Người gìn giữ “báu vật” tranh thờ truyền thống của người Dao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của người Dao chính là di sản tranh thờ. Đối với người Dao, tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh phong phú của họ. Tuy nhiên, việc bảo tồn và gìn giữ tranh thờ truyền thống của người Dao đang gặp nhiều khó khăn bởi không còn nhiều người Dao biết, yêu và theo đuổi đam mê một nghề được coi là cao quý của dân tộc mình.
Nghệ nhân Chảo Sành Nhàn vẽ tranh thờ.
Nghệ nhân Chảo Sành Nhàn vẽ tranh thờ.

Tranh thờ trong đời sống người Dao

Ở Việt Nam, công đồng người Dao có dân số tương đối lớn, gần 900.000 người (theo số liệu năm 2019), cư trú ở vùng biên giới Việt – Trung và một số tỉnh miền núi Trung du Bắc Bộ. Họ từ miền nam Trung Quôc di cư vào Việt Nam bằng nhiều con đường, nhưng đa số theo đường thủy xuyên suốt chiều dài của lịch sử nước Việt.

Dân tộc Dao có nhiều nhóm, cư trú ở nhiều vùng miền khác nhau, được xếp loại tùy theo phương ngữ, y phục truyền thống, kiểu vấn khăn đội đầu và trang sức của phụ nữ. Nhưng nhìn chung tất cả các nhóm người Dao đều có sự thống nhất về tổ tiên, các tập tục thờ cúng, tín ngưỡng thần linh, lễ hội truyền thống và đều dùng chữ Hán như văn tự chính thức trong các lễ nghi, thờ cúng.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của người Dao chính là di sản tranh thờ. Đối với người Dao, tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh phong phú của họ. Tuy nhiên, việc bảo tồn và gìn giữ tranh thờ truyền thống của người Dao đang gặp nhiều khó khăn bởi không còn nhiều người Dao biết, yêu và theo đuổi đam mê một nghề được coi là cao quý của dân tộc mình.

Người Dao quan niệm rằng khi chết đi con người chưa phải là rũ bỏ hết với cuộc sống mà họ còn có một cuộc sống tiếp theo ở thế giới khác. Vậy nên Đạo giáo không chỉ can thiệp vào thế giới của linh hồn mà can thiệp cả vào thế giới của con người. Khi chúng ta chết thì phải tổ chức lễ tang giúp đưa linh hồn về bên ông bà, tổ tiên. Ma chay cũng là một hình thức xuất hiện sớm, nó gắn liền đời sống, phổ biến rộng rãi ở tất cả các dân tộc và trên mọi nơi. Nó tồn tại, phát triển từ thời nguyên thủy cho đến ngày nay.

Lúc sống họ lại cần trải qua lễ cấp sắc, có như vậy họ mới được coi là người trưởng thành và mang gốc con cháu của Bàn Vương. Mọi nghi lễ, việc thờ cúng trong cộng đồng đều do thầy Tào (thầy Mo, thầy cúng) đứng ra làm lễ. Ông là chiếc cầu nối duy nhất liên lạc giữa con người hiện tại với thế giới thần linh.

Và trong những ngày lễ quan trọng của cuộc đời người Dao như lễ cấp sắc hay lễ tang đều không thể thiếu được tranh thờ. Có thể coi tranh thờ như một phương tiện biểu hiện tư tưởng, tinh thần cũng là thứ công cụ bảo bối của thầy Tào. Từng vị thầy lại sẽ lưu giữ cho mình số lượng tranh thờ càng nhiều càng thể hiện vai trò, giá trị của bản thân trong cộng đồng.

Tranh thờ Đạo giáo dân tộc Dao, đại bộ phận đều có nguồn gốc từ Quảng Tây, Quảng Đông, do nghệ nhân Trung Quốc vẽ, bên cạnh đó thì người Dao cũng khai thác cho mình một vài chủ đề tranh khác như: Sự tích Bàn Vương (tranh “Ngũ Kỳ Binh Mã”, “Thuyền Quan”, “Cưỡi Cá”). Tranh thờ người Dao có thể do nhiều thầy tào vẽ trên sự hiểu biết của từng nhánh Dao, nên tranh về Đạo giáo không những rất phong phú, mà còn được nhiều dân tộc thiểu số khác cùng dùng.

