Dấu ấn ngôi đình cổ
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, đình Pháp Vân nằm trong quần thể di tích thờ Đức thánh Bảo Ninh Vương, được xây dựng khoảng năm 1381 – 1383 đời Trần. Huyền tích lập đình ghi lại, vào thời nhà Trần có danh nho tên là Chu Văn An thi đỗ Thái Học Sinh nhưng không ra làm quan, ông mở trường dạy học ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Trong số học trò của thầy Chu Văn An có một thư sinh rất chăm đến nghe thầy giảng nhưng không rõ tung tích. Thầy cho người lần tìm mới hay thư sinh đó học xong thường đi ra đám lau sậy bên bờ đầm Lân Đàm (nay là đền Gàn) thì mất tích. Chu Văn An biết đó là thuỷ thần.
Cách quãng ít năm, tiết trời trở đại hạn, dân tình đói khổ, thầy Chu Văn An gọi chàng thư sinh là thủy thần đến hỏi xem có cách gì cứu dân. Chàng thư sinh suy nghĩ trong chốc lát rồi lấy nghiên bút ra đổ nước mài mực và dùng bút thấm mực vẩy ra khắp bốn phương. Mực son vung lên trời thành sấm chớp. Mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến và mưa tầm tã, nước đen như mực.
Sau một tuần mưa, chàng thư sinh từ trường vội đi về bờ đầm, bỗng trên trời có tiếng nổ lớn. Thầy Chu Văn An ra đầm thì được tin có một xác thuồng luồng nổi lên. Thương tiếc và để tỏ lòng nhớ công ơn của thủy thần, nhân dân các làng quanh vùng đã tôn thủy thần làm thành hoàng, lập đền thờ.
Hiện nay, quần thể di tích thờ Đức thánh Bảo Ninh Vương gồm các làng như: Pháp Vân, Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Linh Đường (nay thuộc phường Hoàng Liệt), làng Đại Từ (phường Đại Kim) của huyện Hoàng Mai và các làn Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), Lê Xá (xã Hữu Hòa) của huyện Thanh Trì…
Theo ông Đinh Gia Hạp (77 tuổi), thủ từ đình Pháp Vân, lễ hội tưởng nhớ Đức thánh Bảo Ninh Vương thường diễn ra ngày 16.8 hàng năm (tương truyền là ngày hoá của thánh Bảo Ninh) và sau 5 năm lại có một lần hội chung giữa các làng.
Loay hoay với bài toán trùng tu
Có bề dày lịch sử và mang nhiều giá trị tín ngưỡng là vậy song đình Pháp Vân hiện trong cảnh xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chi tiết kiến trúc bị hư hại. Cụ thể, mái ngói đình xuất hiện nhiều điểm bị xô lệch, sụt lún. Phần sân nền và tường bao đình Pháp Vân bị nứt vỡ, có điểm vết rạn kéo dài, nền đất bị lún 2 -5cm so với bề mặt. Để tránh đổ sập, ban quản lý di tích phải dùng nhiều biện pháp gia cố tạm thời như đổ đất, trát lại tường…
Chưa hết, do bên ngoài đình không có cổng nên không ít lần nơi đây trở thành tầm ngắm để kẻ gian trộm cắp. Gần đây nhất, hè năm 2016, đình Pháp Vân 2 lần bị trộm ghé thăm. Chúng táo tợn đến mức đập phá cửa sổ đình để trộm cắp tiền công đức.
Với tình trạng đình xuống cấp, người dân trong vùng đều mong muốn có một nơi khang trang để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng song có một nghịch lý là họ “ngại” trùng tu. Nói cách khác, trước sự xuống cấp của đình Pháp Vân, dân địa phương đang loay hoay chống đỡ bằng các phương cách tạm bợ “hỏng đâu sửa đó”.
Lý giải căn nguyên nghịch lý này, ông Nguyễn Văn Sáu - Chi hội trưởng hội người cao tuổi Pháp Vân cho biết, đình Pháp Vân cũ có niên đại khoảng 500 – 700 năm song do phục vụ mục đích tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp nên đình cũ không được giữ lại. Đình Pháp Vân hiện tại được nhân dân phục dựng lại trên nền đất ao đình cũ, hoàn thành năm 2006. Đình xuống cấp, xảy ra hiện tượng lún nứt bởi không được xây trên nền đất thổ cư. Về phần diện tích nền đình cũ hiện bị nhiều cá nhân chiếm dụng, bởi vậy đa số người dân đều cho rằng chỉ có thể trùng tu khi toàn bộ diện tích đình Pháp Vân cũ được hoàn trả. Việc sửa chữa thời điểm hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn.
“Trước sự xuống cấp của đình Pháp Vân, Ban Quản lý di tích, chính quyền và nhân dân đã nhiều lần sửa chữa tạm thời những hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Về lâu dài để lưu giữ một di tích, mong quận sớm có biện pháp thu hồi diện tích đất đình bị lấn chiếm để bà con an tâm xây dựng đình, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương” - ông Nguyễn Văn Sáu bày tỏ nguyện vọng.