27 năm làm anh giáo vùng cao
Là người con gốc Hà Nội nhưng thầy Thắng lại gắn bó với vùng cao do cơ duyên với nghề sư phạm. Năm 1960 tốt nghiệp hệ Trung cấp của Trường Sư phạm Hà Nội, thầy đã đi đến một lựa chọn ít ai ngờ tới, xa gia đình, rời thủ đô lên vùng cao dạy chữ. 27 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao, với những em học sinh thơ ngây, chất phác, thầy đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.
Trong những tháng năm đó, có 10 năm thầy làm Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Văn, thị trấn Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đây là quãng thời gian đã để lại trong thầy nhiều kỉ niệm khó phai mờ với học trò ở khắp vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Những ngày đầu, thầy mang con chữ đến với lớp bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ nòng cốt các địa phương. Đó cũng là khoảng thời gian người con trai gốc Hà thành được trải nghiệm và chứng kiến sự khó khăn khôn cùng của cuộc sống nơi núi rừng.
“Đời sống giáo viên thiếu thốn, lương thấp, phải leo đèo, leo núi mới lấy được nước sinh hoạt... nhưng chúng tôi được an ủi nhiều bởi bà con nơi đây tình nghĩa lắm” - thầy Thắng nhớ lại.
Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa thầy trở về với Hà Nội, thầy trầm ngâm cho biết, 27 năm gắn bó với vùng cao, sống trong điều kiện thiếu thốn, đèn điện không có lại ham đọc sách, đôi mắt vốn bị cận thị bẩm sinh của thầy ngày càng kém đi, cộng thêm căn bệnh tiểu đường đã làm hỏng võng mạc của cả hai bên mắt khiến thầy hoàn toàn bị mất khả năng nhìn thấy ánh sáng.
Thầy Thắng phải bùi ngùi chia tay với mảnh đất đã gắn bó 1/3 đời mình về Hà Nội chạy chữa.
Về Hà Nội trị bệnh, thầy gặp lại người bạn học, hiện là Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường duy nhất dạy văn hóa cho trẻ khiếm thị tại miền Bắc. Cảm mến trước đạo đức và năng lực sư phạm của thầy Thắng, người bạn cũ mời thầy về trường giảng dạy cho các em khiếm thị.
Từ đó, thầy Thắng có cơ hội để tiếp tục theo đuổi nghề sư phạm của mình ở một môi trường giáo dục hoàn toàn mới.
“Người cha” của hàng trăm học sinh khiếm thị
Do hoàn cảnh riêng, thầy Thắng không lập gia đình. Với thầy, khu nội trú chính là nhà và học sinh là những đứa con. Thầy chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò của mình. Mỗi buổi sáng, thầy đến từng phòng đánh thức học sinh dậy làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng để kịp giờ lên lớp.
Tối đến, trước khi đi ngủ thầy lại đi từng phòng để nhắc nhở các em buông màn, khóa cửa cẩn thận.
Sống trong khu nội trú, có nhiều thời gian gần gũi, trò chuyện cùng các em, hơn ai hết, thầy Thắng hiểu rõ hơn về cảnh ngộ của từng em.
Thầy tâm sự: “Ông cha ta nói “giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay”, các em khiếm thị lúc nào cũng sống trong bóng tối, thiệt thòi nhiều lắm. Nhiều em tự ti, mặc cảm “mù rồi, học thì làm gì?”, “mù sao có hạnh phúc, có hôn nhân?”, “làm sao để kiếm sống”... những câu hỏi ấy làm tôi day dứt”.
Với mỗi học sinh, thầy lại có cách tiếp cận và giáo dục riêng để xóa đi sự mặc cảm tự ti, qua đó giúp các em có thêm niềm tin để vươn lên trong cuộc sống. Thỉnh thoảng thầy lại mời những người khiếm thị có thành công trong công việc và hạnh phúc gia đình đến nói chuyện cho học sinh nghe.
Bằng tình yêu thương của mình, thầy đã đem đến một gia đình thực sự cho những thế hệ học sinh khiếm thị ở khu nội trú. Mỗi học sinh trưởng thành từ mái trường Nguyễn Đình Chiểu, ai cũng mang trong lòng những kỉ niệm sâu sắc về người thầy được mệnh danh là “pho từ điển sống” của học sinh khiếm thị.
Thầy luôn trăn trở làm sao cho người khiếm thị cũng được bình đẳng, hòa nhập với mọi người nên thầy luôn động viên học sinh học thật tốt chương trình văn hóa ở trên lớp. Ngoài ra, thầy còn bỏ công tìm kiếm, thử nghiệm nhiều nghề khác nhau để dạy cho các em: làm tăm tre, đan rổ, rá...
Thầy còn đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường mời các giáo viên giỏi của Nhạc viện về dạy âm nhạc cho lớp, mời các giảng viên của Trường Y học Dân tộc Tuệ Tĩnh đến dạy nghề xoa bóp bấm huyệt... Từ những lớp học này, nhiều em đã thi được vào Nhạc viện, nhiều em ra trường sống được với nghề.
Em Lê Thị Lý, một học sinh của trường chia sẻ: “Chúng em luôn quý mến thầy Thắng. Thầy coi học sinh như con của mình, bạn nào ốm là thầy lo lắng, tìm thuốc cho uống, thầy nhắc chúng em từng công việc nhỏ. Mỗi tối, thầy thường kể chuyện cho học sinh nghe. Những ngày tết ở khu nội trú cũng vui không kém ở nhà, vì chúng em luôn có thầy Thắng đón giao thừa, ăn tết cùng”.
Niềm vui người thầy
Với thầy Thắng, không có niềm vui, niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn là được thấy sự trưởng thành của những học sinh khiếm thị. Nhắc tới học trò của mình, thầy Thắng vui mừng kể lại: “Đã có nhiều học sinh khiếm thị trưởng thành từ mái trường Nguyễn Đình Chiểu như em Nguyễn Thị Mai, quê ở thị xã Sơn Tây nhận học bổng học thạc sỹ ở Mỹ, sau đó được mời ở lại làm giáo viên, hay thủ khoa khiếm thị Đại học Sư phạm Hà Nội Đào Thu Hương - 1 trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của thủ đô năm 2010...
Các em là động lực để tôi cùng các thế hệ học trò khác vững tin bước tiếp trên con đường khó khăn này”.
Tới nay, người thầy tóc bạc này dù đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được tạo điều kiện ở lại trường và làm công tác quản lý tại khu nội trú. Với thầy, bằng tình yêu thương dành cho học trò, nhiệm vụ giúp các trẻ khiếm thị xóa bỏ mặc cảm bệnh tật của bản thân, giúp các em có thể hòa nhập với xã hội luôn là đích phấn đấu cuối cùng mà thầy vẫn phải tiếp tục làm.
Thầy luôn trăn trở: “Đến bao giờ các em khiếm thị có được một nghề để sống được, lúc đó tôi mới vơi đi phần nào sự lo lắng”.