Đôi mắt của anh khi nhìn về ánh sáng chói chang lại chẳng hề có phản ứng gì. Bao nhiêu tiền dành dụm được cha mẹ đều dành để chữa trị đôi mắt cho anh. Lớn hơn một chút, gia đình xin cho anh vào học Trường Nguyễn Đình Chiểu, trường dành cho những học sinh khiếm thị. Tại đây, anh được sống trong sự hòa đồng, biết nhiều người cũng bị hỏng mắt, nhưng họ cố gắng rèn luyện để hàng ngày vẫn đi lại và làm việc. Anh được học chữ nổi, học văn hóa như bao bạn khác.
Sau này, với ý chí, nghị lực vươn lên và niềm đam mê, anh còn theo học chuyên ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường cũng đã hỗ trợ cài phần mềm đọc màn hình bằng giọng nói giúp anh tiếp cận tin học và báo điện tử dễ dàng hơn. Nhưng anh băn khoăn khi bài báo của mình sẽ thiếu tính thuyết phục nếu không có những bức ảnh cho bài viết. Và anh đến với nhiếp ảnh như một minh chứng cho sự vươn lên khẳng định mình, đồng thời phản ánh đúng hơn những bài viết mà anh có.
Tháng 11/2007, anh mở triển lãm ảnh: “Những khoảnh khắc từ con mắt thứ ba” ở một quán cafe phố Hàng Bài, Hà Nội, anh cũng muốn thay đổi nhận thức của mọi người về người khiếm thị rằng hãy nhìn những người khiếm thị như bao người bình thường khác, họ muốn được làm việc và muốn được thể hiện tâm hồn nghệ sĩ của mình.
Để có được những bức ảnh đó, anh trải qua những khó khăn và thách thức không nhỏ. Anh chỉ cho chúng tôi đôi chân nhiều sẹo với đốt xương không thẳng từ việc tập đi lại một mình: “Không biết bao nhiêu lần mình ngã, va vào cây, hay vấp vào những viên gạch, nhưng không như thế thì bây giờ tôi đã không thể đi lại một cách thuần thục được”. Anh cười và nói tiếp: “Có lần vì mải chụp ảnh ngã cả xuống hồ, phải đền bạn chiếc máy ảnh đó”.
Vì một số lý do, anh Phan Ngọc Cung đã không tiếp tục con đường báo chí của mình và chuyển sang một lĩnh vực mà ngay từ khi còn trẻ anh được học. Anh được một người thầy dạy cho phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Anh đã có thể đi làm và tự kiếm sống bằng nghề xoa bóp, bấm huyệt. Với niềm đam mê học hỏi, anh tiếp tục tìm hiểu phương pháp tác động cột sống để chữa trị cho nhiều người. Anh tâm sự: “Bình thường không phải ai cũng học được phương pháp này. Đặc biệt với tôi nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và sự khéo léo qua đôi tay. Không thể nhìn thấy như mọi người thì đôi tai và hai bàn tay là thứ giúp tôi định hình được mọi thứ”.
Nói về phương pháp chữa bệnh qua việc tác động cột sống, anh Cung cũng cho biết: “Tôi thích phương pháp này vì nhận thấy phương pháp có cơ sở khoa học của nó là dựa trên cơ chế phản xạ thần kinh để điều trị bệnh. Nhiều người thân của tôi bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm hay mỏi cổ, tuần hoàn não kém…, tôi muốn tìm hiểu để chữa cho họ”.
Tính từ thời điểm anh được học phương pháp tác động cột sống năm 2011 và đến nay anh vẫn vừa chữa trị cho bệnh nhân vừa học hỏi. Với anh, đôi tai và đôi tay chính là động lực cho anh sức mạnh để anh phấn đấu vượt lên mọi khó khăn của bản thân.