Rủ nhau đào đất tìm sùng
Sùng đất thuộc loại thân mềm như nhộng nhưng có kích cỡ to hơn rất nhiều, bằng khoảng ngón tay cái người lớn. Thân sùng đất có màu trắng đục, đầu màu vàng và phía dưới bụng có chân. Củ mì (sắn) là món ăn khoái khẩu của sùng đất. Với mùa màng, sùng đất là kẻ phá hoại. Nơi nào chúng đào hang làm ổ là nương mì ở đó bị chúng cắn tan tành gốc rễ, khiến cây chết khô như gặp hạn hán.
Thời điểm này, những nương mì trồng ở bãi bồi dọc theo sông Vệ trải dài từ các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành)đã được nông dân thu hoạch. Những củ mì còn sót lại trong lòng đất đã“rủ rê” lũ sùng đất đến kiếm ăn. Vậy là mùa săn sùng đất bắt đầu. Mùa săn sùng đất kéo dài đến hết tháng 12, thời điểm người dân canh tác trở lại thì chấm dứt.
Tuy chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian khá ngắn, thế nhưng mùa săn sùng đất thu hút khá nhiều người dân ởcác xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện và một số vùng lân cận của tỉnh Quảng Ngãi. Bởi sùng đất đem lại được nguồn thu đáng kể cho họ.
Theo những người đi săn sùng đất, trước đây, chỉ có những chủ nương mì mới nghĩ đến chuyện đào sùng, với mục đích chủ yếu là tiêu diệt loại côn trùng chuyên gây hại mùa màng cho vụ sau. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sùng đất trở thành món ăn đặc sản ở các nhà hàng nên rất có giá. Vậy nên đợi đến mùa, ai cũng tranh thủ đi đào.
“Trước kia, săn sùng đất về chỉ để cho gà ăn nên những lúc rảnh bà con mới đi đào. Còn bây giờ, đi săn sùng đất nông dân chúng tôi được lợi kép, vừa góp phần bảo vệ mùa màng, lại có thu nhập cao. Loại côn trùng này tuy nhìn thấy ghê ghê nhưng sống ở bãi bồi, ăn củ mì nên rất sạch”, chị Nguyễn Thị Chành (ngụ xã Hành Tín Đông) cho biết.
|
Thời điểm này, nhiều người dân ở Quảng Ngãi đổ xô đến các bãi bồi dọc theo sông Vệ để săn sùng đất. |
Hàng ngày, những người đi săn sùng đất thường bắt đầu từ khoảng 6h - 10h và tiếp tục từ 14h - 17h. Săn loại côn trùng này, ai cũng có thểtham gia, từ đàn ông, phụ nữ đến người già, trẻ em. Họ đi thành nhóm, mỗi nhóm vài ba người, vừa đi vừa nói chuyện rôm rả.
Đồ nghề đào sùng đất cực kỳ đơn giản, mỗi người chỉ cần mang theo một cái cuốc và một chiếc xô nhựa đổ sẵn vào đó một ít nước. Ra đếnbãi bồi dọc theo sông, họ dàn hàng ngang, những lưỡi cuốc vươn cao, bập xuống liên hồi trên vùng đất mênh mông. Thế là những con sùng đất nung núc sữa trồi lên. Những thợ săn sùng cúi xuống nhặt, dùng hai tay ngắt ruột con sùng, rồi bỏ ngay vào chiếc xô nhựa đựng nước.
Những người săn sùng cho biết, bắt được sùng lên khỏi lòng đất nếu không ngắt ruột và bỏ vào nước ngay thì thịt của nó sẽ bị đen, mất phẩm chất, ắt nhiên bán sẽ mất giá. Tuy nhiên, nếu không dùng cách này thì còn có cách bảo quản khác. Đó là bỏsùng vào chiếc xô khô, phủ lên một lớp đất, cứ như chúng đang sống dưới đất thì thịt chúng vẫn tươi ngon.
