Là một người con đồng bào Dao, TS. Bàn Tuấn Năng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ lâu vẫn luôn trăn trở với việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình.
Chia sẻ về quyết tâm thành lập một cộng đồng người Dao từ khắp các vùng miền của cả nước và tiến xa hơn là thế giới, TS. Bàn Tuấn Năng cho hay, người Dao vốn cư trú ở miền núi bao đời nay, phân bố rải rác khắp mọi miền của Tổ quốc. Tuy nhiên, giữa họ vẫn luôn có một sợi dây gắn kết vô hình là tín ngưỡng tâm linh về Ông tổ Bàn Vương (tên gọi khác là Bàn Hồ). Người Dao ở bất cứ đâu trên thế giới người ta đều nói mình cùng là con cháu Bàn Hồ.
Điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức, đời sống của người đồng bào Dao. Ví như tại một làng xóm người Dao dù khác dòng họ nhưng khi cần nhờ nhau việc lớn nào họ sẽ thường nói “Chúng ta đều là con cháu Bàn Hồ”. Chỉ cần một câu nói đơn giản như vậy nhưng họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ nhau chẳng quản việc khó.
Ông Tổ Bàn Vương là sợi dây kết nối của người Dao |
“Tuy nhiên, bao lâu nay sợi dây gắn kết đó chỉ trong diện nhỏ. Người Dao chúng tôi thiếu một người đứng đầu để gắn kết ở các khu vực lớn như Thủ đô, sau đó liên kết đến các tỉnh. Đó là mong mỏi không của riêng tôi mà của rất nhiều người con của đồng bào Dao ở Việt Nam”, TS. Bàn Tuấn Năng giãi bày.
Tháng 11/2020, để chuẩn bị cho Dự án làng Bảo tồn Văn hóa người Dao tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, để có thể hoàn thành được dự án quy mô này, TS. Bàn Tuấn Năng phải cần đến sự trợ giúp của đồng bào Dao ở nhiều vùng miền. Để làm được điều đó, không có cách nào khác chính là phải tập hợp nhóm Dao trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Lý giải việc tại sao lại tìm tới chính những người Dao “chính hiệu” tham gia vào lễ hội này, TS. Bàn Tuấn Năng cho rằng, một trong những điểm bảo tồn văn hóa nói chung, Nhà nước bỏ tiền thuê nghệ nhân về hát các bài hát vô hồn, biểu diễn theo kiểu sân khấu, không cảm xúc. TS. Bàn Tuấn Năng không muốn làm như vậy.
Hơn hết, TS. Năng hiểu được như cầu thực sự của những người đồng bào ông là cần một nhóm liên kết bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào mình. Vì trước những tác động của thế giới phẳng, người Dao nhiều vùng miền cũng đánh mất đi bản sắc của chính mình, sự gắn kết và hiểu biết của họ về chính dân tộc mình cũng không đầy đủ. Xa hơn nưa, TS. Năng muốn dùng sự gắn kết để giúp đồng bào của mình phát triển kinh tế, vượt qua cái nghèo mà nhiều đời nay đa phần người Dao vẫn đang phải đối mặt.
Những ngày đầu thành lập nhóm, khó khăn lớn nhất là câu chuyện về kinh tế bởi hầu hết người Dao đều không phải là người có tiềm lực. Thứ duy nhất mà TS. Năng có được chính là sự đồng lòng, cùng muốn đóng góp, xây dựng nhóm “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc”.
Sau một thời gian hoạt động, bắt đầu từ những ý tưởng TS. Năng cùng những cộng sự của mình đã làm được nhiều điều ý nghĩa cho đồng bào mình. Điển hình như: giúp đỡ hoàn cảnh của TS. Lý Hành Sơn, nguyên là cán bộ tại Viện dân tộc Học Việt Nam đã nghỉ hưu, TS. Sơn vừa phẫu thuật cắt một bên thận; giúp đỡ học bổng cho sinh viên Phượng Mùi Mấy (Hà Giang), Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, do hoàn cảnh khó khăn phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền sinh hoạt và học tập…
Cuộc gặp gỡ và giúp đỡ đầy xúc động của TS. Bàn Tuấn Năng (phải) với TS. Lý Hành Sơn |
Về kinh tế, TS. Năng đã vận dụng những mối quan hệ của mình để giúp các sản phẩm lâm, thổ sản truyền thống như trang sức bạc, thuốc, thổ cẩm… tìm được nơi tiêu thụ. “Tôi muốn đồng bào mình làm giàu từ chính những tri thức của dân tộc mình”, TS. Năng giãi bày.
Những việc làm của nhóm “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc” do TS. Bàn Tuấn Năng xây dựng được chính những người Dao đánh giá “đã bước từ trang mạng xã hội ra với đời thực”, đó là sự khác biệt lớn nhất so với hàng trăm page về người Dao trước đây.
“Lúc mới bắt đầu được một bạn mời tham gia nhóm, ý nghĩ đầu tiên trong đầu cháu là chắc nhóm này cũng giống những nhóm trước mình từng tham gia, không có gì nổi trội và đặc sắc. Rồi dần dần cái ý nghĩ đấy của cháu bị thay thế vì thấy các chú, anh chị, bạn bè, các em trong nhóm rất tâm huyết xây dựng nhóm.
Mục tiêu vừa gìn giữ bản sắc của dân tộc Dao vừa giao thoa văn hóa với xã hội hiện đại. Thấy được sự góp sức, sự đồng lòng của mọi người trong tất cả mọi việc. Thấy được một nhóm dân tộc Dao không phải trên mạng xã hội mà nó tồn tại thực sự ngoài đời”, chia sẻ đầy xúc động của bạn Tẩn U Mẩy (SN 1994), bác sĩ công tác tại Trâm Tâm y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu.
Ngoài mục tiêu gắn kết văn hóa "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc" còn muốn giúp dân tộc mình vượt nghèo từ chính những tri thức của đồng bào mình |
Những chia sẻ của các thành viên như Tẩn U Mẩy đã luôn là nguồn động lực với người dẫn dắt như TS. Bàn Tuấn Năng. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, TS. Bàn Tuấn Năng cho biết sẽ tổ chức lần gặp mặt thứ 2 của nhóm vào tháng 6/2020. Thành viên tham dự sẽ là Đại diện người Dao của các tỉnh. Nội dung làm việc bao gồm: thông qua cơ chế hoạt động của nhóm, đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa riêng biệt của mỗi tỉnh… Người Dao ở Hà Nội sẽ nắm giữ vai trò tư vấn chiến lược.
Đặc biệt, TS. Bàn Tuấn Năng sẽ kêu gọi các nhóm Dao tham gia Lễ hội Bàn Vương sẽ được tổ chức vào tháng 8/ 2020 tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
“Việc mời người Dao tham dự Lễ hội Bàn Vương để phục dựng lại lễ hội tổ tiên sao cho chuẩn mực nhất sẽ là một đối trọng mang ý nghĩa đặc biệt để chống trả lại sự xâm nhập của tôn giáo ngoại lại, giúp gắn kết cộng đồng người Dao”, TS. Bàn Tuấn Năng khẳng định.