Sắc màu tò he trong tâm hồn con trẻ
Làng Xuân La của xã Phượng Dực được coi là cái nôi của làng nghề tò he. Đáng tiếc là nghề nặn tò he hiện đang ngày càng mai một. Chị Chu Thị Sơn (38 tuổi, quê ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một trong số ít nghệ nhân trong làng vẫn còn đắm đuối với nghề. Sản phẩm tò he luôn được chị Sơn chú trọng đổi mới thì mới thích ứng được với con trẻ.
Đối với chị, nặn tò he không chỉ là công việc để mưu sinh, nuôi sống gia đình mà còn là sáng tạo nghệ thuật. Hàng ngày chị dậy sớm, mang đồ nghề đến nơi quen thuộc là Công viên Thủ Lệ để nặn tò he. Chỉ trong vài phút, dưới bàn tay khéo léo của chị đã cho ra đời những con vật đáng yêu, ngộ nghĩnh như lợn, gà, chim... hay những nhân vật gắn liền với các bộ phim tuổi thơ như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... Những món đồ chơi ấy tuy nhỏ bé nhưng nó đã trở thành kí ức đẹp trong tâm hồn của biết bao thế hệ trẻ thơ.
Nói về tên gọi “tò he”, chị Sơn cho rằng: Tò he chỉ mới xuất hiện khoảng vài chục năm trở lại đây. Trước đây nó được gọi là nghề “nặn con giống” bởi lẽ những hình nặn này thường là những con vật như gà, lợn... nhiều nhất vẫn là nặn các con chim.
"Có thể là do trước đây một số người hay nặn hình bột chiếc kèn tò te để thu hút sự chú ý của khách. Lâu dần, tiếng tò te từ chiếc kèn này trở nên quen thuộc, gắn liền với những người “nặn con giống”, và được gọi chệch thành “tò he”." - chị lý giải.
Theo chị Sơn, nguyên liệu chính để nặn tò he là bột gạo tẻ trộn với một phần bột gạo nếp. Tuy nhiên phải trộn theo tỉ lệ nhất định thì bột mới dẻo, dễ nặn và không bị dính tay. Theo kinh nghiệm của ông cha truyền dạy, chị Sơn thường xay gạo cho thật mịn, sau đó trộn với nước rồi phơi khô. Bột gạo này tiếp tục trộn với nước màu, sau đó đem đồ chín thì mới thành bột nặn. Kinh nghiệm này được chị chắt lọc nhiều năm mới có được.
Về nước màu, những nghệ nhân lâu năm như chị Sơn thường dùng các màu tự nhiên, tránh dùng phẩm màu. Các loại phẩm màu này được chị Sơn chế từ các loại lá cây hay rau củ ăn được. Ví dụ như màu đỏ sẽ được chị Sơn lấy từ quả gấc, còn bột màu vàng thì lấy từ củ nghệ, còn lá tràm, lá riềng sẽ tạo thành màu xanh...
Hiện nay, để rút ngắn thời gian chế phẩm màu tự nhiên, một số người đã dùng màu công nghiệp. Bởi họ quan niệm rằng đây chỉ là trò chơi cho trẻ nhỏ chứ không phải đồ ăn. Những nghệ nhân tâm huyết như chị Sơn thì không làm như vậy. Chị quan niệm rằng chơi tò he hầu hết là các em nhỏ tuổi, với những nguyên liệu tự nhiên tuy chế màu có vất vả nhưng nếu lỡ các em trót ăn hay nuốt phải thì sẽ không hề gì.
Tò he ở Công viên Thủ Lệ, chủ yếu bán cho “khác hàng nhí”. |
Tò he phải vươn ra thế giới
Cứ vào mỗi dịp Tết Trung thu, hội hè, đồ chơi Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam. Chính “cơn lốc” đồ chơi Trung Quốc góp phần làm các đồ chơi dân gian ngày càng bị lãng quên, mai một, kéo theo nghề nặn tò he và một số đồ chơi dân gian khác cũng bị thu hẹp. Việc duy trì nghề nặn tò he trở nên khó khăn hơn.
