Bởi ít ai biết rằng, ròng rã 6 năm nay, những bát cháo nghĩa tình vào mỗi buổi sáng và bữa phụ tại 3 cơ sở của Bệnh viện K cũng bắt đầu từ ý nghĩa muốn san sẻ một phần lợi nhuận cho những người khó khăn của Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Băng.
500 suất cháo sáng mỗi ngày
Công việc bận rộn nên khi có ý định muốn giúp đỡ bệnh nhân ung thư, Tổng Giám đốc (TGĐ) Nguyễn Vũ Băng đã bàn bạc với những nhân viên đã đến tuổi nghỉ hưu và cũng là người thân của mình về công việc thiện nguyện.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung (59 tuổi) kể lại, chị không thể quên được những lời dặn dò của TGĐ Nguyễn Vũ Băng: “Mục đích là chia sẻ với bệnh nhân nên phải nấu ngon, nấu tử tế, làm bằng trách nhiệm và tình cảm của mình”. 6 năm qua, cùng với 3 người nữa, cứ khoảng 3h30 sáng chị lại dậy, đến một căn bếp nhỏ trong ngõ Vạn Kiếp (Hà Nội) cùng nấu những nồi cháo tình nghĩa để 6h sáng bệnh nhân đã có thể có những bữa sáng để kịp cho những phần việc điều trị trong ngày.
Những ngày đầu chưa quen với múi giờ sinh hoạt mới, chị và mọi người trong nhóm rất khổ, vừa làm vừa buồn ngủ. Lâu dần thành quen, thành nỗi đam mê. Mỗi ngày 500 suất cháo nên lượng công việc của các chị cũng khá lớn. Mỗi ngày quấy 17kg gạo, 6-7kg thịt nấu kèm. Chỉ từ đầu năm 2016, nhận thấy lượng bệnh nhân về nhà cuối tuần khá đông nên các chị xin phép bệnh viện nghỉ buổi sáng ngày chủ nhật.
Nhắc lại những ngày đầu tiên vào bếp, chị Dung bảo cũng không nghĩ chỉ với 4 người mà có thể duy trì được công việc lâu dài đến thế. Khó khăn không kể hết. Những ngày đầu, cứ trung bình 1-2,5 ngày là hết một bình gas, rồi căn bếp chưa đầy 10m2 nhưng chứa tới 3 bếp ga công nghiệp và 1 bếp gas gia đình, chưa kể ấm điện, nồi điện được huy động hết công suất cho kịp giờ phát cháo. Mỗi sáng phải bật cả bình nóng lạnh để lấy nước nóng, rồi đun thêm nước bằng ấm điện để đảm bảo đủ nước cho công việc nấu cháo.
Rồi phải canh nồi cháo, phải đứng khuấy liên tục để cháo không bén nồi. Chị Dung cho biết, chị cũng từng nghĩ đến chuyện đi tìm địa điểm rộng rãi hơn, chấp nhận phải thuê nhưng vì cần phải có đường cho ô tô vào chở cháo ra nên rất khó tìm. Cuối cùng mọi người vẫn phải khắc phục, sống chung với lượng bếp nhiều, lượng khí gas thải ra mỗi ngày trong căn bếp nhỏ. Bác Vũ Thị Hoa (người cùng nhóm, cho mượn địa điểm để nấu cháo) bảo may mà có quạt thông gió và lỗ thông hơi to nên cũng không quá bí bách, mọi người đã làm quen được 5-6 năm nay rồi.
Những ngày đầu tiên các chị nấu rất nhiều loại cháo khác nhau, rất chú trọng đến việc đổi bữa cho bệnh nhân, hết thịt lợn lại đến thịt bò, rồi chim hầm nấm nhưng sau một thời gian quan sát thấy nhiều bệnh nhân không thể nhận những suất cháo vì người thì kiêng, người thì sợ vị nấm, thậm chí có những bệnh nhân mới truyền họ rất sợ các mùi nêm nếm nên cuối cùng chị Dung quyết định chỉ nấu riêng cháo thịt.
Mỗi ngày nấu xong, nhóm lại thuê một bác thương binh chở xuống bệnh viện K2, K3, còn ở K1, đích thân chị Dung đẩy nồi cháo sang để phục vụ bệnh nhân. Đường vào bệnh viện K cũng khá hiểm, dốc lên dốc xuống nên chị phải nhờ thanh niên giúp đẩy lên dốc, rồi lại nhờ người vít mỗi lần xuống dốc. Lâu dần thành quen, có một nhóm thanh niên phân công nhau ra tận vườn hoa bên kia cổng viện để đón chị và nồi cháo. Chỉ những việc nho nhỏ như thế cũng khiến chị Dung vui vì cảm nhận được ý nghĩa của công việc mà mình đang làm hàng ngày.
