Người đàn ông "quý hiếm" của làng Đọi Tam

(PLO) - Với một lòng yêu trống, giữ gìn nghề gia truyền của dòng họ, lưu giữ bản sắc của người Việt, ông Quý đã 63 tuổi nhưng vẫn miệt mài dùng đôi tay nghệ nhân tạo ra những âm thanh đặc biệt của tiếng trống làng, trống trường học, trống lễ hội, hay đơn giản những chiếc trống cơm để rồi mọi người gần xa biết đến...
Ông Bùi Văn Quý đang tỉ mẩn căng dây trống.

Một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam mà chúng ta nhắc đến không thể thiếu những chiếc trống được các nghệ nhân khéo léo tạo ra với những âm vực trầm bổng. Một trong những làng nghề làm trống nổi tiếng ở nước Việt đó là làng Đọi Tam nổi tiếng ở Hà Nam.

Con cháu làng nghề này đã mang nghề của cha ông đi khắp đất nước và gặt hái được thành công mà ông Bùi Văn Quý ở xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ.

Nghề không truyền cho người ngoài

Từ xa chưa cần sự chỉ dẫn của người làng, tôi đã thấy một dáng người lom khom  căng từng sợi dây để buộc chặt miếng da trống vào khung và tìm đúng đến nhà ông  Bùi Văn Quý – nghệ nhân làm trống, một trong những hậu duệ của làng nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng Hà Nam. Trước cửa nhà ông Quý dựng chật những chiếc trống đã được hoàn thành. 

Trò chuyện với phóng viên, ông Quý tự hào kể về nguồn gốc nghề nghiệp của ông. Rằng nghề làm trống đã có từ rất lâu, do tổ tiên mang nghề di cư từ Hà Nam về nơi đây từ trước năm 1945 và được truyền lại qua các thế hệ, lưu giữ cho đến ngày nay. Cũng giống với làng trống Đọi Tam, nghề này không truyền cho người ngoài, chỉ truyền cho con cháu nên hiện tại con trai ông cũng đang theo nghề của cha mình.

Làng trống ở xã Cổ Lũng còn có 4 gia đình theo nghề, trong đó có gia đình ông Quý và con trai của ông. Mỗi tháng ông Quý bán được 10 chiếc trống, chiếc to nhất giá 10 triệu đồng/ 1 chiếc để dùng trong các nhà thờ, lễ hội, còn loại trống dành cho trường học, giao động từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng 1 chiếc. “Tuy không dư giả, nhưng đã là nghề gia truyền thì tôi luôn yêu cầu bản thân mình cũng như con trai phải chăm chỉ, chịu khó học hỏi nâng cao tay nghề” – ông Quý cho biết.

Thu nhập ít nhưng vẫn quyết giữ nghề

Nói về các công đoạn làm trống, ông Quý chia sẻ, để tạo ra được một chiếc trống hoàn chỉnh, người làm phải trải qua 3 công đoạn chính, đó là làm da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm bằng da trâu cạo cho mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít già khô, xẻ cong. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dặm.

Người thợ làm trống sẽ làm cho các dặm gắn kết với nhau, tạo thành trống kín, khít tròn. Còn dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng đến âm thanh. Theo ông Quý, bưng trống là việc khó nhất. Không chỉ đơn giản là  căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh cố định vào thân trống mà việc bưng trống còn đòi hỏi người làm có tai thính để thẩm định tiếng trống ăn vào nốt nhạc nào trong dàn trống.

Công việc khó khăn tỉ mẩn là thế, cộng thêm với nguồn vật liệu gỗ mít già hiện nay ngày một ít. Riêng về phần đầu tư cho nguyên vật liệu làm trống đã rất đắt đỏ, việc làm ra sản phẩm trống đồng cũng không được lời lãi là bao. Thu nhập bình quân của gia đình ông Quý là 4 triệu đồng. Nhưng khi được hỏi: “ Với khó khăn như thế, ông có muốn tiếp tục giữ nghề hay không?” thì ông cười và nói: “ Giữ chứ! Tôi yêu nghề này và vẫn muốn tiếp tục gìn giữ nghề gia truyền của dòng họ mình”. 

Với một lòng yêu trống, giữ gìn nghề gia truyền của dòng họ, lưu giữ bản sắc của người Việt, ông Quý đã 63 tuổi nhưng vẫn miệt mài dùng đôi tay nghệ nhân tạo ra những âm thanh đặc biệt của tiếng trống làng, trống trường học, trống lễ hội, hay đơn giản những chiếc trống cơm để rồi mọi người gần xa biết đến, từ các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn…cũng đến đặt mua trống của nhà ông. Điều đó càng làm động lực cho ông gắn bó với nghề làm trống truyền thống trong suốt cuộc đời.

Đọc thêm