Giữa tháng bảy, vườn của bà Trịnh Thị Thắng (sinh năm 1950) tại đội 8 thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên, đang độ vào mùa. Những chùm nhãn căng tròn, quả to thơm phức như đang báo hiệu một vụ mùa bội thu. Tuy vậy, đằng sau nó là bao nỗi lo lắng của người nông dân khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Với bà Thắng, cây nhãn thân thuộc tựa như máu thịt với vùng đất Hưng Yên. Điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đây dường như cũng ủng hộ, khiến quả nhãn nơi đây luôn đặc biệt ngon, từ đó mà việc tiêu thụ cũng thuận lợi. Nhãn lồng Phố Hiến, Hưng Yên có ưu điểm là quả to, tròn, mã sáng, vỏ mỏng cùi dày, hột nhỏ lại ráo nước, ăn vào có vị ngọt thanh, dai giòn hấp dẫn.
Nhiều ưu điểm là thế, nhãn lồng Hưng Yên lại đang đứng trước nguy cơ “thất thu” bởi dịch bệnh Covid - 19. Việc hạn chế lưu thông cùng lệnh giãn cách nghiêm ngặt đã khiến các thương lái, người tiêu dùng từ các tỉnh, thành lân cận không thể về Hưng Yên thu mua nhãn về làm ăn, làm quà biếu hay vận chuyển phân phối.
Bà Thắng lo lắng: “Ngặt lỗi hoa quả nông sản toàn đồ tươi không để được lâu, dễ hỏng. Ở cái vùng quê nhãn Phố Hiến ‘nhãn lồng bổ ngập dao phay’ thu nhập của người dân chủ yếu trông vào mùa nhãn. Quanh năm chăm bón cho vườn nhãn trĩu quả, nhà nào cũng tấn lớn tấn bé mà không bán được thì biết làm sao...”.
|
Bà Trịnh Thị Thắng cắt tỉa và bó từng chùm nhãn sau khi thu hoạch |
Hai đặc sản lớn nhất làm từ nhãn là quả tươi và long nhãn, nhưng theo bà, cả hai mặt hàng này đều đang có vấn đề riêng: “Bao đời nay toàn do các thương lái thu mua đưa đến các thành phố lớn bán. Người dân chỉ biết thu hoạch bán ngay tại cửa vườn nên năm nay có phần bị thụ động cho đầu ra. Năm nay lại dịch bệnh, lưu thông hàng hóa khó khăn, thương lái vắng bóng là nỗi lo của cả làng, cả xã.
Bỏ vào làm long nhãn ư? Nhãn chín theo đợt làm sao xuể, nhân lực không đủ để vừa thu hoạch, bóc vỏ bỏ hạt đem sấy. Với loại nhãn ngon mà người dân thường gọi "nhãn xuất", "hàng xuất" thường bán quả tươi cho giá trị kinh tế cao hơn với việc làm long. Chỉ quả nhỏ, nhãn nước, nhãn cùi... gọi chung là nhãn cỏ mới đem làm long thôi.”
Được biết, năm 2020, giá nhãn lồng đường phèn tại vườn tầm rơi vào khoảng 80.000 – 90.000 VND/kg, nhưng năm nay giá bán thấp hơn nhiều so với năm ngoái, khoảng 60.000VND/kg. Nói về mong muốn của mình, bà Thắng tâm sự: “Tôi mong chính quyền giúp dân tìm đầu ra cho mặt hàng được coi là sản vật nức tiếng của Phố Hiến, Hưng Yên. Không nhanh là lại một mùa nhãn được mùa mà lại thất thu.”
Đáng nói, vào khoảng giữa tháng 7, Bộ Công thương đã phối hợp cùng với UBND tỉnh Hưng Yên và các bộ, ngành, địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến “Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021”.
Theo Báo cáo của tỉnh Hưng Yên, trong năm 2021, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng nhãn lên đến 4.800ha, ước tính sản lượng sẽ cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%, đạt khoảng 50.000 - 55.000 tấn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của Covid - 19, nông sản Hưng Yên phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải để có thể tới tay người tiêu dùng.
Nhằm khắc phục những khó khăn hiện nay, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động trên các trang thương mại điện tử, đặc biệt trên nền tảng số, truyền thông đa phương tiện để không chỉ đưa quả nhãn mà còn nhiều loại nông sản khác đến với khách hàng.
Được biết, các sàn thương mại điện tử như shopee.vn, sendo.vn… cũng đang tích cực tham gia hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn. Điều quan trọng nhất là đảm bảo việc đưa hàng hoá đến người tiêu dùng an toàn, đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng chống dịch.
|
Người dân chỉ biết thu hoạch bán ngay tại cửa vườn nên năm nay bị thụ động cho đầu ra |
Từ bài học “giải cứu” vải Bắc Giang, người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã hỗ trợ bán online vải thiều qua livestream, ship nhanh qua Viettel Post, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post), người dân Hưng Yên nói chung, người dân Phố Hiến nói riêng, cũng mong muốn ngành nông nghiệp địa phương mình cũng có những giải pháp tương tự để “gỡ khó” cho nhãn lồng Hưng Yên. Theo đó, trước khi nhãn chín rộ hàng loạt, cần có kế hoạch, giải pháp phối kết hợp giữa các bên, hướng dẫn người dân thu hoạch, đóng gói, đảm bảo chất lượng khi sản phẩm được giao đến tay người tiêu dùng.