Con mời về nhà cũng từ chối
Ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1, TP. HCM), ngay sát cầu Bông, hằng đêm, dòng người vẫn xuôi ngược, vội vã. Trên hè phố, một ông cụ nằm co ro trên chiếc xích lô cũ mèm. Ông tên là Lê Văn Có (SN 1937), tự nhận đã có “thâm niên” 43 năm ngủ trên chiếc xích ở vỉa hè.
Ông Có sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ ở quận 4. Nhưng vì nhà nhỏ, tạm bợ, anh em lại đông, ngày nhỏ ông vẫn thường ngủ nhờ hàng xóm hoặc mái hiên. Không được học hành, ông Có sớm lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Ông học được nghề lái ô tô.
Ông bảo nghèo từ trong trứng nước. Dù là người Sài Gòn “chính hiệu” nhưng nghèo đến mức cha mẹ ông mất, căn nhà chật hẹp, phải đặt quan tài ở ngoài đường.
Cha mẹ chết, anh em mỗi người một nghề, tứ tán khắp nơi. Bao nhiêu cuộc bể dâu, rồi lăn lộn đường đời mưu sinh, ông lạc mất anh em. Bây giờ, ông không nhớ nổi anh em mình là ai hoặc người nào còn sống, người nào đã chết ở đâu.
Chìa bàn tay trái chỉ còn 3 ngón, ông kể: “Năm ấy, tôi mới 18 tuổi, chế độ cũ ra lệnh tổng động viên. Thanh niên khắp vùng đều phải tham gia. Nhưng tôi không muốn đi lính, tôi dùng dao chặt hai ngón tay, chỉ còn tám ngón, thoát quân dịch”.
Năm 20 tuổi, ông Có cưới vợ và sinh được 5 con. Ngày ấy, ông có nghề lái ô tô từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung. Dù 80 tuổi, mấy chục năm trôi qua, ông Có vẫn đọc vanh vách từng địa danh từ Phan Thiết, Phan Rang, đèo Cả, đèo Cù Mông, Quy Nhơn, Sa Huỳnh...
Ông bảo: “Hồi ấy, lái xe đường dài kiếm được nhiều tiền lắm. Có mấy ai dám chạy dọc tuyến quốc lộ 1A vì giao tranh xảy ra liên miên. Tên bay, đạn lạc, pháo kích, nhiều tài xế chết oan. Mỗi chuyến đi, tôi thu được 3 cây vàng. Cứ mỗi lần về lại Sài Gòn, tôi tiêu xài, ăn uống thả ga, đồng hồ xịn, vòng vàng đầy người vì biết đâu sống nay, chết mai”.
Cuộc sống của ông dần thay đổi khi những chuyến xe đường dài không còn mấy ai dám làm hành khách. Ông Có thất nghiệp nên chuyển sang đạp xích lô thuê, dọc xuôi các tuyến đường chở khách, chở hàng hóa kiếm đôi ba đồng. Thu nhập không đủ nuôi gia đình. Vợ ông vì chịu cực khổ không quen, dắt những đứa con đi kinh tế mới. Vợ con đi, ông cũng mất liên lạc.
Căn nhà xưa cũng bị giải tỏa theo diện mở rộng đường đô thị. Một thân một mình, ông lấy tiền đền bù mua cho mình một chiếc xích lô, số còn lại ông lận lưng phòng hờ những ngày ốm đau.
“Thời xưa xích lô là phương tiện đi lại chính của người dân thành phố, nở rộ lắm. Mà càng rộ lên thì càng phức tạp. Người ta bắt đầu bao thầu, giành địa bàn. Tôi ớn cảnh đó nên bỏ Quận 4, sang chợ Tân Định hành nghề. Chủ yếu mấy bà đi chợ kêu chở hàng, chở nước hoặc họ cần đi đâu thì mình chở. Dù cực lắm nhưng thu nhập kha khá”, ông Có kể.
Những tháng ngày gắn bó với chiếc xích lô, ông Có gặp và cưới vợ thứ hai, có thêm một người con trai. Sau đó bà cũng dắt con, bỏ ông Có, về Đồng Nai sinh sống. Mấy năm gần đây, nghe đâu người vợ thứ hai và đứa con quay về sinh sống ở quận 4.
Đứa con lâu lâu ghé thăm cha. Ông nói: “Đứa con bảo về nhà nó ở nhưng vợ tôi ở đó. Chuyện trước đây khó lòng nguôi ngoai thì làm sao ở chung một nhà được. Tôi chỉ thích ở đây”.
