“Lắm nỗi buồn phiền nên chú tui dần nghiện rượu nặng, tuy thế sáng hôm sau tỉnh rượu chú lại cần mẫn đi hái bông súng bán cho người ta, chiều cặm cụi đi nhặt ve chai... Chú tui khổ một đời từ nhỏ đến già, lúc chết cũng bị nghèo đói bám riết, phải chết vì nắm bông súng đang rửa dở dang trên tay...”, cháu gái của ông Chín nói trong nước mắt.
Sống vô gia cư, chết làm tang nhờ
Thi thể người đàn ông tội nghiệp được phát hiện nổi bên mương nước tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM) vào 8h30 sáng 16/7/2016. Hoàn cảnh ông Trần Văn Chín, người dân ở đây đều hiểu rõ.
Một phụ nữ bán hàng rong không khỏi xót xa kể: “Ở đây ai cũng gọi ổng là ông “Chín lựu đạn”. Do ông là con thứ chín trong gia đình, lại thêm trong người không có lấy một đồng lận lưng nhưng cách nói chuyện lúc nào cũng thoải mái, hào sảng, khi lại có phần “nổ”. Ổng rất hiền lành nên xóm làng ai cũng thương”.
Chị này kể thêm, ông Chín không có nhà ở, mấy chục năm nay chỉ lang thang hôm ngủ nhờ nhà người này, mai ghé nhà hoang, ghế đá ngả lưng. Người thân của ông Chín ai cũng nghèo, không giúp được gì nhiều. Hôm ông gặp nạn qua đời, chính quyền địa phương phải tìm xuống hỗ trợ tiền mua quan tài. Còn rạp tang phải dựng nhờ ở nhà người em trai ông Chín.
Một người thân của nạn nhân buồn bã nhớ lại, khoảng 7h sáng 16/7, chị này đi chợ còn nhìn thấy ông Chín nằm đung đưa trên chiếc võng móc cạnh bãi đất hoang ở con hẻm 25 (thuộc đường số 9, phường Hiệp Bình Phước).
“Tui đi ngang chào, chú còn ngẩng đầu nhìn tui cười. Tui đang định bụng lát nữa ra chợ mua hộp cháo mang về cho chú ăn sáng. Nào ngờ...”, người cháu nói.
Cạnh hai gốc cây bàng nơi ông Chín thường móc võng nghỉ trưa, từ mấy năm nay đã có một căn lều cóc bán nước. Bà lão bán nước và nhiều người dân địa phương đều cho biết sáng hôm xảy ra tai nạn, ông Chín hoàn toàn bình thường như mọi ngày, không có biểu hiện nào bất ổn.
“Khoảng gần 8h, ổng nói đi ra vườn hái bông súng để bán. Ổng còn nói “mùa ni bông súng nhiều, hi vọng hái được vài bó kiếm đủ tiền ăn cơm trưa”. Từ lúc ổng đi được khoảng hơn 30 phút thì có người hốt hoảng chạy về báo nhìn thấy ổng nằm úp mặt xuống mương nước chết rồi”, bà lão bán nước đã ngoài 70 thuật lại.
Chị Liên (cháu gái nạn nhân) cho hay: “Lúc hay tin dữ, tui và mọi người chạy đến nơi đã thấy chú tui nằm úp dưới mương nước, tay trái còn nắm chặt mấy cành bông súng. Cạnh đó là vài cành súng bị nước cuốn trôi đi một đoạn ngắn. Trên bờ có hai nắm súng đã được rửa sạch, buộc kĩ lại thành bó nằm chỏng chơ”.
Người cháu rơi nước mắt suy đoán: “Có lẽ sau khi hái súng xong, chú tui tập kết lại để rửa sạch. Rửa xong hai bó, còn bó thứ ba, chắc chú đang loay hoay ngồi rửa thì bông súng bị nước dạt ra khỏi tầm với. Chú tôi cố gắng với tay giật lại nhưng không may bị ngã nhào xuống mương”.
Một số người dân cho hay, khu vườn nơi ông Chín gặp nạn trước kia là ruộng lúa, về sau được người dân lên luống trồng mai cảnh. Theo ghi nhận của PV, khu vườn rộng chừng 1000m2, cứ khoảng hai luống trồng mai sẽ có một mương nước dùng vào việc tưới tiêu cho cây. Dọc các mương, nước chỉ xấp xỉ đầu gối, đều có cây bông súng mọc rải rác.
Chị Liên nghẹn ngào kể, bình thường mương nước rất cạn. Nhưng buổi tối trước ngày ông Chín gặp nạn trời mưa tầm tã, nước dâng ngập hết mương. Người cháu cho rằng, có lẽ do nước cao, ông Chín sợ ướt quần nên trước khi hái bông súng đã cẩn thận cởi quần dài móc trên ngọn cây mai. Ông có tiền sử bệnh động kinh, có lẽ quá hoảng sợ khi bị ngã nên lên cơn co giật, mực nước lại cao nên ông tử vong.
Bộ quần áo của nạn nhân phơi trước cửa nhà hoang vẫn còn nguyên. |
Một đời khốn khổ
Ông Trần Văn Thuận là người tổ chức đám tang cho anh trai tại nhà mình. Khi đám tang người anh đã gỡ rạp, ông Thuận ngậm ngùi kể: “Lúc anh tui “đi”, công an đến phong tỏa khám nghiệm hiện trường đến đầu giờ chiều mới xong. Họ nghi sự việc có uẩn khúc nên thi thể anh tui được đưa vào nhà xác để tiếp tục khám nghiệm tử thi. Đến trưa hôm sau, gia đình tui mới được nhận thi thể anh về hỏa thiêu”.
