Người dân Nam Định vui mừng chờ cầu phao Ninh Cường “thay áo”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ước mơ cây cầu cứng vượt sông Ninh Cơ của người dân Nam Định đã trở thành hiện thực khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/QĐ — TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên quốc lộ 37B, sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.
Người dân Nam Định vui mừng chờ cầu phao Ninh Cường “thay áo”

Dự án này sẽ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là cơ quan chủ quản; Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ dự án. Tổng vốn thực hiện Dự án là 582,516 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA 20,1 triệu USD, tương đương 466,976 tỷ đồng; vốn đối ứng là 115,54 tỷ đồng. Theo đề xuất của Bộ GTVT, cầu Ninh Cường được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều rộng mặt cầu 12m, bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h.

Trên thực tế, cầu phao Ninh Cường vẫn “oằn mình” gánh xe suốt nhiều năm qua. Cùng với đó là mơ ước về một cây cầu cứng qua sông Ninh Cơ của người dân tại 6 huyện của tỉnh Nam Định. Quốc lộ 37B hiện bị “chia cắt” bởi sông Ninh Cơ là tuyến đường quan trọng của tỉnh Nam Định, kết nối giao thông giữa các huyện Vụ Bản - Nghĩa Hưng - Trực Ninh - Hải Hậu - Giao Thủy – Ý Yên. Quốc lộ 37B còn đóng vai trò quan trọng tạo thành vành đai kết nối các quốc lộ (quốc lộ 21A, 21B, 38B, 10) và tỉnh lộ (ĐT.490C, ĐT.488C, ĐT.48) trên địa bàn. Đây là tuyến đường quốc lộ xương sống của tỉnh Nam Định.

Lưu lượng xe qua cầu phao Ninh Cường hàng ngày rất lớn.

Lưu lượng xe qua cầu phao Ninh Cường hàng ngày rất lớn.

Tuy vậy, đi quốc lộ 37B, các phương tiện buộc phải qua cầu phao Ninh Cường trong khi cây cầu này chỉ mở 2 lần/ngày để tàu thuyền đi qua. Cụ thể, mỗi ngày cầu phao Ninh Cường mở cửa 2 giờ đồng hồ để tàu thuyền qua lại đồng nghĩa với việc giao thông đường bộ qua đây liên tục bị “đứt đoạn”. Trong khi đó, vào những giờ thông cầu phao, ô tô chỉ được đi theo một chiều theo sự điều tiết giao thông ở hai đầu cầu.

Ngoài ra, cầu phao Ninh Cường còn xảy ra trường hợp bị gián đoạn nghiêm trọng do xảy ra va chạm với phương tiện đường thủy thì thời gian khắc phục có thể phải mất một vài ngày. Trường hợp có bão lũ thì việc sử dụng cầu phao cũng phải dừng lại. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân.

Ông Lưu Văn Dương – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh chia sẻ, cây cầu Ninh Cường là “gạch nối” quan trọng giữa 6 xã của huyện Trực Ninh và huyện Nghĩa Hưng. “Cây cầu khi hoàn thiện sẽ giúp kết nối giao thông không chỉ trong nội bộ huyện Trực Ninh mà giữa nhiều huyện khác như: Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường. Nguyện vọng của người dân mong muốn có một cây cầu cứng là rất lâu rồi”, ông Lưu Văn Dương chia sẻ.

Cũng giống như huyện Trực Ninh, ông Đỗ Hải Điền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu khẳng định: “Đây là điều kiện rất tốt để phát triển giao thông tạo nên một hệ thống mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện phía Nam, trong đó có huyện Hải Hậu.

Có cây cầu này thì việc giao thương, buôn bán rất thuận lợi. Đồng thời cây cầu này cùng với tuyến đường bộ ven biển và một số tuyến đường trọng yếu mà tỉnh đang triển khai kết nối hệ thống mạng lưới giao thông hoàn chỉnh để giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Đọc thêm