Chị kể, cũng có một thời gian có một nhóm sinh viên Đại học Y Hà Nội đến làm cùng nhóm chị mỗi buổi sáng nhưng rồi các bạn sinh viên cũng không trụ được vì giờ giấc quá khắc nghiệt, sinh viên không thể thích nghi được.
Chị Dung trong căn bếp nhỏ nhưng chứa đựng cả tình cảm lớn lao với người bệnh |
Không chỉ nấu cháo...
Mỗi lần đẩy nồi cháo đến bệnh viện, điều khiến chị Dung lo lắng nhất là bệnh nhân thường sợ không có cháo ăn nên 5h30 sáng đã xuống trực tại sân bệnh viện. Họ xếp cặp lồng ở khoảnh sân trống, rồi ngồi ở ghế để chờ, chỉ vừa nhìn thấy chị xuất hiện ở dốc, tất cả xông vào khiến khung cảnh có phần hỗn loạn. Mặc dù chị đã nhắc nhở không phải xếp hàng, đảm bảo ai cũng có cháo nhưng do tâm lý lo lắng, các bệnh nhân cũng vẫn đặt cặp lồng xuống đất.
Đã có lần chị phải “dọa” những ai đặt cặp lồng xuống đất chị sẽ không múc cháo nữa, lúc đó các bệnh nhân mới dừng đặt cặp lồng để lấy chỗ. Chị chia sẻ: “Thật ra tôi dọa thế cũng là giữ vệ sinh cho họ, chứ chưa bao giờ không múc cháo cho ai vì để cặp lồng xếp hàng dưới đất”.
6 năm ròng, chỉ có 4 người làm nhưng các chị chưa một lần để bệnh nhân mất bữa sáng. Duy chỉ có đợt vừa rồi là các chị không thể nấu cháo chỉ vì bác Hoa có việc vào miền Nam, chị Dung bị ốm đột suất, sốt cao, viêm amidan cấp. 3 ngày nghỉ là 3 ngày mà 2 người phụ nữ không yên lòng. Bác Hoa liên tục điện hỏi tình hình sức khỏe chị Dung vì mong chị nhanh chóng có thể quay lại công việc hàng sáng. Còn chị Dung, vì lý do bất khả kháng cũng đã báo với bệnh viện nhưng chị luôn thấy bứt rứt trong người vì nghĩ đến cảnh các bệnh nhân vác cặp lồng xuống rồi lại ra về tay không.
Mỗi lần phát cháo, gần như chị chỉ tập trung vào múc cháo không ngẩng mặt lên được vì hết người này lại đến người kia nhưng thi thoảng thấy những người run rẩy mang cặp lồng đến chị lại đề nghị những người đã xếp hàng để ưu tiên múc cho họ trước rồi lại dìu họ lên từng bậc để họ lên ghế ngồi, xong xuôi mới tiếp tục múc cháo. Tất bật từ lúc tinh mơ, đến khi quay trở về nhà với những nồi trống không, lòng chị Dung luôn thấy bình yên, hạnh phúc. Chị bảo, chị mong chị và mọi người trong nhóm sẽ luôn mạnh khỏe để không sáng nào bệnh nhân ung thư mất bữa sáng.
Phóng viên viết bài này đã cố gắng liên lạc với TGĐ Nguyễn Vũ Băng để mong muốn được nghe những tâm sự khi anh cùng với nhân viên, người thân của mình làm việc thiện nhưng anh khéo léo từ chối. Chị Đỗ Hà Xuyên, Phó TGĐ Cty thay mặt anh cho biết, kể từ khi Cty có lợi nhuận ổn định, anh đã gieo vào đầu óc mỗi nhân viên của mình ý nghĩ phải san sẻ với những người khổ hơn mình, phải biết tri ân những người đã đóng góp, cống hiến cho cuộc sống này. Do đó, nấu cháo chỉ là một phần trong các công việc thiện nguyện mà Cty DIA đã làm.
Hiện, Cty đã làm được nhiều việc tri ân như xây dựng và sửa chữa 2.432 phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Độc Lập (tỉnh Điện Biên), phụng dưỡng mẹ VNAH. Ngoài ra, Cty còn xây dựng đền chùa ở Vĩnh Phúc, ở Khu công nghiệp Đan Phượng, xây dựng trường dân tộc nội trú ở Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Hiện Cty đang có kế hoạch xây dựng một khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Phó TGĐ Xuyên tâm sự, với những công việc TGĐ đã thực hiện, chị và nhân viên luôn mong muốn đồng hành cùng với tâm nguyện của anh để cuộc đời này bớt đi những nhọc nhằn...