Ân tình người Sài Gòn
Tính đến nay, ông Có đã đạp xích lô được 43 năm. Ngần ấy năm, ông bảo chưa một lần ngủ trong mái nhà. Ban ngày, chiếc xích lô là phương tiện kiếm sống, là nơi chứa đồ đạc. Ban đêm, nó trở thành giường ngủ, trở thành mái che tạm bợ cho ông Có. Dù đêm đông, mưa hay lạnh, ông vẫn không rời đi. Chiếc xích lô đậu ở vỉa hè, dưới mái hiên một cửa hàng che bớt sương đêm.
Mỗi ngày, cứ tầm 6h sáng, ông lại đạp xích lô vào chợ Tân Định chở đồ cho mấy bà hàng cá, hàng thịt. “Từ cái ngày xe máy phổ biến, bà già con nít đều biết chạy, nghề xích lô ế ẩm. Nhất là người già như tôi, người ta cũng không muốn thuê. Nhưng mấy người trong chợ lắm lúc cũng nghĩ ra cái để thuê tôi. Chung quy là họ muốn giúp”, ông Có kể.
Một ngày, ông Có kiếm được 30 – 60 ngàn đồng từ công việc đạp xích lô. Ông chia sẻ: “Sức khỏe nay đã kém, cái dốc nhỏ là lên không nổi, phải đẩy bộ. Mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, bữa sáng và bữa chiều, tối nhịn hoặc ai cho gì ăn nấy. Còn tắm giặt thì vào chợ, có nước ở đâu tắm ở đó. Tôi có 3 cái áo thôi nên giặt cũng không mất công”. Quả thật trên chiếc xích lô, ông Có chỉ treo một chiếc khăn mặt, hai cái áo, một cái quần dài được xếp gọn, luồn dưới ghế.
Khoảng 19h mỗi tối, ông lại đậu chiếc xích lô ở vỉa hè, sát vào bờ tường. Ông ngồi lặng lẽ ngắm phố xá, không một lời nào. Ngắm người, ngắm xe, trầm tư đôi lúc, ông lên xe nằm ngủ. Mặc cho dòng người vẫn còn đông, tiếng xe máy, xe ô tô vẫn còn vội vã lướt nhanh. Ông sống cô đơn, chậm rãi giữa cái đô thị nhộn nhịp bậc nhất cả nước. Mặc kệ ai giàu có, không than vãn mình nghèo khổ, ông không mấy quan tâm.
Ông bảo có vài người thấy ông ngủ vỉa hè, định đưa vào viện dưỡng lão hoặc một trung tâm bảo trợ nào đó. Nhưng ông không chịu. Ông nói mình yêu Sài Gòn, muốn sống ở đây: “Tôi còn sức, còn đạp xích lô được. Xung quanh tôi còn có những người nghĩa tình, hào hiệp”.
“Ai nói ở Sài Gòn khó sống, chứ tôi thấy Sài Gòn nuôi sống bất kỳ ai. Ở đây có rất nhiều người tốt. Tôi nằm đây hằng đêm, có người ghé qua cho khi thì ổ bánh mì, khi hộp cơm, cái bánh bao…. Không phải tôi ỷ lại vào những thứ đó nhưng chính nó làm tôi muốn gắn bó hơn, thấy yêu hơn Sài Gòn”.
Mấy năm gần đây, đứa con ông Có vẫn thường đến thăm cha mình. Ông dành dụm được đôi ba đồng, lại gửi cho đứa con giữ. Ông bảo lúc trái gió trở trời, có cái mà chi phí. Chứ đời ông ngược lại với cái tên cha mẹ đặt. Có lẽ cha mẹ đặt tên Có để ông thoát nghèo thoát khổ nhưng trời lại không thương.
“À! Nói về tài sản, tôi có cái này. Cái đài cát sét cũ. Tôi vẫn nghe cải lương, vọng cổ. Cô đơn quá, đêm đêm có nó làm bạn cũng vui. Nhưng giờ thì hết xài được rồi, cũ quá, không ai bán loại băng dây nữa. Để đó làm kỷ niệm”, ông Có cười.
Người ngoài phố vắng đi nhiều, dòng xe cộ bớt đông, người ta đang về sum họp với gia đình, với con, với vợ, với cha mẹ trong căn phòng ấm êm. Còn ông Có lại lặng lẽ leo lên xích lô, lấy cái mền cũ che nửa thân dưới cho ấm, chìm vào giấc ngủ.