Hệ thống tranh Đạo giáo có ở trong dân tộc Dao và vài dân tộc khác như: Cao Lan, Tày, Nùng, Kinh, đó là bộ tranh “Tứ đại nguyên sư” gồm bốn bức kết hợp thành: Đặng Nguyên sư chủ đề nói về việc làm ra Sấm sét; Triệu Nguyên sư thể hiện việc làm ra Mư; Mã Nguyên sư chủ đề về việc làm ra Gió; Khang Nguyên sư nói về việc làm ra Mây.

Đại Đường Hải Phiên, tranh thờ người Dao Đỏ ở Bắc Hà, Lào Cai (Ảnh: Sách Tranh thờ Đạo giáo của Phan Ngọc Khuê, Nhà Xuất bản Mỹ thuật, 2001)

Đại Đường Hải Phiên, tranh thờ người Dao Đỏ ở Bắc Hà, Lào Cai (Ảnh: Sách Tranh thờ Đạo giáo của Phan Ngọc Khuê, Nhà Xuất bản Mỹ thuật, 2001)

Tư tưởng Đạo giáo mang khuynh hướng ma thuật với màu sắc tôn giáo, dùng phép, bói toán, bùa chú và cúng lễ để chữa bệnh, đuổi tà ma. Chính vì tư tưởng trên đã cho ra đời nhiều chân dung thần thánh, thành hoàng với sức mạnh phi thường có thể trấn áp quỷ ma, giúp tinh thần người dân thấy yên bình. Tranh thờ cũng giống như hình thức tạc tượng thờ chân dung tại chùa, đình. Cả hai đều có cùng mục đích là thờ cúng phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo. Đạo giáo ẩn dấu dưới nhiều hình thức, đứng độc lập tại ngôi đình hay kết hợp với Phật giáo trong ngôi chùa mà cũng tồn tại ngay ở đời sống thường ngày của người dân, thể hiện trên phương diện cúng lễ, bói toán...

Loại tranh thờ Đạo giáo mà người Dao thường sử dụng có tên gọi là “Tứ trực công tào”. Trong tất cả các nghi lễ cầu cúng dự lớn hay nhỏ, việc lành hay việc dữ thì thầy Tào người Dao hầu như đều đem bộ tranh “Tứ trực công tào” ra để hành lễ. Tranh thể hiện bốn vị thần tượng trưng cho sự vận hành thời gian không ngừng nghỉ. Mỗi công tào là biểu hiện của một vị sao cai quản khoảng thời gian nhất định trong ngày. Trực nửa đêm (Hư Nhật Thử tinh quân), trực rạng đông (Mão Nhật Kê tinh quân), trực giữa ngày (Tinh Nhật Mã tinh quân) và trực hoàng hôn (Phòng Nhật Thổ tinh quân).

Tính biểu trưng của loại tranh “Tứ trực Công Tào” là sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian. Thế giới hiện sinh luôn vận động và thế giới của thần linh cũng diễn ra theo quy luật đó. Sự chạy tiếp sức liên tục của bốn vị thần là tính chuyển động đêm, ngày, tháng, năm, đây là hình tượng biểu đạt khá thành công trong cấu tứ và xây dựng của nghệ thuật tạo hình cổ đại còn lưu giữ đến ngày nay.

Người xưa đã có tư duy tiên tiến về sự vận động liên tục của thời gian và coi chúng như một phạm trù triết lý mang tính bất biến. Dù vũ trụ có dịch chuyển thì vẫn phải tuân theo quy luật mà con người đã đặt ra. Hết ngày lại đến đêm, hết Xuân lại đến Hạ... Ý nghĩa lớn nhất bức tranh “Tứ trực Công Tào” biểu hiện đó là tính thống nhất trong mọi quy luật thiên nhiên và con người chính là chủ thể đã phát hiện.

Người gìn giữ “báu vật” của dòng tộc

Bản Pờ Sìn Ngài, xã Trung Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nằm ở lưng chừng núi là vùng đất quần cư lâu đời của cộng đồng dân tộc Dao đỏ. Những hộ người Dao sinh sống, quần tụ bên nhau bao đời nay ở đây, với những nét đẹp văn hóa còn được lưu giữ. Ở bản có một người được dân trong vùng vô cùng nể trọng và ai cũng biết đó là “thầy Tào” Chảo Sành Nhàn (SN 1954). Bởi ông là người coi sóc tâm linh cho cả bản, đồng thời là nghệ nhân vẽ tranh thờ nổi tiếng. “Thông thường, nghề thầy cúng và nghề vẽ tranh thờ thường là một, không thể tách rời thợ vẽ tranh và thầy cúng”, ông Chảo Sành Nhàn cho hay.

