Người gieo niềm tin trong lòng dân Chư Mố

(PLO) - Tôi gặp ông Ksor Nai (58 tuổi, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) vào một buổi chiều mưa. Cuộc gặp muộn, sau khi phải chờ đợi ông xong cuộc hoà giải của mình.
Hòa giải viên Ksor Nai.

Từ cái duyên với nghề

Ông kể rằng, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ trở thành một hoà giải viên. Ban đầu, ông cứ đi theo những người lớn tuổi trong làng. Thế rồi, từ lúc nào những phong tục tập quán của người dân nơi đây chảy vào máu ông để cứ rảnh là ông lại tìm hiểu về những phong tục đó. Rồi những cuộc tranh cãi giữa những nhóm thanh niên trong làng được ông hoá giải êm đẹp. Dần dần, thanh niên trong làng có chuyện gì khúc mắc đều nhờ ông giải quyết. “Nhưng nói để chính thức công việc hoà giải thì mãi đến năm 1977 mình mới bắt đầu làm”, ông Ksor Nai cho biết. 

Ông kể, ông còn nhớ mãi cuộc hoà giải đầu tiên trong cuộc đời mình là đã giúp cho một đôi nam, nữ nên duyên. Hồi đó có một đôi nam, nữ trong làng rất yêu nhau, thế nhưng lại bị cha mẹ ngăn cản quyết liệt bởi trước đó hai gia đình vốn mang hiềm khích. Mỗi lần hai người gặp nhau là thế nào cô gái cũng bị bố mẹ đánh đòn. Cô gái và chàng trai kia đến gặp ông nói về ý định hai người sẽ tự tử để được ở bên nhau mãi mãi, bởi ngày ấy trong bản làng của ông thì chuyện “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy là một lẽ đương nhiên”. 

Ông nói: “Đầu tiên mình phải động viên hai bạn trẻ kia bởi lỡ hai bạn dại dột làm liều. Mình nói với hai bạn ấy rằng “Bố mẹ cấm thì cấm bên ngoài thôi chứ làm sao mà cấm được tình yêu trong trái tim hai đứa”. Rồi ông kiên trì vận động bố mẹ hai bên gia đình.

Ông chỉ ra cho họ thấy rằng, những cái tự ái của phụ huynh có quan trọng bằng hạnh phúc và tính mạng của những đứa con. Nhờ sự kiên trì, cuối cùng hai bên gia đình cũng dẹp đi tự ái cá nhân để đồng ý cho cặp đôi được ở bên nhau. Rồi ông cười rủng rảng: “Giờ thì hai vợ chồng đó đã có con đàn, cháu đống rồi. Lâu lâu vợ chồng họ lại mời tôi uống rượu. Trong những cuộc rượu mỗi lần nhắc lại chuyện cũ hai vợ chồng đó vẫn còn ngại ngùng lắm”.

Tài sản chính của mình là niềm tin

Làng bây giờ có khoảng 144 hộ dân sống thì phần lớn các cặp vợ chồng đều qua sự hòa giải hay qua bàn tay mai mối của ông Ksor Nai. Nói đến chuyện nghề, ông hồ hởi: “Gần 40 năm với công tác này rồi, mình không chỉ làm hòa giải trong xã mà còn đi hỗ trợ thêm ở các xã, huyện lân cận nữa, đồng bào họ tin mình nên họ mời mình, hòa giải mà thành công thì họ liên hoan thân mật, nhà nào ở xa thì họ cho tiền xăng mình đi về còn không thì họ cho bó lá mì về rang ăn, tài sản chính của mình là niềm tin, là sự tin tưởng của người ta đối với mình”.

Chuyện đau đầu nhất đối với những người đồng bào nơi đây chính là lễ vật cưới hỏi. Khi cưới người đồng bào đều phải trải qua ba bước: bước đầu, nhà gái nhờ 2 ông mai đem vòng cưới đi hỏi nhà trai, nếu nhà trai đồng ý thì trao lại cho nhà gái một chiếc vòng cưới tương tự, dân gian vẫn lưu truyền câu nói về chiếc vòng cầu hôn ấy như sau “Cho không lấy, thấy không lượm, ai cầm trên tay giá trị từ ba con bò trở lên”; Bước hai là lễ đám hỏi, chỉ cần một ghè rượu và một con gà là đủ; Bước thứ ba là lễ kết hôn thì cần có ba ghè rượu, một con heo cho bố và một con bò cho mẹ, thêm một con dê cho bọn thanh, thiếu niên nhà trai cắt máu nữa.

Chính vì vậy, nhà nào nhiều con gái thì tốn kém lắm. Lắm nhà nghèo quá, con gái không dám lấy chồng. Tuy rất yêu mến những phong tục của đồng bào nhưng ông lại thấy việc cưới hỏi quá rườm rà đã khiến nhiều cặp đôi tan vỡ không được ở bên người mình yêu, nhiều gia đình nghèo đói triền miên. 

Chính vì vậy, ông động viên những người già trong làng, những gia đình có con cái đến tuổi “cập kê”… Ông nói: “Ban đầu mình nói những điều đi trái lại với phong tục, tập quán thì không được những người trong làng ưng cái bụng. Nhưng mình vẫn kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Dần dần người dân hiểu ra rằng, chính việc đòi hỏi quá nhiều lễ vật đã khiến cuộc sống nơi đây ngày càng nghèo đi.

Bây giờ đối với người đồng bào nơi đây, việc cưới hỏi đã được gọn nhẹ hơn rất nhiều. Như mấy đứa con của mình, chúng nó ưng nhau mình chỉ cần mấy chai nước ngọt cũng nên duyên cho chúng. Giờ chỉ cần chúng nó hạnh phúc là được rồi, lễ vật cũng chỉ là vật ngoài thân”.

Gần 40 năm làm công tác hòa giải, ông được vợ và các con tạo điều kiện hết sức để thực hiện nhiệm vụ yêu thích của mình, cái thu về là lòng tin của người dân địa phương đối với ông Ksor Nai, ông nói: “Cái vốn mình cho nó đi, cho một triệu ăn cũng hết, cho mấy trăm ăn cũng hết, nhưng mình làm là để tạo tài sản niềm tin, tạo uy tín trong cộng đồng, mình làm nhưng mình không nhận gì cả,  xem như là nuôi tình cảm, đó chính là tài sản của mình, là giá trị của mình.

Nếu sự việc hòa giải không thành thì đề nghị họ gửi đơn, khi đó mình hết thẩm quyền”. Được biết, ông Ksor Nai là một cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai. Ông đã từng vinh dự được UBND huyện Ia Pa và UBND tỉnh Gia Lai công nhận là Đại biểu uy tín, Đại biểu tiêu biểu, Điển hình tiên tiến nhiều năm.

Đọc thêm