Ông Thuận cho hay, do “thầy” nói ông Chín “đi” ngày xấu, lại chết nước rất oan ức nên phải hỏa thiêu rồi gửi lên chùa, mong hàng ngày sẽ được cầu siêu.
Được biết, ông Chín là thứ chín trong số 10 anh em. Trước kia cả gia đình làm ruộng kiếm cơm ăn áo mặc. Về sau, tất cả ruộng đều được quy hoạch thành đô thị, nhà cửa khang trang dần thay thế ruộng đồng, những người anh chị của ông Chín lần lượt lập gia đình, có cuộc sống riêng. Chỉ còn lại ông và người em trai là ông Thuận sống cùng cha mẹ.
Hồi còn trẻ, ông Chín vốn là một thanh niên có sức vóc, làm thuê làm mướn đủ nghề. Ba mươi hai năm trước, có người con gái đem lòng yêu thương ông, tuy không đám cưới, không đăng ký kết hôn nhưng vẫn theo ông về nhà cùng chung sống, phụng dưỡng cha mẹ.
Nhưng niềm hạnh phúc ấy kéo dài không được bao lâu. Khi người vợ mang thai được sáu tháng thì hai người xảy ra mâu thuẫn, thường xuyên cãi vã vì chuyện tiền bạc, kinh tế trong gia đình. Quá chán nản, ông Chín thường tìm đến rượu giải khuây, chén chú chén anh đến say khướt mới “chân nam đá chân chiêu” đi về.
Sinh con chưa đầy tháng, vợ ông Chín đã ôm con gái mới sinh bỏ đi nơi khác sinh sống. Đến giờ cũng không ai biết họ đã đi đâu, cuộc sống như thế nào. Sau khi vợ con bỏ đi, ông Chín như đổi tính trở thành một người hoàn toàn khác, chỉ say sưa rượu chè, không lo lắng làm ăn.
Sau đó ít lâu, cha mẹ già lâm bệnh lần lượt qua đời. Căn nhà để lại cho anh em ông dần bị người ta xiết nợ. Khó khăn càng chồng chất, người em trai phải đi làm thuê khắp nơi kiếm sống. Ông Chín ngày làm ngày say nên làm bao nhiêu cũng không đủ nuôi thân. Không còn nhà, từ đó ông một mình sống lang thang nay tá túc nhà anh, mai đến nhà em xin ở nhờ.
Một người bạn của nạn nhân kể lại, lúc tỉnh, ông Chín rất thật thà, chăm chỉ, ai ai cũng thương. Nhưng lúc say, ông trở nên khó tính, ai cũng ngại phiền. Ngay cả anh em cũng không thể chung nhà.
Mấy năm trở lại đây ông Chín càng nghiện rượu nặng hơn. Ban đêm ông tìm đến căn nhà bỏ hoang ở cuối con hẻm 25 ngả lưng. Sáng lại ra bãi đất hoang móc võng nằm nghỉ. Những lúc tỉnh táo, ông đi lượm ve chai, đến mùa nước thì đi hái rau dại, bông súng bán cho người dân. Tuy nhiên bán được bao nhiêu tiền ông đều mua rượu.
“Tui là cháu, nhưng tui không khấm khá gì, cả gia đình bốn miệng ăn chỉ dựa vào đồng lương công nhân. Vì quá eo hẹp nên mẹ con tui còn ở nhà trọ. Thương chú, lâu lâu tui chỉ giúp chú được bữa cơm, bữa cháo”, người cháu chia sẻ.
Rồi chị chợt bàng hoàng nhớ lại: “Trước hôm bị nạn một ngày, chú tui uống rất nhiều. Khi say còn khóc lóc nói “đời chú khổ quá, vợ con không nhận, nhà cửa, sự nghiệp cũng không,... coi như đều tay trắng, thôi thì chết quách cho xong, không còn nợ đời...”.
Chiếc võng nơi nạn nhân thường nghỉ trưa. |
Khóc xong, chú còn đi về nhà hoang ngủ. Tui biết chú chỉ say nên nói vậy nhưng ai ngờ câu nói vô tình như đã “vận” vào chú vậy. Khi chú gặp nạn qua đời, tui về nhà hoang còn thấy bộ áo quần chú giặt lúc rạng sáng vẫn chưa kịp khô. Chiếc võng chú nằm vẫn y nguyên đó...”.
Người cháu nạn nhân kể: “Trước hôm bị nạn một ngày, chú tui uống rất nhiều. Khi say còn khóc lóc nói “đời chú khổ quá, vợ con không nhận, nhà cửa, sự nghiệp cũng không,... coi như đều tay trắng, thôi thì chết quách cho xong, không còn nợ đời...”.
Khóc xong, chú còn đi về nhà hoang ngủ. Tui biết chú chỉ say nên nói vậy nhưng ai ngờ câu nói vô tình như đã “vận” vào chú vậy. Khi chú gặp nạn qua đời, tui về nhà hoang còn thấy bộ áo quần chú giặt lúc rạng sáng vẫn chưa kịp khô. Chiếc võng chú nằm vẫn y nguyên đó...”.