Ấm tình từ “chuyện nhỏ”
Quanh góc phố Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh (quận 1, TP HCM), từ bác xe ôm, chú ba gác máy, chị hàng nước, bà bán xôi, đến người bán vé số đều không còn lạ với hình ảnh người đàn ông đen nhẻm, nhỏ thó có nụ cười hồn hậu, dễ gần làm nghề vá xe có tên là Phạm Văn Lương (52 tuổi).
Họ còn trìu mến gọi anh là “Lương khờ”, “Lương gàn” khi đã U60 mà anh vẫn độc thân, cuộc sống khó khăn bữa có, bữa không nhưng mấy chục năm qua anh vẫn trưng biển “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật”.
Dù tấm bảng chỉ ghi bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật nhưng hết thẩy những người nghèo, học sinh, sinh viên khó khăn, người lao động cũng được anh Lương hào hiệp phục vụ miễn phí rất vui vẻ, tận tình. “Để vậy thôi, chứ ai đến bơm vá cũng nhận mình nghèo hết thì không lẽ từ chối. Từ chối cũng thấy áy náy lắm. Thành ra, “nhìn mặt gửi vàng”, thấy ai đáng thương thì sẵn sàng làm không cho họ, không toan tính” –người đàn ông cười hồn hậu cho biết.
Theo lời chị hàng nước, gần 25 năm qua, có rất nhiều người dân nghèo, sinh viên khó khăn Sài Gòn nhỡ xẹp hay thủng lốp xe giữa đường đã được anh Lương bơm vá, sửa xe miễn phí. Anh làm không mong sẽ được ai đó nhớ hay mang ơn. Anh làm tất cả bởi tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với những người cùng cảnh dù bản thân anh cũng chẳng khá giả gì. Bù lại, có nhiều người tốt luôn nhớ bữa sau đem tiền đến gửi lại anh và cảm ơn”.
Đó chỉ là vài mẩu chuyện nhỏ về tấm lòng nghĩa hiệp “vượt tầm” của người đàn ông “dở hơi” này được những ai cùng mưu sinh nơi ngã ba vỉa hè Bệnh viện Từ Dũ thương cảm kể lại. Nơi đây, còn đó lấp lánh trái tim người đàn ông tốt bụng này với người khuyết tật. Nhưng nếu kể ra, hàng giờ, liên ngày vẫn không hết.
Trò chuyện với PV bên ly trà đá giữa ngày hè nóng như hun, anh Lương rơm rớm nước mắt chia sẻ về cảnh ngộ đời mình. Cơ duyên đưa anh vào nghề “bơm vá miễn phí cho người khuyết tật” cũng thật tình cờ.
Khoảng chừng 23 năm trước, vào một ngày cuối tuần, có một ông lão bị liệt cả hai chân lết trên chiếc xe lăn xịt bánh đến quán anh than thở: “Qua đã đi nhiều quán nhưng quán nào cũng từ chối. Họ ngại sửa xe cho người tàn tật hay sợ qua không có tiền để trả?”. Lập tức anh đỡ ông cụ vào ghế, xông xáo bắt tay vào vá xe lăn cho ông. Sửa xong, anh quyết không lấy tiền dù ông lão cứ dúi mãi vào túi áo. Và hôm sau, anh Lương đã treo tấm bảng “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” giữa ngã ba phố sáng chói.
Anh Phạm Văn Lương đã có gần nửa đời người gắn trọn đời mình với những phiên chợ mưu sinh “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” |
Có bát cơm qua ngày là may mắn…
Bơm vá xe là nghề mưu sinh nhọc nhằn, nhặt từng đồng bạc lẻ nên đương nhiên anh Lương rất nghèo. Đã nghèo, lại phải sống đơn thân, không người chia sẻ nên cuộc sống không dễ dàng gì. Khi PV hỏi về chuyện gia đình, người đàn ông thoáng lặng đi, quay mặt giấu vội giọt nước mắt chực trào ra má. Anh quê tỉnh Quảng Ninh, thời trẻ từng đi bộ đội. Năm 1991, anh vào Sài Gòn lập nghiệp, lấy vợ và có hai đứa con.
Vợ chồng anh mưu sinh ở góc đường này, cuộc sống cơ cực nhưng đầm ấm. Ngặt nỗi, khi sinh được đứa con út chưa đầy 2 tuổi, không chịu được cảnh nghèo, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, người vợ “bỏ rơi” anh và hai đứa con. Từ đó, một thân anh nuôi hai con lớn khôn trong cảnh túng quẫn tột cùng.
Dẫu bị vợ “bỏ rơi” nhưng tự thâm tâm mình, anh Lương vẫn chưa hề có một lời nào oán trách. Anh trầm ngâm nói: “Chẳng trách cô ấy được, chỉ thương tụi nhỏ thôi. Cũng may giai đoạn khốn khó nhất đã qua rồi, giờ cha con tôi nương tựa vào nhau mà sống”.
“Ở Sài Gòn, ba cha con tôi có 7-8 năm sống lăn lóc nơi vỉa hè Sài Gòn. Nay ba cha con cũng thuê được một phòng trọ gần đó để gia đình sum vầy đêm đêm. Hai con nhỏ đã lớn và cũng được đi học, dù chỉ học ở mái ấm tình thương. Còn tôi, dành dụm cũng mua được chiếc xe máy cũ. Ngoài sửa xe, tôi còn chạy thêm xe ôm khi nhàn rỗi. Kinh tế gia đình cũng ổn, không lo như ngày trước.” – anh Lương vui vẻ nói.
Hỏi ra mới biết căn phòng trọ anh Lương thuê có giá khoảng 1 triệu đồng/tháng, nằm cách ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh không xa, tại một xóm trọ nghèo ở Sài Gòn. Cả ngày, anh đi làm, hai con đến trường. Đến tối, cha con mới được tụ họp đông đủ bên mâm cơm đạm bạc mà ấm cúng. Nhớ lại một thời gian gian khó đã qua, anh Lương không khỏi luyến tiếc. Anh luôn và thầm khao khát có được những bữa cơm như thế này, không có gì lớn bằng.
“Có bát cơm qua ngày là may mắn rồi, chẳng ước mơ gì nhiều. Ngoài kia cũng còn biết bao mảnh đời đáng thương mà họ vẫn cố sống. Mình có được như vậy cũng là hạnh phúc rồi. Và giá như mình có điều kiện có thể giúp được nhiều người cùng cảnh như mình trước đây thì luôn sẵn sàng”. Anh Lương luôn lạc quan, tin yêu và vun vén tổ ấm nhỏ bé của mình.
Những việc làm của anh suy cũng “quá tầm” khi ngày qua ngày anh vẫn phải lăn lộn để kiếm từng đồng tiền để lo sinh nhai cho gia đình. Thế nhưng, trong ý nghĩ người đàn ông đơn thân này vẫn không từ bỏ tâm huyết góp thêm nụ cười cho đời. Nhiều người biết hoàn cảnh của anh vẫn khuyên: “Bỏ tấm biển “gàn” kia xuống để kiếm tiền nuôi con đã, thân mình chưa trọn lại còn lo chuyện bao đồng!”. Nhưng anh vẫn vậy, sống an nhiên hồn hậu giữa đời với tâm niệm: “Giúp được ai đó là niềm hạnh phúc. Lá lành đùm lá rách/Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.