Người dân Hà Tĩnh kêu trời vì đa cấp

(PLO) - Dù chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh, thậm chí bị đình chỉ, yêu cầu chấm dứt hoạt động, tuy nhiên một số cơ sở, đại lý của Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vẫn lén lút hoạt động. Nhiều dân nghèo đã “dính” vào “con đường đa cấp” để rồi chỉ biết kêu trời, xót xa và ân hận…
Cơ sở Hoàng Giang Phúc, Hương Khê và Cơ sở tại TP.Hà Tĩnh
Mất tiền oan…
Chưa được Sở Công Thương Hà Tĩnh chấp thuận việc hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn nhưng Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã mở nhiều cơ sở hoạt động tại nhiều địa điểm ở tỉnh Hà Tĩnh như: TP.Hà Tĩnh, TX.Hồng Lĩnh, huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh. Nhiều người dân, trong đó có cả những người nghèo, tin lời quảng cáo làm giàu nhanh chóng đã vay mượn gom góp tài sản, bán vàng, cắm sổ đỏ… để rồi lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Trao đổi với Báo PLVN, chị Trần Thị Tuyết (ở thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh) xót xa: “Tin vào những lời quảng cáo của cơ sở Hoàng Giang Phúc Hương Khê, được “anh em” giới thiệu rằng bỏ tiền vào đó với 1 mã sản phẩm trong vòng 1,5 – 2 năm tôi sẽ được 25 triệu đồng. Năm 2014 tôi mua 1 mã giá 9,8 triệu đồng, đến năm 2015 tôi “giấu chồng” mua thêm 3 mã, mỗi mã giá 11, 8 triệu đồng, tất cả số tiền này tôi đều vay mượn. Đến nay tôi vẫn không hề nhận được một đồng tiền “lãi” nào, giờ biết đó chỉ là quảng cáo “ảo” tôi rất hối hận, giờ chỉ mong được lấy lại số tiền  đã nộp”. 
Còn chị Lê Thị Tâm (thị trấn Hương Khê) giãi bày: “Họ nói với tôi khi mua 1 mã tôi sẽ được chăm sóc sức khỏe, thậm chí ốm đau gì cứ đến là chữa hết, còn nếu “đưa” được người vào sẽ được hưởng số tiền rất cao. Ban đầu tôi cũng không tin nhưng rồi sau đó như bị “bỏ bùa mê” vậy, tôi đã vay mượn anh em, thậm chí nghe lời họ tôi đã nói dối anh em rằng mình bị ốm đau cần tiền chữa bệnh để vay tiền, rồi mua 1 mã giá 11,8 triệu đồng nộp cho chị Yến, giờ tôi hối hận thì đã muộn, chỉ mong sao được lấy lại “vốn” đã nộp…”.
Một người dân “dính” đa cấp trình bày
với Pháp luật Việt Nam 
Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Khanh (xóm 4, xã Hương Long) cho biết, bà vừa tham gia được một tháng. Nhà thì nghèo, hiện chỉ có 2 ông bà sống với nhau, không có tiền mặt nhưng sau khi nghe lời đứa cháu trong họ, bà đã đi vay 5 chỉ vàng bán để nộp vào công ty…”. Cứ tưởng sẽ có thu nhập cao như quảng cáo, lại được chăm sóc sức khỏe miễn phí nên tôi mua gói 11,8 triệu, ai ngờ việc chăm sóc sức khỏe thì không có, lợi nhuận cũng không. Việc “đấm bóp” thì họ nói được miễn phí mãi mãi, tuy nhiên từ khi nộp tiền đến nay thì mới được được 2 lần, mỗi khi tới thì họ đều lấy lý do bận. Giờ tôi muốn rút tiền thì họ không cho, tôi hoang mang không biết làm sao để trả nợ…”- bà Khanh than thở.
Có dấu hiệu lừa đảo?
Khi biết Báo PLVN có mặt tại địa phương, hàng chục người dân tại Hương Khê “lỡ dính đa cấp” đã tới trình bày sự việc và mong muốn dư luận lên tiếng để cảnh tỉnh người khác tránh “sập bẫy”, lâm cảnh “tiền mất, tật mang” như họ.
Làm việc với Báo PLVN, ông Nguyễn Hồng Luy, Chủ cơ sở Hoàng Giang Phúc Hương Khê cho biết: Cơ sở tại TP.Hà Tĩnh hoạt động được 2 năm, còn Cơ sở tại Hương Khê hoạt động từ tháng 4/2015. Về giấy phép của Sở Công Thương, ông Luy bao biện “Phía Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đang trong quá trình chờ…”.
Trao đổi với Báo PLVN, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hương Khê thẳng thắn: “Nếu là DN làm ăn chân chính thì chúng tôi luôn ủng hộ tạo điều kiện để họ phát triển, nhưng đối với những DN hoạt động bất thường, làm ăn không chân chính thì chúng tôi không thể chấp nhận được…”. 
Ông cho biết thêm, những ngày qua có rất nhiều người dân của huyện Hương Khê đến phản ánh với ông về việc tham gia Cơ sở Hoàng Giang Phúc, nhờ Hội can thiệp lấy lại tiền. “Qua tìm hiểu thì tôi thấy rằng cơ sở này hợp đồng bán sản phẩm, tuy nhiên nhiều người dân chỉ nộp số tiền từ  9 – 12 triệu mà không hề nhận một sản phẩm nào, cũng không biết mình nộp tiền cho ai…”- ông Đạt nói.
Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hương Khê
bức xúc khi nói về cơ sở Hoàng Giang Phúc, Thiên Ngọc Minh Uy 
Đánh giá về cách hoạt động, ông Đạt phân tích: “Không phải là nộp 10 triệu như quảng cáo đâu, đối với người dân tham gia, nếu muốn phát sinh lãi thì người dân phải bằng cách nào đó “dẫn dụ” người vào tham gia thì mới có hoa hồng. Đáng nói là chiêu thức của các nhân viên đa cấp “dụ” theo kiểu: “Nông dân nuôi trâu bò thì lở mồm long móng, nuôi gà vịt thì dịch bệnh, trồng lúa thì mất mùa, bão lũ, chúng tôi sẽ chỉ cho bà con cách làm giàu bền vững, không lo dịch bệnh, thiên tai mà lại phát sinh lãi nhanh, nộp 10 triệu sẽ được 25 triệu mà không vất vả…”. 
Hoạt động bán hàng, tuy nhiên hàng hóa thì không bán, chăm sức khỏe người dân khi mà nhân viên không hề có chuyên môn, không được cơ quan chức năng cấp phép, dùng lời quảng cáo hoa mỹ để “dụ” người dân. UBND thị trấn Hương Khê đình chỉ, cấm hoạt động khi chưa có đủ giấy phép nhưng vẫn lén lút hoạt động, tôi cho rằng đó là kiểu hoạt động của “công ty ma”. Theo tôi, hoạt động trên là có dấu hiệu của việc lừa đảo, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ…”.
Cơ quan chức năng địa phương nói gì, phương hướng xử lý như thế nào trước hoạt động trên?. PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm