp ủng hộ nhu yếu phẩm, phối hợp khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Nhìn những bước chân bà đi, những nơi bà đã đến, chẳng ai dám nghĩ bà đã ở tuổi 85.
Hàng năm, bà đều dành thời gian đi Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, dự và tổ chức các khóa lễ cầu siêu cho các anh hùng. Bà bảo, có lẽ nhờ vậy mà bà được các anh linh liệt sĩ phù hộ, cho bà sức khỏe, bình an để bà có thể tiếp tục làm những công tác từ thiện, để bà cùng các đồng đội của mình viết những trang đời hành thiện. Bà quả quyết “khi nào không thể đi được nữa tôi mới dừng lại công việc thiện nguyện”.