Giá sùng đất năm nay cao hơn mọi năm, dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg nên rất nhiều người đi săn sùng ở các bãi bồi dọc sông Vệ. Bởi đơn giản, với giá cao ngất ngưỡng như vậy, một ngày chỉ cần họ đào được 1kg sùng là cao hơn ngày công lao động tại địa phương.
“Khoảng 5 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ tới thời điểm này là tôi vác cuốc, mang xô đi đào sùng đất. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, tôi cũng đi đào sùng. Nếu hôm đào ít, mỗi ngày tôi cũng bỏ túi được trên 400.000 đồng. Thu nhập như vậy là cao hơn nhiều so với công lao của người nông dân chúng tôi”, bà Trần Thị Hậu (ngụ xã Hành Tín Tây) chia sẻ.
Đào sùng đất ở các bãi bồi dọc sông Vệ, người đào giỏi thì mỗi ngày cũng bắt được 3kg, có khi còn nhiều hơn, người ítcũng được 1kg. Một điều hay là ở vùng đất người ta đào săn sùng rồi, nhưng vài ngày sau xới đất trở lại vẫn tìm được nhiều con sùng to tròn. Chính vì vậy mà người săn sùng cứ đào bới đất nhiều lần, không cho một cây cỏ nào mọc được.
“Thần dược” phòng the của đấng mày râu
Sùng đất sau khi chế biến được xem là món ăn ngon, bổ dưỡng và khá thú vị cho những ai được một lần thưởng thức. Sùng đất sau khi được bắt về, trước tiên được rửa cho sạch. Khi rửa phải chú ý nhẹ tay, nếu không lớp mỡ bên trong sẽ bị chảy ra, làm sùng không còn giữ được độ béo.
Sau khi để ráo nước chừng 3 phút, sùng được mang đi ướp với gia vị. Sùng đất không “kén” gia vị tẩm ướp, chỉ cần những gia vị thông thường như:tiêu, ớt, tỏi, sả và một ít mắm pha sẵn là đủ.
Từ công đoạn này, sùng đất được chế biến ra nhiều món khác nhau như: sùng đất nướng vỉ, sùng xào nghệ, sùng xào sảớt, sùng chiên bột… Ở các nhà hàng, quán nhậu, món sùng đất nướng vỉ là khoái khẩu của những người sành ăn.
Trong quá trình nướng, chủ quán thường trở sùng đều tay để không bị cháy sém. Sùng đất nướng ăn kèm với lá mơ, xà lách hay lá lốt non tùy theo sở thích của người ăn. Vị ngọt, dai, giòn và béo tan chảy ngay ở đầu lưỡi, khiến những ai một lần được thưởng thức sẽ rất khó quên.
“Thực khách ăn một lần món sùng đất nướng là hầu như nghiện món này. Với món nướng, bằng cách cho sùng đất đã thấm gia vị lên vỉ rồi đặt trên bếp than rực đỏ. Trở vỉ nhiều lần và phải thật đều tay để sùng không bị cháy sém, thấy chín đều, bay mùi thơm ngon là dùng được”, một chủ nhà hàng ở đường Phan Bội Châu (TP Quảng Ngãi) cho biết.
Tuy vẻ bề ngoài nhìn gớm ghiếc nhưng sùng đất giàu chất dinh dưỡng. Do vậy, nhiều người còn gọi sùng đất là “hải sâm” trên cạn. Đặc biệt, cánh đàn ông cho rằng, sau khi ăn sùng đất thì “tăng sức mạnh đàn ông”. Cũng vì vậy mà họ gọi vui sùng đất là loại “xuân dược” nghìn năm tráng kiện, là vị thuốc mà đàn ông tin dùng để duy trì khả năng phòng the của mình.
“Theo kinh nghiệm dân gian, ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh nên tại nhà hàng, món này luôn trong tình trạng cháy hàng”, chủ nhà hàng ở đường Phan Bội Châu chia sẻ.
Nếu du khách có dịp đến tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm này, có lẽ không gì hấp dẫn hơn trong ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, mọi người cùng quây quần thưởng thức.