Kể về nhân duyên và con đường trở thành một thầy cúng, một người thợ vẽ tranh thờ của dân tộc mình, thầy Nhàn cho hay, ngay từ lúc 6 tuổi, bố của ông là cụ Chảo Chỉn Mìn – là một thầy cúng, thầy dạy chữ Nôm Dao, đã dạy cho ông các bài cúng tổ tiên, đạo lý làm người. Cụ Chảo Chỉn Mìn khi đó đã dặn dò cậu con trai bé bỏng của mình "Con học làm thầy cúng, thầy dạy chữ để sau này giúp ích cho gia đình, cho người dân trong bản”. Nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha cùng tư chất thông minh và sư chăm chỉ nên thầy Nhàn hiểu rất nhanh và nhớ lâu.

Đến năm 18 tuổi, bản thân thầy Nhàn rất thích thú với các hình tượng trong mỗi bức tranh thờ mà thấy cha sử dụng trong mỗi lễ cúng, ông liền lấy bút mực bắt chước vẽ lại. Khi đó, thấy được nét vẽ của con khá giống với tranh gốc, cụ Chảo Chỉn Mìn đã bảo con có khiếu vẽ tranh và cho ông Nhàn đi tìm thầy học vẽ.

Ông Nhàn được bố đưa đến nhà thầy vẽ Chảo Phù Chỉn (thôn Sáo Có Phìn, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để xin theo học vẽ tranh. Trong quá trình dạy học, thầy Chảo Phù Chỉn cũng đã dồn hết tâm huyết vào những bài giảng về đạo lý của người làm nghề vẽ tranh thờ và truyền dậy tất cả các kỹ thuật từ việc làm giấy, hồ dán, tới kỹ năng, kỹ thuật vẽ và tô màu tranh thờ.

Theo ông Chảo Sành Nhàn, tranh thờ đối với người giao là tranh thiêng, tranh cổ, có giá trị lớn về mặt tâm linh. Bởi vậy, nếu đã là con cháu người Dao thì trưởng các dòng họ phải bảo quản, lưu giữa tranh. Tranh thờ của người Dao có một bộ nhỏ gồm 17 bức tranh và bộ to có 22 bức.

Tranh thờ của người Dao thường được lưu giữ qua nhiều đời, nên rất coi trọng đến chất liệu giấy. Người Dao thường sử dụng giấy dó, vầu, rơm làm giấy vẽ. Đặc điểm giấy dó có độ mỏng, dai và hút ẩm tốt. Trước khi vẽ, các tờ giấy dó được dán lại từng nếp theo khổ giấy vẽ, dán từ 5 đến 7 lớp giấy, nếu muốn tranh dày người thợ dán nhiều lớp giấy. Hồ dán giấy được làm từ bột gạo nếp, da trâu kết hợp với vỏ cây có nhựa.

Kỹ thuật bồi giấy phải thực hiện nhanh, khéo léo khi phải dùng lông gà chấm vào hồ quết đều lên tờ giấy dó đã dải ở dưới. “Khi quét phải quét thật đều tay, nếu không khi dán tờ giấy vào sẽ tạo ra chỗ lồi, chỗ lõm, giấy không phẳng thì vẽ tranh sẽ không đẹp. Chờ giấy khô, ép giấy trong một tháng thì mới đem vẽ, khi đó giấy vẽ tranh sẽ rất bền khi sử dụng"”, ông Nhàn chia sẻ về bí kíp có được giấy vẽ tranh thờ đạt chuẩn.

Tiếp theo là công đoạn pha chế màu vẽ. Màu xanh dùng lá chàm đun sôi, màu đỏ dùng gốc rễ cây gỗ thu mộc, màu tím dùng lá cây cơm nếp, màu vàng dùng gốc, rễ cây đàng thời và củ nghệ. Trong đó màu vàng là màu chủ đạo, màu đẹp nhất của tranh thờ với ý nghĩa cầu mong mùa vàng (mùa màng tươi tốt). Màu đỏ tượng trưng sức sống, sự thịnh vượng và may mắn.