Chị Sơn tâm sự: “Chỉ có dịp Tết Trung thu là tò he bán chạy, chứ cuối tháng là hàng ế ẩm, nặn chẳng ai mua”. Vào thời điểm này, trừ tiền chi phí mỗi ngày chị cũng lãi được vài trăm ngàn đồng. Theo mức độ khó, dễ, hiện mỗi con tò he được chị Sơn bán với mức giá là từ 15 - 50 ngàn đồng.
Do sở thích của trẻ nhỏ nên chị Sơn luôn phải thay đổi các con vật cho bắt mắt. Trong công viên chủ yếu là “khách hàng nhí”, các cháu thấy những con tò he ngộ ngĩnh là bắt mẹ mua. Hiện tò he được yêu thích và bán chạy nhất là siêu nhân, Đô-rê-mon, Pi-ka-chu, Angry Birth, Pokemon…
Cũng theo chị Sơn, ngoài việc bị đồ chơi Trung Quốc lấn át thì một nguyên nhân nữa cũng khiến cho nghề tò he hiện nay khó mà phát triển được là do không có địa điểm bán hàng. Muốn bán được hàng thì phải đến những chỗ có nhiều trẻ em đi lại.
Thông thường những địa điểm bán chạy nhất vẫn là công viên, trường học hoặc các khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, để có một chỗ bán hàng thì phải đăng ký với Ban quản lý. Hiện chị Sơn phải đóng phí tháng cho Công viên Thủ Lệ là một triệu đồng. Mùa hè trẻ nhỏ đi chơi nhiều, bán đắt hàng nhưng vào mùa đông, mỗi ngày chị chỉ lãi được mớ rau, thậm chí có hôm mưa rét ế hàng thì không kiếm đủ tiền vé xe.
Theo chị Sơn, hiện trong xã còn không nhiều nghệ nhân nặn tò he và sống chết với nghề. Để duy trì làng nghề của ông cha để lại, đa số họ đều phải tỏa đi các hướng trong thành phố, sáng đi tối về. Trên bước đường mưu sinh vất vả nhiều may rủi, nhiều người đã bỏ nghề vì không bám trụ được.
Đứng trước nguy cơ mai một của làng nghề, những nghệ nhân như chị Sơn lại phải tự tìm hướng đi cho mình. Hiện ở Xuân La, người dân đã thành lập Câu lạc bộ Tò he từ năm 2009. Ban đầu số hội viên chỉ có 54 người, đến nay tăng lên 107 người.
Mục đích của Câu lạc bộ là xây dựng ý tưởng mới đồng thời giữ gìn và phát triển làng nghề của ông cha. Vừa qua Câu lạc bộ đã được Trung ương Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chấp nhận cho thành lập Chi hội Di sản Văn hóa Làng nghề truyền thống.
Chị Sơn phấn khởi cho biết: Hiện Câu lạc bộ To he làng Xuân La đang phối hợp với một số nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai Dự án Tò he Việt nhằm quảng bá sản phẩm này đến với bạn bè quốc tế bằng các trang Web, Fanpage, các trang Blog, Wordpress và cả du khách du lịch đến Việt Nam. Cho tới nay, nhóm sinh viên này còn giúp đỡ các nghệ nhân bằng cách giới thiệu sản phẩm tới nhiều đối tượng khách hàng như các công ty, trường tiểu học, mầm non, khách du lịch...
Được sự giúp đỡ của sinh viên, các nghệ nhân đã có thêm cơ hội thể hiện kỹ thuật nặn to he cho thiếu nhi xem. Thậm chí họ còn được bạn bè nước ngoài mời sang bên đó để giới thiệu sản phẩm này cho các em nhỏ ở trường mần non và tiểu học.
Ánh mắt chị Sơn ngời lên niềm xúc động và tự hào: “Em biết không, hiện các em nhỏ ở một số nước như Singapore, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã biết đến tò he của Việt Nam rồi đấy. Tôi mơ ngày không xa nữa, các em nhỏ ở nhiều quốc gia trên trái đất này biết đến con tò he truyền thống của Việt Nam.”
Bằng sự nỗ lực và cố gắng, những nghệ nhân như chị Sơn sẽ có cơ hội để quảng bá tò he ra nước ngoài và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi họ rất cần sự quan tâm, đồng thuận của chính quyền địa phương. Có như vậy thì làng nghề nặn tò he mới có hướng đi và sẽ không bị mai một./.