Người dân cả phường sống chung với phế liệu

Phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng, từ những năm 80 của thế kỷ trước, nổi tiếng với nghề tái chế phế liệu. Làng nghề là cứu cánh cho hàng nghìn lao động địa phương, nhiều hộ dân đã đổi đời, trở thành tỷ phú nhờ phế liệu. Nhưng mặt trái của sự phát triển là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng, từ những năm 80 của thế kỷ trước, nổi tiếng với nghề tái chế phế liệu. Làng nghề là cứu cánh cho hàng nghìn lao động địa phương, nhiều hộ dân đã đổi đời, trở thành tỷ phú nhờ phế liệu. Nhưng mặt trái của sự phát triển là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Người dân phường Tràng Minh chắc còn phải đối mặt với ô nhiễm môi trường dài dài

Sống chung với phế liệu

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ đô thị phường Tràng Minh cho biết: Hiện nay, phường Tràng Minh có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu, những ngày cao điểm có hàng chục tấn phế liệu được tập kết về trên địa bàn. Trong đó, hầu hết phế liệu đều chưa được làm sạch. Các hộ kinh doanh tập kết phế liệu ngay tại khu dân cư, các bãi tập kết phế liệu cao như núi nằm xen kẽ giữa các nhà dân, nằm ngay trong sân mỗi hộ gia đình tổ chức thu mua, tái chế.  

Ngày nắng thì mùi hôi đặc trưng của phế liệu lảng vảng trong không khí. Ngày mưa, nước mưa mang theo các  chất cặn dầu mỡ từ các “núi” phế thải chảy tràn vào trong khu dân cư trước khi đổ vào hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung ...

Ông Phạm Văn Vĩnh, chủ một cơ sở thu mua phế liệu bộc bạch, người Tràng Minh thu mua tất cả các loại phế liệu từ vỏ bao bì  xi măng, bao bì đựng hóa chất bằng nhựa, bằng giấy cho tới sắt thép, chai, lọ, nồi cơm điện, ti vi,  bảng mạch vi tính… để tái chế. Theo ông Vĩnh, khi thu mua, biết trong phế liệu có nhiều hóa chất độc hại chưa được làm sạch nhưng vì công việc, vì miếng cơm manh áo nên các chủ cơ sở thu mua phế liệu vẫn cứ “nhắm mắt đưa chân” với cái nghề lợi trước mắt, hại lâu dài.

Quy trình phân loại, xử lý tái chế phế liệu sau khi thu mua của các hộ dân được thực hiện ngay trong khuôn viên các hộ làm nghề tái chế và hoàn toàn bằng phương pháo thủ công. Phế liệu được người dân phân loại bằng tay, đối với vỏ bao bì khổ lớn bằng nhựa thì tổ chức “giặt” tay trước khi đưa vào máy xay. Đối với chai lọ thì xay nhỏ trước khi đưa vào làm sạch tại các bể nước. Nước thải từ “quy trình” làm sạch phế liệu được các chủ hộ làm nghề tái chế thải thẳng ra hệ thống thoát nước chung.

Chị Trần Thị Hiệp, chủ cơ sở mua bán và tái chế phế liệu ở tổ 4 khu 2 phường Tràng Minh tâm sự, làm nghề thật đấy nhưng cũng cảm thấy không khí bị ô nhiễm bởi mùi từ các khu tập kết phế liệu, từ các dây chuyền nghiền bột giấy, nghiền bột nhựa. Chị ao ước, giá địa phương có một khu thu mua và tái chế tập trung, gia đình sẽ đăng ký chuyển ra ngay để đỡ ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ y tế phường Tràng Minh cho biết, hàng năm số người mắc các bệnh về mắt, về đường hô hấp của địa phương bao giờ cũng cao hơn nhiều lần các phường trong quận Kiến An.

Cần biện pháp xử lý đồng bộ, kịp thời

Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Tràng Minh cũng than thở, trong thời gian qua, ngoài các biện pháp tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến các hộ dân tổ chức thu mua, tái chế phế liệu, UBND phường Tràng Minh đã yêu cầu các hộ kinh doanh phải nghiêm chỉnh thực hiện ký các cam kết thu gom chất thải rắn, cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên, các cam kết này trên thực tế chỉ tồn tại như một “là bùa” để các hộ dân “trình” ra mỗi khi có các đoàn chức năng kiểm tra việc thu mua, tái chế phế liệu.

Ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND quận Kiến An cho biết, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, giải pháp cơ bản, lâu dài là đưa khu thu mua, tái chế ra khỏi khu dân cư. Hiện nay, UBND quận Kiến An đang nghiên cứu quy hoạch một khu làng nghề mới cho phường Tràng Minh. Khu quy hoạch này phải đảm bảo được nhiều yếu tố như bảo đảm được vấn đề xử lý chất thải, nước thải, xa khu dân cư nhưng vẫn thuận lợi cho hoạt động sản xuất của người dân địa phương. “Đây là bài toàn khó cho UBND quận Kiến An”, ông Quý trăn trở.

Theo ông Quý, giải pháp trước mặt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho người dân là xây dựng một hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho các cơ sở thu mua, chế biến phế liệu trên địa bàn. 

Hiện nay, nước thải từ các bãi tập kết phế liệu, nước thải từ các cơ sở tái chể chưa được xử lý sẽ “hòa” vào hệ thống nước thải sinh hoạt rồi đổ ra trạm bơm Phù Lưu và sông Đa Độ, nguồn thủy lợi quan trọng và là một trong ba nguồn nước sinh hoạt của các quận nội thành Hải Phòng.

Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải cho làng nghề Tràng Minh hiện đang gặp bài toán về vốn đầu tư, xây dựng. Ngày triển khai dự án vẫn còn xa, người dân phường Tràng Minh chắc còn phải đối mặt với ô nhiễm môi trường dài dài.

Đông Bắc - Tiến Dũng

Đọc thêm