Màu đen tượng trưng cho bút mực, màu áo chàm của dân tộc. Màu xanh tượng trưng sự hiểu biết, hoa màu tươi tốt... Bí quyết để có được một chất màu vẽ bền, không phai mực là lấy nước ủ của rượu gạo làm nước pha chế màu. Bên cạnh đó, người Dao cũng sử dụng nước vôi trắng pha với cá dung dịch màu để tạo màu khi vẽ tranh.

Bộ bút vẽ gồm 12 chiếc với cỡ khác nhau, loại bút lông nhỏ nhất dùng vẽ mi - râu - tóc; loại bút lông trung bình dùng tô mặt, mũi, môi và dùng viết chữ; loại bút lông to nhất dùng tô màu các loại áo, đường viền...

Tranh thờ có nhiều kích cỡ khác nhau, có những bức dài tới 3 mét để thầy tào làm lễ. Công đoạn vẽ khai nhãn (phác họa) cũng rất quan trọng, bởi nó xác định đó là những bức tranh vẽ mới, có giá trị tâm linh. Sau khi phác họa, phải chín tháng sau mới được tô màu. Nội dung tranh vẽ khá thú vị, những vị thần quan trọng, uy nghiêm, có quyền cao sẽ được vẽ to ở vị trí trang trọng, còn những vị quan nhỏ hơn sẽ được vẽ theo thứ tự phù hợp. Có những bức vẽ đến hơn bảy mươi khuôn mặt. Từ xa xưa, người Dao đã luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến với con người và gửi gắm đến thần linh qua những bức tranh thờ.

Chính vì sự linh thiêng đó nên người vẽ tranh phải tuân theo nhiều điều cấm kỵ nghiêm ngặt khi vẽ tranh. Đối với các họa công, bắt buộc họ phải làm buồng riêng vẽ tranh thờ. Buồng vẽ làm ở phía đối diện bàn thờ tổ tiên, nơi có nhiều cửa sổ đón ánh sáng làm khô giấy, khô tranh. Khi vẽ, do các họa công phải tập trung tinh lực, trí lực cao nhất đảm bảo từng tờ tranh vẽ các vị thánh thần có thần thái uy nghiêm nhất, nên họ không tiếp, không trò chuyện, đảm bảo sự yên tĩnh tuyệt đối.

Người Dao thường chọn ngày tốt khai bút, chọn ngày hoàng đạo, thanh long, phúc sinh, ngày tam hợp với tuổi của họa công, đồng thời kiêng ngày sát chủ, thọ tử, tuyệt mệnh, ngày có sao xấu… Thời gian vẽ một bộ tranh mất khoảng 3 - 4 tháng. Bộ tranh vẽ xong, gia chủ phải mời 4 thầy làm lễ khai quang (điểm nhãn) cho bộ tranh. Trong lễ khai quang, bộ tranh mới treo theo thứ tự và địa vị thánh to, thánh nhỏ. Lấy bàn thờ tổ tông làm tâm, các tờ tranh thờ mới treo sang hai bên. Sau khi làm lễ khai quang, bộ tranh thờ linh nghiệm hơn được dùng trong lễ Chẩu đàng (tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương); lễ cấp sắc (quả tăng); tết nhảy (pút tồng) …

Tranh thờ được sử dụng trong những ngày lễ quan trọng của người Dao

Tranh thờ được sử dụng trong những ngày lễ quan trọng của người Dao

Trước kia, mỗi gia đình người Dao khi ra ở riêng đều phải có bộ tranh dùng thờ cúng trong gia đình, như là sự hiển hiện của các vị thần linh che chở cho cuộc sống. Người Dao có tục treo tranh mới hoặc vẽ lại các bức tranh khi đã quá cũ, tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình, chủ nhà có thể sử dụng tranh thờ được lưu truyền từ ông cha, hoặc có thể đặt vẽ tranh mới.

Để có những bức tranh mới về thờ, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thầy cúng (thầy mo hoặc thầy tào) nhờ thầy xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Thầy sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ thì tiến hành đặt tranh để vẽ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay tranh thờ của người Dao đứng trước nguy cơ mai một, hàng loạt tranh thờ cổ quý đã bị thất truyền, nhất là khi số người vẽ tranh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; mới chỉ có một số tài liệu sưu tầm, chưa có công trình nghiên cứu về văn hóa tranh thờ của người Dao ở Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung… Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tranh thờ người Dao đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Đọc thêm