Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 100 giấy phép thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Nam cấp. Năm 2009, khối lượng khoáng sản khai thác, chế biến, xuất khẩu vàng tại Quảng Nam đạt 795,49kg, bạc có đi kèm vàng 298,70kg.
Trong đó, giấy phép vàng chiếm số lượng lớn, tập trung ở các huyện đầu nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia như Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phú Ninh, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và đặc biệt là Phước Sơn.
Tắm một lần ngứa ngáy, tắm hai lần mụn rộp
Ông Võ T., một người dân sống ở bến đò Tí (thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) cho biết: “Gần ba năm nay, ở vùng này không ai dám xuống sông tắm chứ đừng nói tới lấy nước uống. Tắm một lần thì ngứa ngáy, tắm lần thứ hai thì da phồng rộp hết lên, cả tháng mới lành nên thất kinh!”.
Tình trạng tương tự ở đoạn sông dưới nữa thuộc xã Quế Trung, ông lái đò Trần Văn A. cho biết không một ai liều mình xuống sông tắm. Nhưng ngay cạnh bến đò đầu Trung Phước của xã này, nhà máy nước vẫn vô tư hút nước sông lên để cấp cho dân uống, vì phía bên này khoan nước giếng khó và không có nguồn nước tự chảy từ trên núi xuống.
Nước thải từ bãi vàng xả trực tiếp xuống sông, suối đầu nguồn, không một ai liều mình tắm sông. |
Trở lại làng Trà Linh, sau khi bị người dân địa phương kéo lên bãi đòi đập phá phương tiện vì ô nhiễm, Công ty Nhất Phương được sự hỗ trợ của chính quyền tổ chức họp dân. Tại cuộc họp này đại diện công ty hứa với dân làng Trà Linh sẽ xây dựng cho làng một nhà họp dân, làm một đoạn đường bê tông và hỗ trợ mỗi gia đình một triệu đồng.
Sau cuộc họp, đại diện nhân dân đã ký một biên bản “cho phép” công ty này được khai thác vàng. Như vậy, ngoài giấy phép mà UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp, Công ty Nhất Phương còn có thêm một lá bùa hộ mệnh khác nữa để tự do tàn phá, bất chấp hậu quả đổ xuống đầu người dân sống ở làng bên dưới, ven sông Thu Bồn thuộc huyện Nông Sơn, Duy Xuyên phải gánh chịu hậu quả.
Phần lớn các khu vực khai thác vàng đều nằm ở đầu nguồn nước, việc cấp phép tràn lan cho các đơn vị khai thác vàng và nạn đào đãi vàng trái phép đã giết chết môi trường. Các con suối đầu nguồn Phước Sơn, thượng nguồn Thu Bồn, Vu Gia… ở nơi những bãi vàng chúng tôi đã đi qua, chỉ nhìn bằng mắt thường có thể thấy chúng đã “chết” từ lâu.
Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, nhân dân hai bên bờ sông Thu Bồn thuộc huyện Nông Sơn đã bức xúc phản ánh tình trạng họ bị uống “thuốc độc” dần dần hàng ngày. Ý kiến đó cũng từng được nêu lên trong các kỳ họp HĐND tỉnh nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Chính quyền địa phương ở các huyện đầu nguồn đổ lỗi cho việc sông ô nhiễm là do thuỷ điện.
Thất kinh chất độc tập kết về sông, suối đầu nguồn
Trong các hồ sơ xin giấy phép khai thác vàng của các công ty thường đi kèm với lới hứa bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, sau khi có được giấy phép, việc giám sát kiểm tra lời hứa đó được thực hiện như thế nào thì không rõ. Vàng trong tự nhiên có hai loại là vàng đất và vàng sa khoáng. Đối với vàng sa khoáng, trọng lượng nhẹ, mỏng, chỉ có thể tách ra bằng cách dùng chất độc cyanua để phân kim. Các điểm khai thác vàng sa khoáng ở Quảng Nam tập trung ven hai bên bờ đầu nguồn các con sông, lượng cyanua chưa phân huỷ hết tha hồ thải ra sông, đổ xuống hạ lưu.
Một bếp ăn tại bãi vàng ngay giữa “trung tâm” chất độc cyanua. |
Từ lâu, Quảng Nam trở thành nơi tập kết cyanua lớn nhất cả nước bởi việc khai thác vàng có giấy phép và cả không giấy phép. Tất cả các đơn vị khai thác vàng đều có sử dụng loại chất cực độc này để phân kim. Không thiếu những vụ vận chuyển trái phép chất độc trong nhiều năm qua, như xe khách 53N-9092 chạy từ Hà Nội vào TP.HCM bị lực lượng Công an Đà Nẵng kiểm tra và phát hiện chở đến một tấn cyanua để cung cấp cho các bãi vàng tại Quảng Nam. Trong khi đó, chỉ với 0,15g chất độc này có thể giết chết một người.
Trong những giấy phép khai thác vàng, chỉ ràng buộc những chủ đầu tư bảo đảm về môi trường chung chung, không có giấy phép nào cụ thể nói đến chất cực độc và cần thiết nhất cho việc phân kim vàng là cyanua.
Tại Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) - đơn vị được xem là bảo đảm quy trình khép kín về việc xử lý chất thải, chúng tôi tận mắt chứng kiến quy trình xả nước và xử lý qua ba hồ thải được xây dựng quy mô. Tuy nhiên, không ít lần kiểm tra trước đây, hàm lượng cyanua ở những hồ thải đã được bảo đảm này cũng vượt mức cho phép nhiều lần./.